Theo nguồn tin Reuters, Interpol đã chuyển lệnh truy nã tới lực lượng an ninh Liban. Tuy nhiên, cơ quan tư pháp quốc gia Trung Đông vẫn chưa nhận được văn bản này.
Chính quyền Liban vẫn chưa lên tiếng xác nhận thông tin này hay thông báo sẽ có hành động cụ thể nào. Trong quá khứ, khi nhà chức trách Lebanon nhận thông báo truy nã công dân nước này từ Interpol, nghi can không bị bắt giữ, nhưng hộ chiếu sẽ bị tịch thu.
|
Carlos Ghosn bị bắt giữ tại Nhật Bản cuối năm 2018 |
Trước đó, cũng nguồn tin Reuters khẳng định Carlos Ghosn được một công ty an ninh tư nhân đưa ra khỏi Tokyo và tới Liban qua đường Thổ Nhĩ Kỳ. Kế hoạch đào tẩu được chuẩn bị kỹ càng trong vòng 3 tháng.
Cũng trong ngày 2/1, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã bắt giữ 7 người bị tình nghi có liên quan tới vụ đào tẩu của cựu chủ tịch Nissan, bao gồm 4 phi công.
Một số nguồn tin thân cận với Ghosn tiết lộ cựu chủ tịch Nissan quyết định trốn khỏi Nhật Bản sau khi biết phiên tòa thứ hai xét xử ông ta bị hoãn tới tháng 4/2021. Việc ông ta không được phép nói chuyện với vợ cũng là một phần nguyên nhân.
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên hãng tin Kyodo của Nhật Bản ngày 1/1, người bạn lâu năm của ông Ghosn, ông Imad Ajami, cho biết cựu Chủ tịch Nissan đã trốn trong hộp đựng nhạc cụ của một ban nhạc tới trình diễn tiệc Giáng sinh tại dinh thự riêng của ông này ở Tokyo. Ông Ghosn sau đó được đưa tới một sân bay ở một địa phương khác của Nhật Bản.
Một xe tải cùng hai máy bay tư nhân của một công ty ở Dubai đã được thuê dường như để phục vụ kế hoạch tẩu thoát này của cựu lãnh đạo Nissan.
Trước đó, truyền thông Liban và thế giới cũng đưa tin ông Ghosn đã bay tới Liban trên một chuyên cơ riêng, qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Một quan chức của Sân bay quốc tế Kansai thuộc Bộ Giao thông Nhật Bản cho biết có một máy bay tư nhân rời sân bay ở tỉnh Osaka hôm 29/12 đi Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Đài truyền hình MTV (Liban) đưa tin ông này trốn trong một hộp đựng nhạc cụ, nhờ sự hỗ trợ của một công ty chuyên về dịch vụ an ninh và nhập cảnh vào Liban bằng hộ chiếu Pháp. Sau khi tới Liban ông Ghosn đã ra một thông báo thông qua đại diện của mình tại Mỹ giải thích lý do chạy trốn.
|
Cựu Chủ tịch Nissan Motor Carlos Ghosn |
Carlos Ghosn đã lãnh đạo Nissan trong hai thập kỷ và tạo ra một trong những liên minh ôtô lớn nhất thế giới cùng hai hãng sản xuất ôtô Renault SA (Pháp) và Mitsubishi Motors (Nhật Bản) trước khi bị buộc tội không kê khai khoản thù lao ông được nhận khoảng 9 tỷ yen (83 triệu USD) trong 8 năm tính đến hết tháng 3/2018.
Ngoài tội danh không kê khai khoản thù lao hàng triệu USD nói trên, ông cũng bị cáo buộc lạm dụng tín nhiệm sử dụng tiền của hãng Nissan phục vụ lợi ích cá nhân. Ông Ghosn đã phủ nhận tất cả các tội danh.
Cựu Chủ tịch Nissan bị bắt giữ hồi tháng 11/2018 với các cáo buộc gian lận tài chính. Ông được tại ngoại sau khi nộp tiền bảo lãnh với điều kiện ông này không được phép rời khỏi Nhật Bản. Dự kiến, Tòa án Tokyo bắt đầu xét xử ông vào tháng 4/2020.