Wall Street Journal dẫn nhiều nguồn tin giấu tên cho biết thỏa thuận hợp tác quân sự được âm thầm ký kết vào đầu năm 2019. Chính phủ Trung Quốc và Campuchia đều không công bố thông tin này.
Thỏa thuận cho quân đội Trung Quốc quyền sử dụng đặc biệt đối với một phần căn cứ hải quân Ream của Campuchia tại vịnh Thái Lan. Căn cứ nằm gần thành phố Sihanoukville và sân bay đang được một công ty Trung Quốc đầu tư và xây dựng.
|
Cầu cảng tại căn cứ hải quân Ream của Campuchia. Ảnh: Khmer Times.Thỏa thuận dùng cảng trong 30 năm |
Thỏa thuận dùng cảng trong 30 năm
Một số quan chức Mỹ đã xem qua bản dự thảo của thỏa thuận. Nội dung này cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ trong vòng 30 năm, kèm theo các điều khoản tự động gia hạn thêm 10 năm. Quân đội Trung Quốc được quyền đồn trú nhân sự, cất giữ vũ khí và cho tàu chiến cập cảng. Nội dung chính xác của văn bản được ký kết vẫn chưa được tiết lộ.
Theo nhận định của Wall Street Journal, các hoạt động quân sự từ căn cứ hải quân và sân bay nói trên có thể gia tăng đáng kể khả năng thực thi các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Sự gia tăng hiện diện quân sự của Trung Quốc cũng đe dọa các đồng minh và đối tác của Mỹ tại Đông Nam Á, đồng thời gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh tại eo biển chiến lược Malacca.
Giới chức Trung Quốc và Campuchia đều phủ nhận thông tin Trung Quốc có căn cứ quân sự đồn trú tại quốc gia Đông Nam Á. Người phát ngôn chính phủ Campuchia ngày 19/7 khẳng định những kế hoạch đó không tồn tại và thông tin Phnompenh cho quân đội Trung Quốc đồn trú chỉ là tin bịp.
Giới chức Mỹ và các nước đồng minh bày tỏ lo ngại thỏa thuận đồng nghĩa rằng Trung Quốc sẽ có cơ sở hải quân đầu tiên tại Đông Nam Á, dù nội dung của dự thảo chưa thiết lập một căn cứ quân sự với quy mô hoàn chỉnh. Việc Trung Quốc có thể mở tiền đồn quân sự thứ hai ở nước ngoài khiến Lầu Năm Góc thêm lo ngại về tham vọng thiết lập mạng lưới căn cứ quân sự toàn cầu của Bắc Kinh.
|
Ảnh chụp vệ tinh cho thấy hoạt động xây dựng đang được chuẩn bị ở Ream. Đồ họa: Wall Street Journal. |
Emily Zeeberg, người phát ngôn của đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh, cho biết Washington "quan ngại trước bất cứ động thái nào của chính quyền Campuchia đưa quân đội nước ngoài hiện diện tại Campuchia". Bà nhận định viễn cảnh này sẽ tác động xấu đến hòa bình và ổn định toàn khu vực.
Trung Quốc triển khai tiền đồn quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti, Đông Phi, vào năm 2017. Căn cứ được mô tả nhằm hỗ trợ các sứ mệnh an ninh ở Ấn Độ Dương và châu Phi.
Kể từ năm 2014, Trung Quốc còn ngang ngược tăng tốc xây dựng 7 đảo nhân tạo trái phép trên các thực thể ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bất chấp phản đối của khu vực và quốc tế. Nước này còn đưa vũ khí và quân sự hóa các đảo nhân tạo, với 3 trong số đó đã có đường băng quân sự.
Charles Edel, cựu cố vấn ngoại trưởng Mỹ, cảnh báo các căn cứ của Trung Quốc trong Đông Nam Á có thể liên kết thành "một hành lang tam giác có khả năng bao phủ toàn bộ phần đất liền của Đông Nam Á".
Hé lộ chi tiết thỏa thuận
Theo Wall Street Journal, căn cứ quân sự được các quan chức Mỹ nói đến là quân cảng Ream. Căn cứ rộng hơn 75 ha, được bao bọc bởi những cánh rừng dày và có hai cơ sở xây bằng quỹ hỗ trợ của Mỹ.
Theo một lá thư do Bộ Quốc phòng Campuchia gửi cho phía Mỹ, các cơ sở do Mỹ hỗ trợ xây dựng tại Ream sẽ được bố trí lại để phục vụ kế hoạch "phát triển cơ sở hạ tầng và củng cố an ninh". Quân cảng được phụ trách bởi hải quân Campuchia, chỉ có một cầu cảng để neo đậu hàng chục tàu tuần tra.
Giới chức Mỹ cho biết họ bắt đầu nghe thông tin về đàm phán Trung Quốc - Campuchia gần 1 năm trước. Những nghi ngờ gia tăng vào đầu năm 2019 khi Bộ Quốc phòng Campuchia yêu cầu rồi lại rút lại yêu cầu nhận hỗ trợ tài chính từ Mỹ để tu sửa các cơ sở ở Ream.
Các ảnh vệ tinh mới chụp tại Ream cho thấy căn cứ này đang được dọn dẹp để chuẩn bị thi công. Họ còn chuẩn bị một cây cầu mới ở lối vào quân cảng. Theo bản dự thảo thỏa thuận mà các quan chức Mỹ tiếp cận được, Trung Quốc sẽ đầu tư xây thêm 2 cầu cảng mới, chia đều quyền sử dụng cho cho lực lượng 2 nước. Nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ cho nạo vét đáy biển khu vực để tiếp nhận được tàu lớn của hải quân nước này.
Các quan chức Mỹ cho biết khu vực quân đội Trung Quốc sử dụng tại Ream sẽ có diện tích gần 25 ha. Thỏa thuận cho phép nhân sự Trung Quốc mang vũ khí tại căn cứ và được cấp hộ chiếu Campuchia. Thỏa thuận cũng yêu cầu công dân Campuchia phải xin giấy phép từ phía Trung Quốc nếu muốn vào khu vực do quân đội nước này quản lý.
|
Trung Quốc đang đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Dara Sakor lớn nhất Campuchia. Ảnh: Getty. |
Ngoài ra, giới chức Mỹ và các cộng sự đang nỗ lực vận động Campuchia không cho quân đội Trung Quốc sử dụng sân bay mới đang xây tại Dara Sakor, cách quân cảng Ream khoảng 64 km về phía tây bắc. Sân bay đang được xây dựng bởi công ty tư nhân Campuchia với hợp đồng thuê 99 năm.
Ảnh chụp vệ tinh cho thấy hoạt động xây dựng diễn ra nhanh chóng tại Dara Sakor trong một năm qua. Sân bay giờ có đường băng dài hơn 3 km, đủ khả năng tiếp nhận máy bay thương mại Boeing 747 và Airbus A380 cũng như các máy bay vận tải quân sự và máy bay ném bom tầm xa của Trung Quốc.
Theo các quan chức Mỹ, ảnh vệ tinh cho thấy công ty Trung Quốc còn chuẩn bị thiết kế các khúc cua trên đường băng phù hợp với nhu cầu hạ cánh và cất cánh nhanh của máy bay quân sự, đặc biệt là tiêm kích. Trong khi đó, công ty xây dựng Trung Quốc lại tuyên bố sân bay chỉ phục vụ mục đích thương mại.
Giới chức Mỹ đang tìm cách thuyết phục Phnom Penh đảo ngược thỏa thuận với Bắc Kinh. Nhiều quan chức và nhà phân tích Mỹ cho rằng Washington đang quá cứng rắn trong nhiều vấn đề với Campuchia, sử dụng "cây gậy" nhiều hơn "củ cà rốt".
Trong khi một quan chức cấp cao tại Lầu Năm Góc nhận định Mỹ cần Campuchia trở thành "đối tác an ninh ưu tiên", một quan chức khác lại nhận định Phnom Penh đã nghiêng hẳn về Bắc Kinh.
|
Thiết kế sân bay Dara Sakor khiến giới chức Mỹ lo ngại cơ sở có thể được dùng cho mục đích quân sự. Đồ họa: Wall Street Journal. |
Chuẩn đô đốc Mey Dina, người phát ngôn quân cảng Ream, ngày 2/7 phủ nhận thông tin hải quân Trung Quốc hiện diện tại căn cứ, theo Khmer Times.
"Quân cảng Ream bác bỏ thông tin được công bố bởi đại sứ quán Mỹ nghi ngờ khả năng cơ sở quân sự Trung Quốc sẽ xuất hiện tại căn cứ hải quân của chúng tôi trong tương lai", ông Dina nhấn mạnh "không có căn cứ quân sự Trung Quốc ở đây".
"Hiến pháp Campuchia không cho phép quân đội nước ngoài thiết lập căn cứ trong vương quốc", Chuẩn đô đốc Dina nói.