Theo Sina, ông Trần (50 tuổi) đã sử dụng cơm nguội bảo quản trong tủ lạnh để chế biến món cơm rang quen thuộc. Tuy nhiên, không lâu sau bữa ăn, ông Trần bắt đầu cảm thấy khó chịu với các triệu chứng đau bụng dữ dội và tiêu chảy liên tục. Tình trạng sức khỏe của ông chuyển biến xấu nhanh chóng, buộc gia đình phải đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Khi nhập viện, ông Trần đã rơi vào tình trạng sốc nghiêm trọng, suy đa tạng như tim, gan, thận... Các bác sĩ đã phải tiến hành hàng loạt biện pháp can thiệp khẩn cấp như đặt nội khí quản, lọc máu... để duy trì sự sống cho bệnh nhân.
Sau khi thăm khám và xét nghiệm kỹ lưỡng, các bác sĩ chẩn đoán ông Trần mắc bệnh do thực phẩm gây ra bởi vi khuẩn Bacillus cereus (trực khuẩn Bacillus cereus). Loại vi khuẩn này thường phát triển mạnh trong cơm hoặc cơm rang để ở nhiệt độ phòng trong thời gian dài. Tình trạng ngộ độc cấp tính do ăn cơm nguội như trường hợp của ông Trần được gọi là "Hội chứng cơm chiên" (Fried Rice Syndrome).
 |
Cơm chiên để qua đêm có khả năng nhiễm khuẩn Bacillus cereus (Ảnh: Nineshield) |
Hội chứng cơm chiên xảy ra khi cơm và các thực phẩm giàu tinh bột như mì ống, bún, phở... sau khi nấu chín, nếu để ở nhiệt độ phòng trên 2 tiếng, có thể sản sinh ra vi khuẩn Bacillus cereus. Vi khuẩn này tạo ra độc tố Cereulide, gây tổn thương và phá hủy ty thể bên trong tế bào, khiến tế bào không thể sản sinh năng lượng và trao đổi chất.
Tùy thuộc vào lượng độc tố xâm nhập cơ thể, người bệnh có thể gặp các triệu chứng từ nhẹ đến nặng như: buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, khó chịu đường ruột, sốt... Trong trường hợp nghiêm trọng, độc tố Cereulide có thể dẫn đến suy đa tạng, thậm chí tử vong.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, có 4 nhóm thực phẩm tốt nhất không nên để qua đêm và hâm nóng lại, dù đã bảo quản trong tủ lạnh. Bởi tủ lạnh không phải là "thần dược" có thể ngăn chặn hoàn toàn sự phát triển của vi khuẩn và quá trình biến chất của thực phẩm.
Rau lá xanh: Bản thân rau lá xanh đã chứa hàm lượng nitrat cao. Sau khi nấu chín và để nguội quá lâu, dưới tác động của vi khuẩn, nitrat sẽ chuyển hóa thành nitrit, một chất không có lợi cho sức khỏe. Nếu bảo quản không đúng cách, hàm lượng nitrit có thể vượt quá mức cho phép, gây ngộ độc nếu tiêu thụ (người lớn có thể bị ngộ độc nếu hấp thụ 0.2g nitrit).
Hải sản: Các loại hải sản như cua, cá, tôm, sò... đều là thực phẩm giàu protein. Nếu không ăn hết trong ngày và để qua đêm, protein trong hải sản có thể bị phân hủy, tạo thành các chất gây kích ứng niêm mạc dạ dày, gây khó chịu đường ruột, thậm chí tổn thương chức năng gan, thận.
Nấm và ngân nhĩ (mộc nhĩ trắng): Tương tự rau lá xanh, nấm và ngân nhĩ cũng chứa nhiều nitrat. Sau khi nấu chín và để lâu, nitrat sẽ chuyển hóa thành nitrit do tác động của vi khuẩn. Tiêu thụ lượng lớn nitrit có thể làm tăng nguy cơ ung thư, giảm hoạt tính hồng cầu, gây thiếu oxy, thiếu máu, thậm chí tử vong trong trường hợp nghiêm trọng.
Khoai tây, khoai môn, bánh bao: Các loại thực phẩm giàu tinh bột này rất dễ sinh sôi vi khuẩn sau khi chế biến. Nếu muốn để qua đêm, tốt nhất nên bảo quản kín và cấp đông trong ngăn đá tủ lạnh.
Để phòng tránh "Hội chứng cơm chiên" và các nguy cơ ngộ độc thực phẩm khác, các chuyên gia khuyến cáo:
Nên ăn cơm và thức ăn mới nấu chín, hạn chế tối đa việc ăn đồ ăn thừa để qua đêm.
Bảo quản thực phẩm đúng cách, nếu bắt buộc phải để lại thức ăn thừa, cần làm nguội nhanh chóng và bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ dưới 5°C trong vòng 1-2 ngày.
Hâm nóng kỹ trước khi ăn, khi hâm nóng lại thức ăn thừa, cần đảm bảo nhiệt độ đạt trên 70°C và hâm nóng kỹ lưỡng.
Không hâm nóng lại nhiều lần, thức ăn đã hâm nóng tốt nhất nên ăn hết trong một lần, tránh hâm nóng lại nhiều lần vì có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
Vụ việc của ông Trần là một lời nhắc nhở đắt giá về tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là trong thói quen ăn uống hàng ngày. Hãy luôn cẩn trọng và lựa chọn thực phẩm tươi ngon, chế biến và bảo quản đúng cách để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.