5 cách tránh đạp nhầm chân ga khi lái ô tô

Rất nhiều trường hợp khi gặp sự cố, người lái xe luống cuống nên đạp nhầm chân ga thay cho chân phanh. Để tránh sự cố này, chuyên gia chỉ 5 cách sau.
Thời gian qua, trên cả nước thường xảy ra những vụ tai nạn liên hoàn gây hậu quả thương tâm. Nguyên nhân của những vụ việc đáng tiếc này phần lớn do lái xe đạp “nhầm chân ga”. Vậy đâu là cách để lái xe an toàn, tránh mắc phải lỗi nguy hiểm này?
Anh Nguyễn Hoàng Linh (42 tuổi) - giáo viên có gần 20 năm kinh nghiệm dạy lái xe tại Hà Nội cho biết, ở Việt Nam những vụ tai nạn xảy ra do chủ xe đạp nhầm chân ga thay cho chân phanh không phải là hiếm. Lỗi này chủ yếu xảy ra ở xe số tự động.
5 cach tranh dap nham chan ga khi lai o to
 
"Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến lỗi này là do tâm lý hoảng loạn, mất bình tĩnh của tài xế khi gặp tình huống bất ngờ, dẫn đến những phản xạ ngoài ý muốn gây hậu quả nghiêm trọng", anh Hoàng Linh nói.
Để phòng tránh mắc phải lỗi đáng tiếc trên, anh Nguyễn Hoàng Linh cho biết có những quy tắc lái xe có thể rèn luyện, thực hành và duy trì để hạn chế nhầm lẫn dẫn đến nguy hiểm chết người này.
Không lái xe khi đã uống rượu bia
Lái xe khi uống rượu bia có thể gây ra những vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Nếu biết sẽ phải uống rượu khi đến gặp bạn bè, đồng nghiệp hãy đi taxi thay vì lái xe tới chỗ hẹn. Nếu phải nhậu say không được lên kế hoạch trước, bạn nên để xe lại và đi taxi về nhà hoặc nhờ ai đó tỉnh táo lái xe đưa bạn về nhà.
Giữ tập trung, tỉnh táo khi lái xe
Mất tập trung và những biến động trong tâm lý có thể sẽ gây ảnh hưởng lớn đến khả năng phản xạ trước những tình huống bất ngờ. Đã có nhiều trường hợp khi gặp sự cố, người lái xe luống cuống phanh gấp nhưng lại đạp nhầm chân ga thay cho chân phanh.
Khi tham gia giao thông, người điều khiển cần tập trung hoàn toàn vào việc lái xe, tránh phân tâm, sao nhãng sang những chuyện khác. Trong đó, sử dụng điện thoại di động khi lái xe đã gây ra nhiều vụ tai nạn xe hơi.
Đặc biệt, cần tránh lái xe khi buồn ngủ. Cần chắc chắn phải đủ tỉnh táo trước khi lái xe, đặc biệt là khi lái xe đường dài bởi chỉ cần một vài giây ngủ thiếp đi trong khi lái xe có thể gây ra thảm họa.
Lựa chọn giày dép phù hợp
Giày dép cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng xử lý tình huống trên đường của tài xế nên cần lựa chọn giảy dép phù hợp khi lái xe.
Nếu đi chân trần sẽ khiến người lái đau chân khi phải lái xe trong một thời gian dài. Nếu đi giày cao gót, giày có đế dày sẽ khiến chân bị cứng và khó di chuyển nên thực hiện các thao tác chân không linh hoạt.
Tuyệt đối không dùng dép lê hoặc giày cao gót khi lái xe. Nếu tài xế là nữ có thói quen đi boot hoặc giày cao gót thì nên chuẩn bị sẵn trong xe một đôi giày đế mỏng để sử dụng khi lái xe.
Rời chân ga – rà chân phanh
Khi điều khiển một chiếc xe ôtô với hộp số tự động thì người tài xế cần chú ý điều chỉnh ghế lái và vị trí ngồi sao cho thoải mái nhất. Người lái luôn phải đặt gót chân phải thẳng hoặc gần với bàn đạp phanh để khi phanh, bàn chân nằm ở tư thế tự nhiên và thuận tiện nhất để có thể xử lý tình huống bất ngờ.
Tài xế cần tuân thủ nguyên tắc không rời gót chân phải khỏi sàn xe, cố gắng chỉ xoay gót chân phải để điều khiển ga/phanh và nhanh chóng chuyển sang rà phanh mỗi khi bỏ chân ga.
Tài xế cần tuân thủ nguyên tắc không rời gót chân phải khỏi sàn xe, cố gắng chỉ xoay gót chân phải để điều khiển ga/phanh và nhanh chóng chuyển sang rà phanh mỗi khi bỏ chân ga.
Phải giữ thói quen "rời chân ga – rà chân phanh", có nghĩa là ngay khi nhấc chân phải khỏi chân ga thì ngay lập tức xoay chân phải sang chân phanh để hình thành thói quen luôn sẵn sàng phanh trong mọi tình huống.
Hành động này nên được tập thành thói quen ngay cả khi không có tình huống nguy hiểm vì nó giúp tài xế luôn trong tình trạng sẵn sàng phanh thay vì nhấn ga.
Quan sát từ xa, giữ khoảng cách
Theo anh Nguyễn Hoàng Linh, lái xe cần quan sát từ xa và chú ý giữ khoảng cách an toàn để chủ động xử lý tình huống từ sớm. Không cố vượt sớm vài giây khi dừng đèn xanh đèn đỏ bởi có thể gây nguy hiểm cho bản thân và những người tham gia giao thông.
Khi đến ngã tư, gặp đèn xanh còn một vài giây thì tốt nhất dừng lại không nên phóng nhanh cho kịp qua vì dễ bị các phương tiện khác vượt vội. Ngược lại, khi thấy đèn đỏ, hãy kiên nhẫn chờ hết giây hãy đi vì nhiều phương tiện khác sẽ cố vượt sẽ rất nguy hiểm.
"Rất nhiều vụ tài xế do không giữ khoảng cách an toàn vì quá ỷ lại vào phanh xe nên khi đến quá gần nếu phanh không dừng lại sẽ cuống lên mà đạp nhầm sang chân ga rồi gây ra những vụ tai nạn thảm khốc", anh Nguyễn Hoàng Linh nói.
Nam Anh/Tieudung

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN