Trình bày tại tòa, bà Diệp cho biết, hiện tất cả tài sản mà cơ quan điều tra phong tỏa, kê biên trong giai đoạn điều tra vụ án đều là tài sản chung của vợ chồng bà. Bên cạnh đó, nhiều tài sản cũng đang được thế chấp để vay tiền tại một số ngân hàng.
"Tôi đồng ý dùng toàn bộ tài sản đó để khắc phục hậu quả, vì mong muốn của anh Quyết trong suốt quá trình bị tạm giam là bán tài sản, vay mượn người thân và bạn bè để khắc phục hậu quả vụ án này", bà Diệp trình bày.
Cũng theo bà Diệp, những tài sản bị phong tỏa, kê biên và tài sản thế chấp ngân hàng đã được gửi hồ sơ cho cơ quan điều tra và Viện kiểm sát. Do đó, bà không thể biết chính xác.
|
Bị cáo Trịnh Văn Quyết. |
Bà Diệp cho biết, tính đến ngày hôm nay (23/7), gia đình thực hiện mong muốn và nguyện vọng của bị cáo Quyết, tiếp tục huy động và vay mượn để nộp khắc phục thêm 25,1 tỉ đồng.
Theo đó, đến nay (trước khi tòa mở phiên sơ thẩm), ông Trịnh Văn Quyết đã khắc phục được 210 tỉ đồng và gia đình bị cáo vẫn đang nỗ lực khắc phục thêm. Nếu được tòa chấp nhận đề nghị trên, tổng số tiền bị cáo Quyết khắc phục được là 235,1 tỉ đồng.
Trong vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần chứng khoán BOS, Công ty Cổ phần xây dựng Faros và các công ty liên quan, ông Quyết bị cáo buộc hai tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán".
Ở hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ông Quyết bị xác định là người quyết định chỉ đạo thực hiện việc mua Công ty Faros; quyết định, chỉ đạo góp vốn khống, sử dụng vốn góp khống để hợp thức việc nâng khống, sử dụng vốn góp khống của Công ty Faros từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng; Đăng ký công ty đại chúng, đăng ký chứng khoán và niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE, bán hơn 391 triệu cổ phiếu ROS hình thành từ vốn góp nâng khống cho 30.403 nhà đầu tư, chiếm đoạt hơn 3.621 tỉ đồng.
Ở hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", bị cáo Trịnh Văn Quyết cũng là người quyết định, chỉ đạo thực hiện mở, quản lý, sử dụng các tài khoản chứng khoán; quyết định, chỉ đạo việc cấp khống tiền cho các tài khoản do bị can Trịnh Thị Minh Huế (kế toán Tập đoàn FLC) quản lý sử dụng để thao túng 5 mã chứng khoán, thu lợi bất chính hơn 723 tỉ đồng.
Trong đó, bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 4 mã chứng khoán, thu lợi bất chính hơn 684 tỉ đồng.