Một điểm chung khác của các doanh nhân đại tài này là cả hai đều từng là sinh viên bỏ học đại học.
Trong số các doanh nghiệp có khởi đầu khiêm tốn, Dell cho biết việc chấp nhận rủi ro là một trong những bận tâm lớn nhất của ông.
Tạo khác biệt và tin vào trực giác của mình
Michael Dell, người sáng lập, Chủ tịch và CEO của Dell Technologies, đã nói với Fortune trong một cuộc phỏng vấn năm 2017: "Nếu bạn thực sự muốn làm cho công ty trở nên lớn mạnh, tốt nhất bạn nên nghĩ ra thứ gì đó độc đáo và hãy tạo ra sự khác biệt mà không ai khác có được".
Lời khuyên khác của ông dành cho các doanh nhân là hãy coi trọng phản hồi. Dell cho biết ông trao quyền cho mọi người tin vào trực giác của mình về việc liệu một sản phẩm hoặc ý tưởng kinh doanh mới liệu có thành công về lâu dài hay không.
Dell nói với Fortune: "Nếu bạn đến và hỏi mọi người xem đó có phải là một ý tưởng hay không, hầu hết họ sẽ nói với bạn rằng: Không. Vậy thì đừng đi hỏi nữa!".
Theo Entrepreneur, để làm hài lòng cha mẹ, Dell theo học dự bị y khoa tại Đại học Texas vào năm 1983.
Nhưng Dell từ lâu đã bị mê hoặc bởi máy tính và công nghệ, ông đã tháo rời một mẫu Apple II ở tuổi 15 để xem nó hoạt động như thế nào, theo cuốn sách tiểu sử của ông xuất bản năm 1999 (Direct from Dell: Strategies that Revolutionized an Industry/Bí mật của Dell: Chiến lược làm nên cách mạng trong công nghiệp máy tính).
Vào năm 19 tuổi, Dell bắt đầu bán bộ nâng cấp máy tính cá nhân cho các sinh viên khác trong ký túc xá của mình, một động thái bắt đầu đế chế công nghệ của ông.
Ra đời từ rủi ro
Khi mới bước vào đại học, Dell chỉ có 1.000 USD để đầu tư vào công việc kinh doanh và đội ngũ sản xuất của ông gồm có "ba người cầm tua vít ngồi ở những chiếc bàn dài 6 foot (1,8 mét)", ông nhớ lại trong cuốn sách.
Dell nói với Fortune: "Bạn phải chấp nhận rủi ro và chấp nhận thất bại".
Ngay cả trước khi thành lập Dell Technologies, Dell đã có tinh thần kinh doanh từ lâu.
Khi theo học tại trường Trung học Memorial ở Houston, anh đã làm công việc bán báo cho tờ Houston Post (sau này được Houston Chronicle mua lại) và đã thành công rực rỡ khi nhắm mục tiêu vào các nhóm dân cư cụ thể thay vì chỉ bán hàng qua điện thoại theo cách ngẫu nhiên cổ điển.
Theo chương trình podcast 'Fortune Leadership Next' năm 2021, anh ấy đã kiếm được 18.000 USD trong một năm từ công việc kinh doanh đó, thậm chí còn nhiều hơn số tiền mà một số giáo viên trung học của anh ấy kiếm được.
Dell đã phát hiện ra rằng các cặp vợ chồng mới cưới có nhiều khả năng mua báo dài hạn hơn, do đó, bằng cách sử dụng yêu cầu FOIA, ông đã tìm thấy giấy phép kết hôn, và sau đó là địa chỉ của những người mà ông nghĩ sẽ có nhiều khả năng mua báo dài hạn từ mình nhất.
"Trúng rồi!" Dell thốt lên và sử dụng những địa chỉ đó để bắt đầu các chiến dịch gửi thư trực tiếp và thậm chí còn thuê một vài người bạn để giúp đỡ anh trong công việc kinh doanh của mình.
Khi phát triển từ một công ty hoạt động trong phòng ký túc xá thành một đế chế công nghệ toàn diện, Dell vẫn kiên định việc chấp nhận rủi ro.
Công ty tỷ đô
Ở tuổi 27, ông đã trở thành CEO trẻ nhất trong Fortune 500 vào năm 1992 và đến năm 2001, Dell Technologies đã trở thành nhà sản xuất máy tính cá nhân lớn nhất thế giới.
Thành công của công ty trong những năm 1990 nhờ rất nhiều vào những gì Dell đã học được từ việc bán báo, với chiến lược tiếp thị trực tiếp mang tính sáng tạo.
Những con số quay cuồng theo dõi quỹ đạo của Dell với tư cách là công ty đại chúng, công ty tư nhân, rồi trở lại là công ty đại chúng.
Được định giá hơn 120 tỷ USD vào năm 1997, khi Apple đang lúng túng ở mức 2,3 tỷ USD, sự tận tâm của Dell đối với hoạt động kinh doanh PC cốt lõi đã khiến công ty này suy sụp sau vụ sụp đổ dotcom.
Đến năm 2007, đã đến lúc phải thay đổi trong bối cảnh doanh số bán hàng chậm hơn và cạnh tranh lớn hơn.
"Mô hình bán hàng trực tiếp là một cuộc cách mạng, nhưng nó không phải là một tôn giáo", Dell viết trong một bản ghi nhớ tháng 4 năm 2007 cho 80.000 nhân viên của mình.
Ngay cả Dell cũng thừa nhận trong lịch sử công ty của mình rằng "nhiều người tin rằng đó là một công ty đang hấp hối và sẽ lụi tàn như Kodak hay Motorola".
Điều đó dẫn đến những thay đổi về lãnh đạo và các chiến lược công ty mới, với sở trường về các giải pháp sáng tạo của Dell, hết lần này đến lần khác.
Người sáng lập công ty cuối cùng đã tư nhân hóa Dell vào năm 2013 với giá 24,4 tỷ USD trong thương vụ mua lại có đòn bẩy lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Với sự giúp đỡ từ nhà tài trợ vốn cổ phần tư nhân Silver Lake, Dell đã mua lại công nghệ có giá trị cao nhất từ trước đến nay, EMC Corporation với giá 67 tỷ USD vào năm 2015.
Công ty niêm yết trở lại vào năm sau đó với mức vốn hóa thị trường là 16 tỷ USD, con số này đã tăng lên 62 tỷ USD tính đến ngày 22 tháng 2 năm 2024.
Còn bản thân Michael Dell thì sao? Giá trị tài sản ròng của ông được Bloomberg Billionaires Index ước tính khoảng 87,7 tỷ USD.
Dell nói với Fortune rằng chấp nhận rủi ro là lợi thế lớn nhất của ông trong kinh doanh, trong khi đó cũng là nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của các tập đoàn lớn khác.
Dell nói với Fortune: "Các công ty lớn nói chung không giỏi chấp nhận rủi ro. Nếu bạn nói về rủi ro, họ sẽ nói về việc giảm thiểu rủi ro, quản lý rủi ro, và tất cả mọi người đều nói rằng rủi ro là xấu. Nhưng nếu bạn không có rủi ro, bạn sẽ không có sự đổi mới".
Trên thực tế, Dell nói rằng công ty của ông thực sự thực hiện "tất cả mọi việc trong nội bộ để thúc đẩy đổi mới rủi ro, bao gồm cả việc đầu tư hàng tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển.
"Chúng tôi có hàng trăm dự án và không phải tất cả chúng đều thành công. Nhưng điều đó là bình thường, có sao đâu!", Dell nói.