Triệu phú tiết kiệm 70% thu nhập để nghỉ hưu ở tuổi 35 chia sẻ 6 nguyên tắc làm giàu cơ bản

Bài viết chia sẻ kinh nghiệm của Steve Adcock, một chuyên gia tài chính và cựu kỹ sư phát triển phần mềm.
Trong năm 2016, sau khi tích góp được gần 1 triệu USD tiền tiết kiệm, tôi quyết định từ bỏ công việc có mức lương lên đến hàng trăm nghìn USD mỗi năm trong lĩnh vực phát triển phần mềm và nghỉ hưu khi vừa mới bước sang tuổi 35. Một vài tháng sau đó, vợ của tôi - Courtney - cũng quyết định làm điều tương tự.
Không phải bất cứ ai cũng có thể nghỉ hưu ở độ tuổi ngoài 30, nhưng việc có thể tự chủ tài chính thì hoàn toàn nằm trong tầm tay của mỗi người. Dù không dễ dàng, bạn không cần phải là người quá tài giỏi để có thể thực hiện được điều đó. (Trên thực tế, tôi đã khá chật vật trong những năm tháng học phổ thông do khả năng tiếp thu của tôi không được tốt. Để đạt được điểm cao, tôi luôn phải học hành chăm chỉ hơn các bạn của mình).
Không ai muốn “trắng tay” trong phần còn lại của cuộc đời, do đó, kể cả mục tiêu của bạn có là nghỉ hưu sớm hay không đi chăng nữa, chúng ta vẫn nên tuân thủ theo 6 nguyên tắc làm giàu cơ bản sau đây:
Biến tự do tài chính trở thành mục tiêu số một của bạn
Nguyên tắc đầu tiên cũng là nguyên tắc quan trọng nhất, cho dù nó nghe có vẻ không liên quan đến chủ đề tiền bạc lắm. Đó là việc khát khao đạt được một mục tiêu phải đủ lớn để bạn đặt nó làm ưu tiên hàng đầu của mình.
Trở lại với câu chuyện của bản thân thôi, tôi có một công việc tốt, và bản thân tôi cũng khá giỏi chuyên môn. Nhưng tôi cảm thấy sợ hãi khi phải đi làm mỗi ngày. Tôi không thích cái cảm giác bị kiểm soát bởi cấp trên, phải trải qua những kỳ đánh giá năng lực làm việc. Các cuộc họp, những tranh cãi trong văn phòng, và quãng đường xa từ nhà tới công ty khiến tôi cảm thấy kiệt sức. Tôi muốn rời bỏ công việc hiện tại và đi du lịch khắp thế giới. Do đó, khi gần bước sang tuổi 30, tôi đã quyết định việc nghỉ hưu sớm sẽ trở thành mục tiêu chính của mình.
Tôi tập trung tạo ra những thay đổi lớn trong cách bản thân sử dụng tiền. Thay vì để tiền của tôi nằm một chỗ, tôi đầu tư để chúng có thể sinh lời. Tôi bắt đầu tiết kiệm đến 70% thu nhập của mình. Thời gian đầu quả thực rất khó khăn nhưng mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn khi tôi liên tục tự nhủ với bản thân rằng mọi thứ mà tôi sắp mua sẽ là những thứ tôi không dùng hoặc không cần đến.
Không một thay đổi nào khiến tôi cảm thấy là mình đang hy sinh một thứ gì đó, vì tôi biết chúng sẽ giúp tôi đạt được mục tiêu của mình. Nó cũng giống như: Bạn chỉ có thể giảm hoặc tăng cân nếu như bạn thay đổi thói quen ăn uống và tập luyện. Và bạn phải thực sự quyết tâm để duy trì những thói quen mới đó.
Trieu phu tiet kiem 70% thu nhap de nghi huu o tuoi 35 chia se 6 nguyen tac lam giau co ban
 Steve Adcock và vợ. Ảnh: CNBC.
Chủ động tăng thu nhập
Cho dù mỗi năm tôi kiếm được hàng trăm nghìn USD, tôi vẫn luôn nghĩ về việc bằng cách nào mình có thể tận dụng các kỹ năng sẵn có để chủ động nâng cao mức thu nhập của bản thân ngoài thời gian làm việc tại công ty.
Tôi xây dựng nên một trang web chuyên về lĩnh vực tài chính và đăng tải các bài viết của mình lên đó thường xuyên. Kết quả là, mỗi tháng, tôi kiếm được trung bình 1.000 USD từ trang web đó. Courtney và tôi cũng cùng nhau xây dựng một kênh Youtube ghi lại những khoảnh khắc trong các chuyến du lịch của chúng tôi, qua đó, chúng tôi cũng kiếm thêm được khoảng từ 400 đến 500 USD/tháng. Và với khoảng thời gian rảnh rỗi còn lại, tôi kiếm thêm vài trăm USD thông qua công việc viết bài tự do.
Nhưng tôi vẫn làm việc chăm chỉ tại công ty, vì nó mang lại cho tôi nguồn thu nhập chính. Tôi muốn cho cấp trên của mình thấy được rằng tôi xứng đáng với những khoản tăng lương 10% hoặc 15% (điều mà tôi đã đề xuất 2 lần và đều thành công). Tôi cũng đã tích đủ sự can đảm để có thể đề nghị mình được thăng chức. Bốn tháng sau, tôi đã được cất nhắc lên vị trí quản lý.
Courtney cũng đã có được một vài lần tăng lương. Với việc cả hai chúng tôi đều tiết kiệm đến 70% thu nhập, vào khoảng từ 200.000 đến 230.000 USD mỗi năm, chúng tôi lại tiến gần hơn một bước đến với mục tiêu nghỉ hưu sớm của mình.
Đầu tư vào những tài sản sinh lời
Tiết kiệm tiền, tăng lương thưởng cũng như làm những công việc làm thêm lúc rảnh rỗi sẽ không thể giúp bạn nghỉ hưu sớm được. Courtney và tôi đã gây dựng nên khối tài sản của mình thông qua việc đầu tư vào thị trường chứng khoán, bất động sản, các doanh nghiệp và thậm chí là đồ cổ.
Ý tưởng sau những khoản đầu tư này rất đơn giản. Bạn có thể mua một loại tài sản ở một thời điểm với một mức giá nhất định. Qua thời gian, giá trị của tài sản đó sẽ tăng lên. Và cuối cùng, bạn sẽ thu về một khoản tiền lớn hơn rất nhiều so với số tiền bạn đã bỏ ra để mua chúng.
Nhưng điều đặc biệt ở chỗ: thông qua “sức mạnh” của lãi kép, tài sản của chúng tôi sẽ không chỉ tăng theo tuyến tính. Thay vào đó, giá trị tài sản sẽ tăng lũy tiến.
Nếu như bạn đầu tư 1000 USD và khoản đầu tư đó sinh lời 10% (100 USD) mỗi năm, sau đó số tiền gốc của bạn cho năm tiếp theo sẽ là 1.100 USD. Sau một năm nữa, bạn tiếp tục thu về 110 USD, chứ không chỉ còn là 100 USD như năm trước đó. Nếu khoản đầu tư đó có giá trị cao hơn gấp 10, 100 lần, thì số tiền lãi sẽ là rất lớn, đủ để bạn có thể nghỉ hưu sớm.
Chỉ sau một vài năm, nhờ các khoản đầu tư vào các loại hình tài sản sinh lời, chúng tôi đã nâng khoản tiết kiệm của mình lên trên 1 triệu USD. Khi nói về đầu tư, dù muộn còn hơn là không bao giờ. Nếu như bạn chưa bắt đầu, có rất nhiều những tư liệu trực tuyến hoặc bạn có thể gặp gỡ một chuyên gia tư vấn đáng tin cậy để lấy lời khuyên.
Tự động hóa! Tự động hóa! Tự động hóa!
Tôi luôn muốn không phải “động chân, động tay” bất cứ khi nào có thể, đặc biệt là khi nhắc đến vấn đề tiền bạc.
Nhiều nhà tuyển dụng đã xây dựng những kế hoạch nghỉ hưu cho nhân viên của mình, và phần lớn các công ty sẽ tự động chuyển các khoản tiền thẳng từ tài khoản lương của bạn sang các tài khoản đầu tư. Một khi mọi thủ tục hoàn tất, bạn sẽ không bao giờ phải lo lắng về vấn đề đó nữa. Courtney và tôi đã tận dụng điều này nhiều nhất có thể khi chúng tôi còn làm việc. Chúng tôi tự động chuyển tiền vào quỹ 401(k) và các tài khoản IRA; tự động chuyển tiền sang tài khoản tiết kiệm; tự động trả các hóa đơn thẻ tín dụng.
Việc tự động hóa sẽ giúp cuộc sống của bạn trở nên dễ dàng hơn, vì bạn sẽ không phải nhớ thời điểm thanh toán hóa đơn, tránh các khoản phí phạt nộp chậm hoặc giảm điểm tín dụng.
Kiểm soát được đồng tiền
Một trong những cách hiệu quả nhất để tránh các khoản nợ đó là việc bạn phải biết tiền của bạn ở đâu. Từng đồng tiền đều có tầm quan trọng của nó. Đó là nguyên tắc cơ bản, nhưng nhiều người lại thiếu đi thói quen ngồi lại mỗi tháng và đánh giá lại các khoản chi tiêu và đầu tư của mình.
Một vài hành động đơn giản có thể tạo ra những khác biệt to lớn trong tình hình tài chính cá nhân của bạn: Hãy kiểm tra hóa đơn thay vì ném chúng vào thùng rác. Hãy đảm bảo rằng bạn hiểu từng mục trên tờ hóa đơn đó.
Các khoản chi tiêu cho mục đích giải trí nên được bố trí sau khi bạn đã thanh toán các khoản hóa đơn và chuyển tiền vào các tài khoản hưu trí.
Đừng bỏ qua những khoản chi tiêu nhỏ. Chúng có thể cho bạn biết thêm về những thói quen tiêu dùng tiêu cực. Những cốc cà phê mỗi sáng, những bữa ăn trưa bên ngoài và một gói bò khô, cũng có thể khiến cho kế hoạch của các bạn kéo dài hơn.
Các khoản đăng ký dịch vụ trả hàng tháng cũng nên được kiểm soát. Hãy đảm bảo rằng bạn kiểm soát được chúng cho dù bạn có sử dụng các dịch vụ đó hay không.
Tách bạch khỏi những điều không cần thiết
Tôi từng là một kẻ hoang phí. Tôi từng sở hữu một chiếc Corvette Convertible và một chiếc Cadillac CTS. Tôi lái chiếc xe thể thao Yamaha R1 của mình quanh thành phố, trả khoản tiền bảo hiểm lên tới 150 USD/ tháng. Nhưng tôi đã bán tất cả chúng đi sau khi tôi đặt ra mục tiêu nghỉ hưu sớm.
Courtney và tôi hiện đang sống một cuộc sống khá tiết kiệm, và chúng tôi hoàn toàn hài lòng với nó. Chúng tôi không lắp truyền hình cáp, thay vào đó là đăng ký một tài khoản truyền hình trực tuyến với mức giá chỉ bằng một nửa. Chúng tôi chỉ sử dụng 50 USD mỗi tháng cho những bữa ăn bên ngoài. Chúng tôi mua quần áo mới ít hơn hai lần mỗi năm. Chúng tôi chỉ mua điện thoại mới khi chiếc điện thoại cũ của chúng tôi không còn sử dụng được nữa.
Bạn không cần phải quá chi li với tất cả mọi thứ. Nguyên tắc này sẽ giúp bạn đánh giá lại những ưu tiên tiêu dùng trong cuộc sống hàng ngày. Tôi ủng hộ việc bạn có thể hào phóng với những thứ mang lại cho bạn niềm vui lâu dài, trái ngược, cắt giảm chi phí cho những thứ không mang lại cho bạn điều đó. Chìa khóa cho vấn đề ở đây ra bạn phải hiểu được điều gì làm bạn vui, còn điều gì thì không.
Theo Trọng Đại/NĐH

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN