Ngày 17/3 vừa qua, ông Phạm Văn Tam (shark Tam) - Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Asanzo cùng Công ty CP T&T 159 đã tổ chức lễ ra mắt trang trại sinh thái và thương hiệu phân bón hữu cơ Ba Con Bò.
Trước đó, chia sẻ với truyền thông, ông chủ Asanzo cho biết, dù mới lấn sân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhưng ông cùng một nhóm đầu tư đã "rót" 2.000 tỷ đồng vào hệ thống 5 trang trại bò trải dài từ Hoà Bình đến Nghệ An với quy mô 25.000 con.
Shark Tam cho hay, các trang trại đã hoàn tất quy trình nuôi bò lấy thịt và phân phối cấp 1, đang cung cấp ra thị trường 50 tấn thịt mỗi ngày. Với khối lượng phân mỗi ngày hơn 400 tấn, doanh nghiệp chuẩn bị ra mắt phân bón hữu cơ dạng tơi và dạng viên nén ngay trong tháng 3 với thương hiệu Ba Con Bò. Bắt đầu hoàn toàn từ con số không, ông Tam kỳ vọng Ba Con Bò sẽ đạt mức tăng trưởng ít nhất 500% trong năm nay.
|
Ông chủ Asanzo cho biết, ông cùng một nhóm đầu tư đã "rót" 2.000 tỷ đồng vào hệ thống 5 trang trại bò. Ảnh: Nguyên Huân/Báo Nông nghiệp |
T&T 159 nói shark Tam chưa hề "rót" vốn?
Theo một nguồn tin thân cận với Nhadautu.vn, hệ thống trang trại bò trải dài từ Hoà Bình đến Nghệ An gồm 2 trang trại ở Hòa Bình là Công ty CP giống và thức ăn T&T 159 Hòa Bình và Công ty CP Chăn nuôi T&T 159 Lạc Sơn vừa mới hoàn thành. Vốn của các cá nhân ở Hòa Bình tham gia.
Một trang trại bò tại Nghệ An là Công ty CP Vật tư nông nghiệp Thái Hòa, cũng đứng tên cổ đông cá nhân, không có công ty T&T 159.
Tuy nhiên, các trang trại trên đều chưa có khoản tiền góp vốn nào như shark Tam nói với truyền thông trước đó. HĐQT T&T 159 cũng cho biết đang phản đối kịch liệt việc shark Tam dám nhận khoản đầu tư 2.000 tỷ đồng này.
"Thông tin ông Tam cùng nhóm nhà đầu tư rót tiền vào hệ thống trang trại bò trải dài từ Hoà Bình đến Nghệ An, tổng vốn 2.000 tỷ đồng là không chính xác. Bên đó chỉ là phân phối độc quyền phân bón Ba Con Bò vào thị trường miền Nam do chúng tôi sản xuất thôi", ông Đỗ Thế Thắng - Tổng giám đốc T&T 159 khẳng định.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn Nhadautu.vn chiều 19/3, ông Phạm Văn Tam cho hay, khoản tiền 2.000 tỷ đồng do ông và nhóm đầu tư đã "rót" vào hệ thống trang trại bò từ khá lâu.
Ông Tam cho biết, hiện nay doanh nghiệp dự định mở rộng trang trại về phía Nam, do đó mới công bố khoản đầu tư này.
Tuy nhiên, sau đó ông Phạm Văn Tam lại nói rằng, khoản đầu tư là bí mật và chưa dám nói về vấn đề này nhiều.
"Về việc này tôi phải kiểm tra lại, hỏi lại nhóm đầu tư thông tin kỹ hơn và trả lời sau được không?", shark Tam nói.
Ông chủ Asanzo từng vướng lùm xùm gian lận
Trước khi lấn sân mảng nông nghiệp, CEO Phạm Văn Tam mới đây vừa đứng ra thành lập một tập đoàn đầu tư tài chính với tên gọi Winsan.
Theo đăng ký, ngành nghề kinh doanh chính của Winsan là tư vấn đầu tư, hỗ trợ dịch vụ tài chính. Ngoài ra, còn các ngành khác như: môi giới hàng hoá, kinh doanh bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất,...
Vốn điều lệ của Winsan lên tới 300 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông góp vốn, trong đó ông Phạm Văn Tam là người đóng góp chính với số tiền góp 285 tỷ đồng, chiếm tới 95% vốn sở hữu.
Hai cổ đông còn lại là bà Nguyễn Thị Hiền góp 13,5 tỷ đồng, sở hữu 4,5% cổ phần và ông Phùng Đông Hưng góp 1,5 tỷ đồng, chiếm 0,5% vốn điều lệ.
Trước đó, Amanzo của shark Tam từng bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) vào cuộc điều tra làm rõ có hay không các sai phạm của việc: “sản xuất, buôn bán hàng giả”, “lừa dối khách hàng” trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa, linh kiện có xuất xứ Trung Quốc, nhưng về thay nhãn hàng hóa hoặc lắp ráp đơn giản, rồi dán nhãn “Asanzo” có xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam hoặc xuất khẩu sang nước thứ 3 và có hay không dấu hiệu “buôn lậu”, “trốn thuế”.
Đến tháng 8/2020, trong thông báo của C03 gửi Tổng cục Hải quan, cơ quan này cho rằng chưa có căn cứ xác định việc hưởng lợi của Asanzo trong việc bán hàng hóa xuất xứ “Trung Quốc” đội lốt hàng hóa có xuất xứ “Việt Nam” tại thị trường Việt Nam. Do đó, chưa có căn cứ xác định Công ty Asanzo có hành vi lừa dối khách hàng trong việc bán các sản phẩm hàng hóa mang nhãn hiệu Asanzo.
Kết luận của C03 cũng cho rằng, việc Công ty sản xuất và thương mại Phương Nguyên Asanzo và Công ty TNHH Đầu tư thương mại Việt Tài có hành vi nhập khẩu 14 cotainer hàng hóa mang nhãn hiệu Asanzo và các công ty Asanzo có hành vi nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp và kinh doanh các sản phẩm hàng hóa nhãn hiệu Asanzo tuy có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhưng chưa đủ yếu tố cấu thành hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại khỏan 3, Điều 5 Nghị định 105/2006/NĐ-CP, nên không cấu thành tội phạm "Xâm phạm theo quyền sở hữu công nghiệp".
C03 đề nghị Tổng cục Hải quan tiếp tục thực hiện việc kiểm tra sau thông quan đối với Công ty Asanzo và các công ty liên quan nhập khẩu các lô hàng hóa mang nhãn hiệu Asanzo và linh phụ kiện hàng hóa để sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu Asanzo.
Nếu có dấu hiệu tội phạm “buôn lậu” hoặc “trốn thuế”, chuyển hồ sơ, tài liệu cho Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM (PC03) để điều tra theo thẩm quyền. Cũng theo C03, đối với hành vi có dấu hiệu buôn lậu và trốn thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng của Asanzo, C03 đã chuyển hồ sơ cho PC03 để điều tra làm rõ, xử lý theo quy định.
Ngoài ra, theo thông báo này, liên quan đến công văn Tổng cục Hải quan gửi Bộ Công an về việc đề nghị chuyển toàn bộ hồ sơ, tang vật liên quan đến việc kiểm tra, tạm giữ 18 container hàng hóa mang nhãn hiệu Asanzo tại Cảng Hải Phòng và Cảng Cát Lái theo thủ tục hành chính, sang cho C03 để tiếp tục điều tra theo thủ tục tố tụng hình sự hoặc có ý kiến để Tổng cục Hải quan xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp đối với 18 container, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị Tổng cục Hải quan quyết định và xử lý theo quy định.