Hơn chục năm trước, tỉnh Nghệ An khởi xướng đấu giá biển số xe (BSX) thu nhiều tỉ đồng đem giúp người nghèo, nhưng sau đó bất ngờ bị tuýt còi vì không đúng luật. Sau đó, việc đấu giá BSX đẹp nhiều lần được đưa ra bàn, thậm chí vào nghị trường Quốc hội, nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai.
Vướng ở đâu ?
Trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, năm 2017 Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp xem xét, xây dựng đề án đấu giá BSX.
Đến nay đề án đã được hoàn thiện, được lấy ý kiến các cơ quan chức năng với đa số đồng thuận, nhưng lộ trình triển khai thực hiện lại gặp không ít vướng mắc. Trong đó, vướng mắc cơ bản nhất là vênh nhau với một số quy định pháp luật hiện hành về quản lý BSX sau đấu giá.
“Theo luật Đấu giá tài sản, BSX được coi là tài sản thì người có tài sản có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt, nhưng luật Giao thông đường bộ (năm 2008) lại quy định cấm mua bán biển số (BS) và có thể bị cơ quan chức năng thu hồi”, vị này nói và cho biết trước yêu cầu của thực tiễn, Bộ Công an đã trình Thủ tướng đề xuất cho phép đấu giá BSX nhưng hạn chế một số quyền, song Thủ tướng chưa đồng ý và chỉ đạo nếu đấu giá thì phải coi là tài sản và thực hiện đủ các quyền, tức phải thực hiện đầy đủ theo quy định pháp luật. “Chủ trương của Bộ Công an cũng như Cục CSGT đều mong muốn sớm triển khai đấu giá BSX nhằm công khai minh bạch, để người dân được quyền lựa chọn, đồng thời thu được ngân sách”, vị này nói.
Có thể thu về 12.000 tỉ đồng ?
Trong phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội ngày 25/5/2018, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (ảnh, Bình Định) có đề cập việc đấu giá BSX đẹp và cho rằng nếu triển khai đấu giá BSX thì hằng năm ngân sách thu về hơn 12.000 tỉ đồng. Theo ông Cảnh, trong kho số có hơn 12% BSX có thể được xếp vào diện biển đẹp để đem đấu giá. “Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 đã bổ sung kho số phục vụ quản lý nhà nước, trong đó có BSX ô tô, vào danh mục các loại tài sản công. Nếu luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) quy định về việc cấp BSX thông qua đấu giá và sở hữu BS đăng ký xe, được Quốc hội đồng ý khi thông qua thì việc triển khai đề án đấu giá BSX sẽ sớm được thực hiện”, ông Cảnh nói.
Trung tá Phạm Việt Công, Trưởng phòng Hướng dẫn, đăng ký và kiểm định phương tiện Cục CSGT, cũng cho biết trong trường hợp các quy định pháp luật khác chưa được sửa đổi, bổ sung thì sẽ xảy ra nhiều xung đột: “Nếu coi BSX là tài sản thì mới đưa ra để đấu giá được. Nhưng khi trúng đấu giá mà người dân không được toàn quyền sử dụng, không được chuyển nhượng, thậm chí họ có thể bị thu hồi, sẽ dẫn đến những nguy cơ khiếu nại phức tạp. Do đó, chúng tôi cũng thấy rằng cần phải giải quyết những vướng mắc này bằng những quy định pháp luật, tức đấu giá BS sẽ được luật hóa”, trung tá Công cho biết.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, cho rằng muốn thực hiện đấu giá BSX thì luật Giao thông đường bộ và luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ được đưa ra sửa đổi tại kỳ họp 10 cuối năm nay phải quy định BSX là tài sản của các đơn vị, cá nhân. “Hiện cả nước có hàng triệu xe máy, hàng triệu ô tô, sắp tới còn nhiều triệu nữa. Nếu như đấu giá, khai thác kho BSX sẽ thu về cho ngân sách rất lớn”, ông Sinh nói.
Phân loại nhiều kho số để lựa chọn
Theo trung tá Phạm Việt Công, trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công an đang gấp rút hoàn thiện dự thảo luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, trong đó có quy định cấp BSX cơ giới. “Dự thảo sẽ bổ sung quy định về quản lý BSX: Về nguyên tắc chung, BSX không được phép mua bán, trừ những BS trúng đấu giá, mặt khác cũng không thu hồi đối với những BS trúng đấu giá, trừ trường hợp vi phạm về đấu giá nhưng vấn đề này quy định về đấu giá BS sẽ đề cập...”, trung tá Công nói.
Chi tiết hơn, một cán bộ Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội cho biết dự thảo luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đề xuất 3 hình thức cấp BSX ô tô, gồm: thông qua đấu giá trực tuyến; theo sở thích có thu phí; trên hệ thống đăng ký, quản lý xe như đang thực hiện.
Trong đó, hình thức đấu giá sẽ triển khai theo hướng thành lập hội đồng đấu giá, rồi thiết lập, vận hành trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để đấu giá trực tuyến BSX. Người trúng đấu giá có quyền sở hữu BSX đó, không phải nộp lệ phí đăng ký cấp BS. Việc đấu giá BS được áp dụng cho các ô tô con, ô tô khách và ô tô tải đăng ký tư nhân (tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân), không cấp cho các ô tô được mua sắm từ ngân sách, xe của cơ quan ngoại giao… Sẽ có ba kho số để người dân lựa chọn bao gồm: kho số đẹp, kho số theo tùy chọn và kho số ngẫu nhiên. Đối với kho số đẹp, kho số tùy chọn, người dân bắt buộc phải đấu giá để sở hữu.
Dự thảo luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ cũng phân loại 5 nhóm BS. Trong đó, 4 nhóm đầu gồm: biển có 5 số, 4 số, 3 số cuối giống nhau, biển có số sau lớn hơn số trước; nhóm còn lại là các số bất kỳ do người dân có nhu cầu tự chọn, khác với 4 nhóm vừa nêu.
Về lộ trình đấu giá BSX, một lãnh đạo Cục CSGT cho biết: “Bộ Công an sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đối với người dân về đề án cũng như dự thảo luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Khi dự thảo luật này được Quốc hội thông qua thì đề án này cũng sẽ được triển khai thực hiện luôn”.
Rất nhiều người muốn sở hữu biển số đẹp
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Quang (ảnh), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, việc đấu giá hoàn toàn có thể thực hiện được vì luật Quản lý, sử dụng tài sản công được Quốc hội thông qua vào năm 2017, có hiệu lực từ 1/1/2018 đã quy định kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước, trong đó có BSX, là tài sản công; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết việc khai thác từng loại kho số phục vụ quản lý nhà nước đảm bảo các nguyên tắc về quản lý, sử dụng tài sản công. “Quan điểm của tôi là ủng hộ việc đấu giá BSX, nhất là BS đẹp rất nhiều người muốn sở hữu. Nếu đấu giá sẽ thu lại phần ngân sách rất lớn cho nhà nước”, ông Quang nói.