Tài sản của top 10 tỷ phú Việt Nam bốc hơi 3,7 tỷ USD trong 6 tháng

Đáng kể 2 vị đại gia trong ngành bất động sản đã mất đến hơn 40% giá trị tài sản chỉ trong 6 tháng đầu năm. 
Ghi nhận trong top 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán tính đến 23/6, tổng tài sản của top 10 hơn 441.063 tỷ đồng, giảm 16% so với con số 527.283 tỷ đồng cuối năm 2021, tương đương giảm hơn 86.000 tỷ đồng (khoảng 3,7 tỷ USD).
Trong danh sách này, có xuất hiện 2 vị tỷ phú là bà Vũ Thị Hiền và ông Bùi Xuân Năng thay thế cho ông Nguyễn Đức Thuỵ và bà Phạm Thu Hương.
Ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) không có tên trong danh sách top tỷ phú do ông vừa bán ra toàn bộ 87,4 triệu cổ phiếu THD tại CTCP Thaiholdings với giá trị khoảng 3.144 tỷ đồng.
Hành động thoái vốn gây chú ý khi giá cổ phiếu THD lao dốc, mất hơn 80% giá trị kể từ đầu năm về mốc 54.000 đồng.
Sau giao dịch, ông Thụy không còn mối liên hệ nào với Thaiholdings, nơi ông từng là cổ đông sáng lập. Chức vụ duy nhất mà ông đảm nhiệm hiện nay là Phó Chủ tịch HĐQT tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).
Hiện ông Thụy sở hữu 41,57 triệu cổ phiếu của Ngân hàng LienVietPostBank, giá trị khoảng hơn 500 tỷ đồng.
Tai san cua top 10 ty phu Viet Nam boc hoi 3,7 ty USD trong 6 thang
 Hầu hết tài sản của tỷ phú Việt sụt giảm theo thị trường trong 6 tháng đầu năm.
Quay trở lại với danh sách top 10 tại thời điểm 23/6, hầu hết các tỷ phú đều có tài sản sụt giảm mạnh do biến động chung của thị trường, riêng ông Đỗ Anh Tuấn và bà Nguyễn Thị Phương Thảo ghi nhận tài sản tăng. 
Riêng tài sản của ông Đỗ Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển Sunshine Homes tăng hơn 4.700 tỷ đồng. Nữ tướng hãng bay VietJet cũng ghi nhận khối tài sản tăng 1.958 tỷ đồng so đầu năm.
Ở vị trí đầu bảng xếp hạng nhưng khối tài sản của Chủ tịch Vingroup – Phạm Nhật Vượng bốc hơi đến 37.512 tỷ đồng, tương đương mất 18% giá trị do sự rớt mạnh của cổ phiếu mà ông Vượng nắm giữ. Kéo theo đó thì tài sản của vợ ông Vượng – bà Phạm Thu Hương rớt khỏi danh sách top 10.
Mức giảm tiếp theo được ghi nhận với tỷ phú thép Trần Đình Long. Tài sản của ông Long giảm hơn 3.000 tỷ đồng, tương đương 5% so hồi đầu năm.
Giữ vai trò Chủ tịch HĐQT và là một trong những cổ đông lớn nhất của "vua thép" Hòa Phát, biến động tài sản của ông Long gắn liền với cổ phiếu HPG. Cùng với nhịp giảm của thị trường, HPG là một trong những cổ phiếu bluechip chịu ảnh hưởng mạnh nhất.
Mã HPG lập đỉnh vào đầu tháng 3 ở mức trên 51.000 đồng/cp và sau đó liên tục giảm. Đến phiên gần nhất, thị giá HPG còn gần 21.500 đồng, giảm 58% so với mức đỉnh.
Khối tài sản của vị đại gia Hồ Tùng Anh - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng giảm hơn 6.000 tỷ đồng do đà giảm không phanh của cổ phiếu TCB. Không kém cạnh, ông chủ Masan – Nguyễn Đăng Quang cũng mất gần 5.947 tỷ đồng từ hồi đầu năm đến nay.
Đáng kể 2 vị đại gia trong ngành bất động sản đã mất đến hơn 40% giá trị tài sản chỉ trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Đạt mất đến 44% giá trị tài sản, giá trị tại thời điểm 23/6 đạt hơn 15.800 tỷ đồng trong khi đầu năm hơn 28.300 tỷ đồng. Tài sản của Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn cũng bay đến 40% về mức 22.360 tỷ đồng.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN