Tôi cũng thường hay nghe những câu như “Đêm nay sẽ thức để làm nốt bài tập này”, “Chạy deadline suốt đêm”, hoặc “Việc nhiều tới mức em không có thời gian ngủ luôn á”.
Thỉnh thoảng, tôi nhận được những email vào lúc 3 giờ sáng cho những công việc lẽ ra có thể gửi vào 5 giờ chiều hôm trước, hay những group bàn công việc vẫn nhảy tin nhắn vào lúc nửa đêm vì một vấn đề đã có thể hoàn thành trong ngày.
Có vẻ như giấc ngủ chính là thứ dễ “cắt xén” nhất. Ngủ ít đi vài tiếng thì có sao đâu? Ngủ bù lúc nào chẳng được? Nên kẻ tội nghiệp mang tên giấc ngủ phải nhường đường cho những điều dở dang khác: deadline chưa xong, email chưa gửi, hay thậm chí một chương trình truyền hình, một bộ phim chưa kịp xem.
Chúng ta đã nghe quá nhiều về các vấn đề sức khoẻ khi không ngủ đủ giấc, thế nhưng vì sao chúng ta luôn chọn cách cắt xén thời gian ngủ của chính mình để làm những việc khác?
|
Hình ảnh của Shark Liên trên trang cá nhân |
Vì sao không phải là rút ngắn thời gian xem bộ phim yêu thích, tận dụng tối đa thời gian để cố gắng hoàn thành một đầu việc nhanh hơn, hay thậm chí rút ngắn thời gian dạo phố để giải quyết công việc tồn đọng trong ngày dù đó là điều hoàn toàn có thể?
Tôi thì cho rằng, vấn đề nằm ở việc cắt xén thời gian ngủ có vẻ là điều dễ làm hơn. Giữa việc tập trung hoàn thành deadline của mình một cách nhanh nhất và đi ngủ, với việc xem nốt tập phim hay còn dang dở, rồi thức một đêm để chạy deadline, nhiều người chọn việc thứ 2.
Chúng ta vẫn thường hay nói rằng mình thiếu thốn thời gian, và phải hy sinh thời gian ngủ, nhưng trong hàng ngàn ánh đèn vẫn sáng lên trong thành phố mỗi đêm, có bao nhiêu người thật sự sử dụng thời gian một cách hợp lý?
Có câu, “điều phân biệt người thắng và kẻ thua nằm trong cách sử dụng thời gian. Ai có thể tận dụng được thời gian, đó là người chiến thắng”.
Bạn hoàn toàn có thể tối ưu thời gian ngủ của mình để làm được nhiều việc hơn, đó là cách sử dụng thời gian hợp lý, nhưng nếu bạn lấy thời gian ngủ của mình chỉ để giải quyết những công việc lẽ ra bạn có thể hoàn thành sớm hơn, thì đó chính là sự phí phạm.
Chúng ta hay nghe “ngủ ít để thành công”, nhưng tỉ phú Jeff Bezos vẫn ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày, còn cựu tổng thống Mỹ, tỉ phú Donald Trump chỉ ngủ 4 tiếng mỗi ngày.
Và họ vẫn thành công theo những cách riêng với phong cách làm việc và quản lý thời gian khác nhau. Không có thước đo nào giữa thời gian ngủ và sự thành công, mà chỉ có một thước đo duy nhất chính là cách tận dụng thời gian của mỗi người.
Riêng tôi, khoảng thời gian nào trong ngày cũng là khoảng thời gian quan trọng và không nên, cũng không thể cắt xén, thời gian làm việc, thời gian ăn uống, thời gian dành cho gia đình hay thời gian để nghỉ ngơi.
Khi làm việc, ta tập trung làm hết sức có thể, khi ăn uống, ta tập trung thưởng thức, khi ở cạnh người mình thương, ta hoàn toàn dành sự chú ý cho họ, và khi nghỉ ngơi, ta hoàn toàn được thảnh thơi.
Điều đó đòi hỏi sự tập trung và tinh thần kỷ luật của mỗi người để không chọn việc “dễ dàng” hơn, không để các ham muốn tức thời chen ngang làm cho thời gian trôi qua một cách vô nghĩa và ta tiếp tục vòng lặp “cắt xén” thời gian của những việc khác để bù vào.
Tấm áo thời gian vô cùng quý giá, đừng cắt xén cho những việc vô ích để rồi phải khoác lên người một tấm áo loang lỗ đầy những rủi ro.