“5 năm nữa bạn sẽ có trong tay những gì?” – Câu hỏi của tôi đã nhận được khá nhiều phản hồi từ mọi người. Có bạn đưa ra câu trả lời cụ thể về ước mơ khởi nghiệp để có lãi ròng sau 5 năm.
Có người hy vọng về những điều giản đơn mà hầu hết ai cũng từng nghĩ đến như “có điều kiện chăm lo cho gia đình”, “mong cuộc sống tốt hơn”. Nhưng cũng có một vài bạn thú nhận rằng họ “sợ đối mặt với những câu hỏi như thế này”, hoặc không có câu trả lời.
Tôi nhận ra đa phần câu trả lời xuất hiện rất nhiều từ “ước” hoặc “muốn”; hiếm người phản hồi về kế hoạch dù tôi đã đưa cụ thể thời gian 5 năm.
Điều này làm tôi nhớ đến một nghiên cứu của Đại học Scranton (Mỹ) về việc lên checklist trong năm mới.
Nghiên cứu cho biết có đến 92% người thất bại trong việc biến các dự định trên giấy thành hiện thực. Vậy vấn đề nằm ở đâu? Là do những điều chúng ta muốn quá xa vời hay không phù hợp?
Nói về điều này, nhà giáo dục học Jack Canfield đã khẳng định: “Một mục tiêu mơ hồ sẽ cho một kết quả mơ hồ mà thôi”. Nếu bạn chỉ “muốn”, “ước” mà không hề đặt mục tiêu để hoàn thành thì mọi điều mong muốn sẽ chỉ dừng lại trong đầu.
Vì thế, để hiện thực hóa một dự định, tôi thường áp dụng nguyên tắc đặt mục tiêu “thông minh” - SMART. Nguyên tắc này đã chứng minh tính hiệu quả từ khi ra đời năm 1981 bởi George T. Doran.
SMART bao gồm 5 yếu tố Specific (Cụ thể), Measurable (Đo lường được), Attainable (Tính khả thi), Relevant (Tính thực tế) và Time Bound (Có thời hạn).
S - Specific (Cụ thể): Khi xác định mục tiêu, cần đảm bảo nó thật cụ thể, rõ ràng.
Ví dụ, thay vì đặt một mục tiêu chung như “trở thành người thành công trong 5 năm tới”, bạn nên cụ thể hoá thành “khởi nghiệp một công ty trong lĩnh vực công nghệ tại TP.HCM”.
M - Measurable (Đo lường được): Hãy đưa ra những con số có thể cân, đo, đong, đếm.
Bạn cần ước lượng những con số khi khởi nghiệp như: Công ty có vốn điều lệ ban đầu là bao nhiêu? Doanh thu dự mỗi tháng? Thời gian hoàn vốn? Doanh thu sau một năm, 5 năm,…
A - Attainable (Tính khả thi): Bạn cần đối chiếu với năng lực của mình, tránh đặt mục tiêu quá sức.
Ví dụ với ý tưởng khởi nghiệp công nghệ, hãy thẳng thắn tự đánh giá kiến thức, kỹ năng của bạn trong lĩnh vực này. Bạn có đủ nguồn lực về nhân sự, tài chính, cơ sở hạ tầng hay không? Nếu không, kế hoạch của bạn để lấp đầy lỗ hổng là gì?
R – Relevant (Tính thực tế): Nếu tính khả thi giúp bạn đặt ra những câu hỏi về nguồn lực nội tại, thì tính thực tế là những yếu tố bên ngoài cần cân nhắc.
Ví như, tác động của dịch bệnh sẽ ảnh hưởng thế nào đến tiến trình khởi nghiệp? Bạn cần chuẩn bị những gì để "sống sót”?
T – Time Bound (Có thời hạn): Bạn cần đặt mốc thời gian cho mục tiêu. Điều này giúp phân chia công việc một cách hợp lý.
Ngoài cột mốc 5 năm, bạn cần đề ra các cột mốc hoàn thành những đầu mục nhỏ. Ví dụ thời điểm nào cần hoàn thành khâu dự thảo ý tưởng, hoàn tất tiến trình gọi vốn, kiện toàn bộ máy nhân sự…
Nếu đã từng bước đặt mục tiêu theo mô hình SMART nhưng vẫn không thực hiện được thì phải làm sao?
Các mục tiêu chúng ta đặt ra đều có thể thay đổi vì nhiều lý do khác nhau. Có thể năm 2019, bạn đặt mục tiêu là mở một nhà hàng. Nhưng đại dịch đã khiến kế hoạch thay đổi. Việc điều chỉnh mục tiêu cho phù hợp với thời cuộc không phải là một sự thất bại. Đó là động thái cần thiết để quản lý rủi ro.
Chúc các bạn an nỗi lo “lạc lối” với cách quản rủi ro đặt mục tiêu theo nguyên tắc SMART.