Shark Đỗ Liên: Nói lời không hay gây tổn thương sâu rộng

Trong một bài chia sẻ mới đây, Shark Đỗ Liên cho rằng những người có lời nói không hay sẽ dễ dàng gây tổn thương sâu đến những người xung quanh.
    Trong bài chia sẻ của mình, Shark Liên cho biết bà lớn lên trong thời cả dân tộc vượt qua khó khăn, gian khổ, khốc liệt của chiến tranh. Và bà chứng kiến tất cả mọi người đều lo làm lụng vất vả tái thiết cuộc sống sau chiến tranh.
    Ngày ấy, bà chẳng có thời gian trò chuyện nhiều, nếu có cũng chỉ đôi ba câu thân tình sau khi đã được suy nghĩ kỹ để không rót vào nhau thêm bất kỳ nỗi đau, nỗi tổn thương nào. Nỗi buồn chiến tranh vẫn còn, nó không có chỗ để chất chứa.
    Rồi cuộc sống thoải mái, mạng xã hội xuất hiện, câu chữ nói ra trở nên nhanh hơn bao giờ hết. Nói nhanh không kịp nghĩ, lời nói đôi khi trở thành những hòn đá làm đau, làm tổn thương nhau. Sự thật này, tôi tin nhiều người nhìn thấy. 
    Shark Do Lien: Noi loi khong hay gay ton thuong sau rong
     Shark Đỗ Liên. Ảnh: FBNN
    "Có người bảo với tôi lời nói gió bay, câu chữ tiêu cực trên mạng xuất hiện như một cách để người ta bày tỏ uẩn ức của mình mà, bình thường bên ngoài cuộc đời thật, họ không có cơ hội được nói, có nói cũng không ai nghe và hiểu. Tôi chợt thấy buồn…
    Tôi buồn vì biết, lời nói buông ra, câu chữ viết nên không thể mất đi được, gió không đủ sức làm tiêu biến năng lượng hằn học trong bất kỳ ngôn ngữ nào của loài người. Buồn hơn nữa khi hiểu, nạn nhân đầu tiên của thứ năng lượng nặng nề ấy, chính là bản thân người nói/người viết, sau đó là tới người nghe/người đọc, dù là thân quen hay xa lạ", bà Liên viết.
    Theo Shark Liên, khoảnh khắc bạn tin rằng một người xa lạ nào đó xấu và quyết định đả kích họ, chính bạn sẽ cảm thấy tức giận. Lời chỉ trích của bạn, bạn bè hay người thân nghe thấy cũng sẽ đồng cảm tức giận theo. Tại sao họ lại tức giận về câu chuyện chưa đủ tính xác thực của một người xa lạ? - đơn giản vì họ tin bạn, bạn là người họ biết. 
    Cuối cùng, chỉ từ một ý niệm không hay sinh ra vài lời không đẹp, bạn giận dữ, kéo theo người tin tưởng bạn cũng giận dữ theo. Sự huỷ hoại xảy ra nhanh chóng trước cả khi nhân vật chính bị đả kích biết đến và thấy buồn nếu lời bạn nhắm đến hoàn toàn không đúng sự thật.
    Chúng ta làm tổn thương bản thân, tổn thương nhau như thế thường ngày, các bạn không biết sao? Thậm chí, hệ quả của lời nói không đẹp, một câu trách mắng, đôi lời đả kích và cả những ý vu vạ, xuyên tạc,... tác động còn sâu xa hơn như thế.
    Bao đứa trẻ lớn lên trong sự chỉ trích, mắng nhiếc của mẹ cha và thật kỳ lạ, chúng lớn lên trở thành một bản sao của bậc sinh thành. Bao người đánh mất sự tự tin, đôi khi còn muốn tự tử sau khi bị người khác dùng lời lẽ cay đắng miệt thị ngoại hình bằng hình thức đùa giỡn. Và cũng bao nhiêu gia đình rơi vào cảnh tan vỡ chỉ vì dăm ba câu bóng gió, xuyên tạc của người ngoài...
    Các câu chuyện về tác động xấu của ngôn từ tiêu cực mà tôi được nghe, được kể lại giống như trên, đủ nhiều để tôi không nhớ, không đếm hết. 
    Sức mạnh của ngôn ngữ với tôi gần như vô biên. Nó có thể tạo nên ảo ảnh của sự thật từ những dối trá và lọc lừa, cũng có thể điều khiển đám đông trong thời lòng người đầy những hoài nghi, không tin vào điều tốt đẹp.
    "Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng có một bài giảng tôi vô cùng tâm đắc. Không còn nhớ văn chỉ còn nhớ ý, Thầy nói luân hồi không phải là chết đi rồi linh hồn sẽ tái sinh, luân hồi là sự tiếp nối xảy ra ngay lúc này đây bằng 3 hình thức: Tư duy, ngôn ngữ, hành động. Với lời nói, mỗi lời nói ra sẽ mang chữ ký của chúng ta, nó lập tức luân hồi thấm vào bản thân và ảnh hưởng đến người khác. 
    Gieo lời nghi kỵ, bất hòa hay gieo lời ân tình, tử tế đều sẽ luân hồi và luân hồi đi rất xa. Giống như việc tôi ngồi đây, nhớ lại bài giảng của Thầy kể cho các bạn nghe, tức là Thầy đã luân hồi rồi, hay việc những bài viết, câu nói tích cực của tôi được các bạn chia sẻ cho người khác cũng là một hình thái luân hồi của riêng tôi. 
    Quyển sách “Liên - Người được chọn” mang câu chuyện đời tôi, tạo động lực truyền cảm hứng cho biết bao bạn trẻ khắp mọi miền đất nước, đó vẫn là cách tôi luân hồi. Tôi có mặt ở mọi nơi, dù hôm nay, ngày mai hay xa hơn nữa ngày tôi không còn. Luân hồi chưa bao giờ chỉ dừng lại ở một hình thái, Thiền sư nói. 
    Có thể bài giảng của Thầy được tôi viết lại hơi khó hiểu nhưng tôi tin, nếu tới một lúc nào đó các bạn hiểu, các bạn sẽ có thêm động lực để tìm cách luân hồi an lạc nhất cho mình và cho mọi người xung quanh. Không dừng lại bằng “khẩu” (lời nói) mà còn bằng “thân” (hành động) và “ý” (tư duy)", bà viết.
    Hồng Quyên

    ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN