Ông Nguyễn Đình Tùng từ nhiệm Thành viên HĐQT Ngân hàng OCB

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) công bố nhận được đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2020-2025 của ông Nguyễn Đình Tùng theo nguyện vọng cá nhân.
Ong Nguyen Dinh Tung tu nhiem Thanh vien HDQT Ngan hang OCB
 Ông Nguyễn Đình Tùng xin từ nhiệm Thành viên HĐQT Ngân hàng OCB
Ngày 9/8, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB - Mã: OCB) đã nhận được đơn từ nhiệm của ông Nguyễn Đình Tùng, Thành viên Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2020-2025, theo nguyện vọng cá nhân.
Theo tìm hiểu, ông Nguyễn Đình Tùng, sinh năm 1971, tốt nghiệp Đại học Thương Mại Hà Nội và chương trình MBA tại Đại học Maastricht, Hà Lan. Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính ngân hàng tại Việt Nam và quốc tế, ông Tùng đã gia nhập OCB từ tháng 4/2012 và giữ chức Tổng Giám đốc từ tháng 8/2012. Vào tháng 4/2023, ông được bầu làm Thành viên Hội đồng Quản trị OCB.
Trước khi gia nhập OCB, ông Tùng đã đảm nhận nhiều vị trí quan trọng, như Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Mekong, Giám đốc Quốc gia của ING Private Banking Singapore, và Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Khách hàng Doanh nghiệp tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải.
Chia sẻ về quyết định từ nhiệm, ông Tùng cho biết: "Sau khi rời vị trí Tổng Giám đốc để tập trung vào chiến lược phát triển bền vững và mở rộng mạng lưới đối tác của ngân hàng trong vai trò thành viên HĐQT, tôi đã có kế hoạch riêng, tập trung vào các dự án số hóa tài chính - đam mê và tâm huyết của tôi từ lâu."
Tuy nhiên, để đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ các quy định mới của luật TCTD có hiệu lực từ 1/7/2024, ông Tùng quyết định từ nhiệm khỏi vị trí Thành viên HĐQT để tập trung vào công việc cá nhân sắp tới.
Hội đồng Quản trị sẽ xem xét đơn từ nhiệm của ông Tùng và trình lên Đại hội đồng cổ đông trong kỳ họp gần nhất.
Trước đó, vào ngày 6/8, OCB cũng đã thông báo gia hạn chức vụ Phó Tổng Giám đốc của ông Trương Thành Nam thêm 12 tháng, có hiệu lực từ ngày 15/8/2024.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024, OCB ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 1.986 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các nguồn thu ngoài lãi biến động không đồng nhất. Lãi thuần từ hoạt động khác tăng gần 5 lần, đạt 135 tỷ đồng, và lãi thuần kinh doanh ngoại hối tăng 1,6 lần lên 105 tỷ đồng. Ngược lại, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm mạnh 40%, còn 150 tỷ đồng. Đặc biệt, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lỗ 105 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 204 tỷ đồng.
Tổng thu nhập hoạt động của OCB giảm 3,8% còn 2.272 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí hoạt động và dự phòng rủi ro tín dụng tăng lần lượt 45% và 3,2 lần, lên 955 tỷ đồng và 418 tỷ đồng. Kết quả là lãi sau thuế quý 2/2024 của OCB giảm 43%, còn 716,9 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng thu nhập hoạt động đạt 4.559 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,4% so với cùng kỳ. Dự phòng rủi ro tín dụng tăng 32% lên 442 tỷ đồng, khiến lợi nhuận sau thuế giảm 18% xuống 1.670 tỷ đồng.
Tính đến 30/6/2024, tổng tài sản của OCB đạt 238.883 tỷ đồng, giảm 0,5% so với đầu năm. Cho vay khách hàng tăng 3,7% lên 152.708 tỷ đồng, trong khi tiền gửi của khách hàng tăng 4,4% đạt 131.579 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ, OCB ghi nhận 1.316 tỷ đồng là nợ chờ xử lý đã có tài sản gán xiết nợ, giảm 55%. Tuy nhiên, nợ xấu tăng 22% lên 4.767 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn chiếm 2.314 tỷ đồng, tăng 37%. Tỷ lệ nợ xấu của OCB tăng từ 2,65% lên 3,12%.
Ong Nguyen Dinh Tung tu nhiem Thanh vien HDQT Ngan hang OCB-Hinh-2
 Chất lượng nợ cho vay của OCB

Quỳnh Ái

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN