Những doanh nhân tuổi Tỵ trên sàn chứng khoán Việt

Với trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng đổi mới, các doanh nhân tuổi Tỵ không chỉ tạo dựng thành công cho riêng mình mà còn góp phần phát triển nền kinh tế Việt Nam.
Khép lại năm 2024, bước sang năm 2025 đây có thể sẽ là một năm bước ngoặt của thị trường chứng khoán Việt Nam. Cùng với các yếu tố nội tại như kinh tế vĩ mô, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp, thì cơ hội nâng hạng đang rộng mở.
Bên cạnh sự phát triển của mỗi doanh nghiệp không thể không kể đến vai trò to lớn của các nhà lãnh đạo – những người được xem là “đầu tàu” định hướng phát triển cho doanh nghiệp đạt được mục tiêu một cách hiệu quả và bền vững.
Năm 2025 trong Âm lịch là năm Ất Tỵ ứng với con giáp là Rắn. Trong năm Ất Tỵ, hình ảnh con Rắn là biểu tượng của sự thông minh, khéo léo và kiên trì. Theo quan niệm văn hóa phương Đông, Rắn còn mang ý nghĩa của sự tái sinh và đổi mới. Những người sinh vào năm này thường nổi bật với trí tuệ sắc bén, quyết đoán và nhạy bén trong các tình huống. Tuy nhiên, họ cũng có thể gặp khó khăn trong việc thay đổi, đôi khi tỏ ra bảo thủ trong quan điểm và hành động.
Hãy cùng Tri thức & Cuộc sống điểm qua một số nhà lãnh đạo tuổi Tỵ trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
1. Bà Mai Kiều Liên (Quý Tỵ 1953) - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vinamilk
Bà Mai Kiều Liên, sinh năm 1953, bà Liên bắt đầu làm việc tại Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk, VNM), từ năm 1976 và đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc trong suốt 32 năm vừa qua.
Bà Mai Kiều Liên là một doanh nhân đặc biệt khi cả sự nghiệp của mình chỉ gắn liền với một doanh nghiệp, một ngành nghề kinh doanh cốt lõi.
Nhung doanh nhan tuoi Ty tren san chung khoan Viet
 Bà Mai Kiều Liên
Với vai trò Tổng Giám đốc Vinamilk, bà đã lãnh đạo doanh nghiệp này trở thành thương hiệu sữa hàng đầu tại Việt Nam và vươn tầm quốc tế. Sự nghiệp của bà gắn liền với hành trình đưa sữa Việt từ một ngành công nghiệp non trẻ, phụ thuộc vào nhập khẩu, trở thành biểu tượng tự hào quốc gia với các sản phẩm đạt chuẩn quốc tế. Đến nay, sản phẩm của Vinamilk đã có mặt ở 62 quốc gia, vùng lãnh thổ và vẫn tiếp tục tăng lên.
Dưới sự lãnh đạo của bà Mai Kiều Liên, Vinamilk không chỉ tập trung vào chất lượng sản phẩm mà còn tiên phong ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất và quản lý. Bà luôn chú trọng tới việc phát triển bền vững, xây dựng hệ thống trang trại đạt chuẩn quốc tế, đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu sạch, thân thiện với môi trường. Không chỉ ghi dấu ấn trong lĩnh vực kinh doanh, bà còn là một biểu tượng truyền cảm hứng về sự kiên định, đổi mới sáng tạo và tinh thần dẫn đầu.
Trong năm vừa qua, bà Liên đã được Tạp chí Fortune (Mỹ) vinh danh trong danh sách “100 Phụ nữ quyền lực nhất châu Á” (Fortune’s Most Powerful Women ASIA 2024) và cũng là nữ doanh nhân hiếm hoi tại Việt Nam được Đảng và Nhà Nước trao tặng Huân chương Độc Lập hạng Ba cao quý.
Hiện bà Liên đang sở hữu 6.400.444 cổ phiếu có trị giá xấp xỉ 410 tỷ đồng.
2. Ông Đỗ Minh Phú (Quý Tỵ 1953) - Chủ tịch Doji Group và Tienphong Bank
Ông Đỗ Minh Phú, sinh năm 1953 tại Yên Bái, ông Phú là người sáng lập Tập đoàn DOJI và Chủ tịch TPBank (TPB), một trong những doanh nhân tài năng đã gây dựng nên những thương hiệu Việt lớn mà tên tuổi vượt qua biên giới quốc gia.
Nhung doanh nhan tuoi Ty tren san chung khoan Viet-Hinh-2
Ông Đỗ Minh Phú  
CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI tiền thân là Công ty Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD, được thành lập năm 1994. Đây là doanh nghiệp đầu tiên đưa ra thị trường quốc tế sản phẩm đá Ruby sao Việt Nam với thương hiệu Việt Nam Star Ruby.
Không dừng lại ở lĩnh vực vàng bạc, ông Đỗ Minh Phú còn lấn sân sang ngành tài chính ngân hàng khi đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TPBank. Dưới sự dẫn dắt của ông, TPBank đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ với chiến lược số hóa toàn diện, thu hút hàng triệu khách hàng trẻ và hiện đại hóa các dịch vụ tài chính. Những nỗ lực của ông không chỉ giúp TPBank tăng trưởng mạnh mẽ về lợi nhuận mà còn tạo dựng uy tín vững chắc trên thị trường ngân hàng. Với triết lý kinh doanh linh hoạt, đổi mới và không ngừng học hỏi, ông Đỗ Minh Phú là minh chứng rõ nét cho sự thành công của một doanh nhân tuổi Tỵ thông minh và đầy bản lĩnh.
3. Ông Đỗ Duy Thái (Quý Tỵ 1953) - Chủ tịch Thép Việt
Chủ tịch Đỗ Duy Thái sinh ngày 20 tháng 8 năm 1953, quê quán Hà Tây (tức Hà Nội ngày nay). Ông là Chủ tịch Công ty TNHH TM - SX Thép Việt, với những biệt danh “rất kêu” như “đại gia thép Việt” hay “doanh nhân quyền lực trong ngành thép”. Tuy không sở hữu cổ phiếu của CTCP Thép Pomina (POM) nhưng gia đình ông Đỗ Duy Thái hiện đang nắm giữ tới 85% cổ phần công ty này. Công ty Thép Việt do ông Thái làm chủ là công ty mẹ của Pomina.
Nhung doanh nhan tuoi Ty tren san chung khoan Viet-Hinh-3
Ông Đỗ Duy Thái 
Với tấm bằng tốt nghiệp đại học sư phạm, ông Đỗ Duy Thái đã có thể lựa chọn con đường nhà giáo êm ả nhưng ông lại rẽ sang nghiệp kinh doanh đầy chông gai như đối mặt với khủng hoảng kinh tế, chính sách dồn đuổi nhà đầu tư từ thời đất nước còn bao cấp,..
Niềm say mê công nghiệp bắt đầu lớn dần khi kinh doanh ngày một phát triển. Trong thời điểm khó khăn của cơ chế bao cấp, ông phải chia nhỏ xưởng ra ở nhiều quận khác nhau. Năm 1992, Thép Việt ra đời trong khi hiếm doanh nghiệp tư nhân nào dàm làm ngành công nghiệp nặng. Sở dĩ ông lấy tên cho công ty là Thép Việt vì niềm khát khao xây dựng bằng được cho ngành thép đất nước 1 công ty tầm cỡ.  
5. Ông Đỗ Quang Vinh (Kỷ Tỵ 1989), Phó Chủ tịch kiêm Phó TGĐ Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB)
Ông Đỗ Quang Vinh sinh năm 1989 là con trai đầu của ông Đỗ Quang Hiển hay còn được biết đến là bầu Hiển - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), ông đồng thời cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T và nhiều doanh nghiệp khác.
Nhung doanh nhan tuoi Ty tren san chung khoan Viet-Hinh-4
Ông Đỗ Quang Vinh 
Ông Đỗ Quang Vinh được biết đến là một trong những lãnh đạo trẻ tuổi nhất trong ngành ngân hàng Việt Nam khi ngoài 30 tuổi đã bổ nhiệm vào vị trí Phó Chủ tịch Ngân hàng SHB. Đồng thời, ông là Chủ tịch CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS).
Ông Vinh là thạc sĩ tài chính và quản trị tại University of East Anglia (Anh). Ông có 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, từng giữ vị trí Giám đốc đầu tư tài chính quốc tế của Tập đoàn T&T, trước khi tham gia điều hành tại SHB. Hiện ông là lãnh đạo trực tiếp triển khai chiến lược chuyển đổi toàn diện của ngân hàng này, bao gồm chuyển đổi số và ngân hàng số.
Theo Báo cáo quản trị 7 tháng đầu năm 2024 của SHB, ông Đỗ Quang Vinh nắm giữ hơn 101 triệu cổ phiếu SHB, tỷ lệ 2,76%. Với mức giá cổ phiếu SHB hiện tại là 10.650 đồng/cổ phiếu, khối tài sản tại SHB của ông Vinh ước tính hơn 1.000 tỷ đồng.
Tại SHS, ông Vinh nắm giữ hơn hơn 12 triệu cổ phiếu SHS, tỷ lệ 1,54%. Với mức giá cổ phiếu SHS hiện tại là 16.800 đồng/cổ phiếu, khối tài sản tại SHS của ông Vinh ước tính hơn 201 tỷ đồng.
Như vậy, với số lượng cổ phiếu đang nắm giữ, khối tài sản 'khủng' của ông Vinh đang nắm giữ lên tới 1.201 tỷ đồng.
Minh Vy

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN