Người làm sống dậy dòng tranh Đông Hồ

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm tranh lâu đời, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã gắn bó và yêu thích tranh Đông Hồ từ khi 11 tuổi. 
Tuy nhiên, lâu nay, nghề làm tranh tại làng Hồ gần như bị rơi vào quên lãng khi hầu hết hộ gia đình chuyển sang làm nghề đồ gỗ, nhuộm giấy, đặc biệt là làm hàng mã.
Nghe nhan Nguyen Dang Che: Nguoi lam song day dong tranh Dong Ho
 Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đăng Chế chia sẻ về những bức tranh Đông Hồ.

Đau đáu với nỗi lo mai một nghề làm tranh truyền thống, ông Nguyễn Đăng Chế và các con cháu đã về làng sau hơn 30 năm xa quê với quyết tâm vực dậy dòng tranh cổ.
Đến nay, Trung tâm lưu giữ, bảo tồn dòng tranh dân gian Đông Hồ của gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế 15 năm. Đây là điểm đến phục vụ du khách đến tham quan, tìm hiểu, mua tranh Đông Hồ.
Miệt mài gìn giữ tinh tuý của nghề
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cho biết, dòng họ Nguyễn Đăng đến đời ông là 20 thế hệ, hơn 500 năm làm nghề này. Ông được làm tranh từ lúc 11, 12 tuổi, đến nay hơn 70 năm làm nghề.
Nghe nhan Nguyen Dang Che: Nguoi lam song day dong tranh Dong Ho-Hinh-2
 Người thợ rất tỉ mỉ, cẩn thận trong công đoạn khắc gỗ

Năm 1957, học hết trung cấp, ông được bố mẹ cho học ở trường Quốc gia Mỹ nghệ (nay là Đại học Mỹ thuật Công nghiệp). Khi nhà trường biết gia đình có nghề làm tranh, ông được các thầy truyền tải về giá trị văn hóa của tranh Đông Hồ. Ông đã say sưa với nó từ năm 1960 đến bây giờ.
Tuy nhiên, ở làng khi đó đã không còn ai theo nghề làm tranh, kể cả gia đình ông. Năm 1992, sau 32 năm xa quê, ông Chế quyết định nghỉ hưu, về làng khôi phục nghề làm tranh. Ông tập hợp tất cả con cháu (con trai, gái, dâu, rể, các cháu nội, ngoại) cùng làm tranh Đông Hồ. Đến nay, không ngày nào gia đình ông không có khách, kể cả trong nước lẫn quốc tế. Ông cũng tự hào vì dòng tranh Đông Hồ “sống dậy” được như bây giờ.
Nghệ nhân 88 tuổi này cho hay, khác với các dòng tranh dân gian khác, tranh Đông Hồ có những điểm đặc biệt rất riêng. Đó là sử dụng toàn bộ chất liệu thiên nhiên làm tranh.
Chẳng hạn, giấy làm từ cây dó. Màu trắng làm từ con điệp, nghiền nhỏ trộn với hồ nếp quét lên. Màu đỏ từ sỏi đỏ nhặt từ trên núi hay hoa hoè, nghiền nát. Màu đen làm bằng than của lá tre, xanh từ lá tràm...
Những nguyên liệu này được trộn lẫn với nhau, sau đó hoà với lượng bột nếp tạo một lớp hồ, làm cho giấy tranh cứng hơn sau khi phơi khô.
Khó khăn nhất là tìm kiếm các con điệp để làm màu trắng. Không phải ở đâu cũng tìm được nguyên liệu này. Ông phải lên tận nơi dân tộc Nùng ở Bắc Giang tìm mua lá tràm về làm màu xanh. Đặc biệt, việc đốt lá tre lấy than để làm màu đen đòi hỏi kỹ thuật cao.
Nghe nhan Nguyen Dang Che: Nguoi lam song day dong tranh Dong Ho-Hinh-3
 Các thành viên trong gia đình ông Nguyễn Đăng Chế đều theo nghiệp làm tranh.

Đưa dòng tranh dân gian ra thế giới
Để dòng tranh dân gian Đông Hồ có thể bắt kịp xu thế mà vẫn giữ nguyên giá trị truyền thống, gia đình Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế duy trì các công đoạn truyền thống làm tranh, từ chất liệu, cách làm, đến màu sắc. Nguyên tắc về kỹ thuật khắc ván, in tranh hầu như vẫn được gìn giữ và bảo tồn. Bởi nếu thay đổi, đó sẽ không còn là tranh Đông Hồ nữa.
Nghe nhan Nguyen Dang Che: Nguoi lam song day dong tranh Dong Ho-Hinh-4
 Tranh Đông Hồ được ứng dụng vào sản phẩm đương đại, mang đến sự kết hợp tuyệt vời giữa truyền thống và hiện đại.

Nếu có chăng, sự thay đổi chỉ ở đề tài của tác phẩm. Những người đã đến với làng Hồ, được ngắm tranh Đông Hồ, đều không thể quên đường nét, sắc màu chân quê, đích thực Việt Nam.
Nhiều người lo nghề làm tranh Đông Hồ đã “chết”, nhưng Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế khẳng định, nó sẽ “sống lại”. Ông rất vui mừng khi chính quyền quan tâm đến tranh Đồng Hồ. Tỉnh Bắc Ninh đã nỗ lực hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO để dòng tranh này sớm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Nghe nhan Nguyen Dang Che: Nguoi lam song day dong tranh Dong Ho-Hinh-5
 Tranh Đông Hồ sử dụng toàn bộ chất liệu thiên nhiên

Điều khiến ông mừng nhất là yêu nghề, lăn lộn giữ lấy nghề của cha ông và sống được với nghề. Không chỉ khôi phục tranh Đông Hồ, ông và cả gia đình 3 thế hệ đều sống nhờ nghề làm tranh. Bên cạnh thị trường trong nước, ông cũng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như Hàn Quốc, Pháp, Trung Quốc…
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế cũng thành lập Trung tâm Giao lưu Văn hoá Dân gian tranh Đông Hồ trên diện tích 6.000 m2 của gia đình. Tại đây, hơn 100 bản khắc gỗ cổ và gần 1.000 bản khắc mới được ông thu thập, lưu giữ từ năm 1992 đến nay.
Đây là nơi chuyên khôi phục bản khắc cổ, sản xuất, dạy nghề cho con em địa phương và giới thiệu sản phẩm tới du khách trong, ngoài nước. Du khách tới tham quan được tận mắt tìm hiểu công đoạn sản xuất tranh, cũng như chiêm ngưỡng những tác phẩm tranh Đông Hồ.
Du khách cũng có thể trải nghiệm quy trình hoàn thiện một bức tranh với kỹ thuật đã được lưu truyền hàng trăm năm nay.

Mời quý độc giả xem thêm video: Chàng trai vẽ tranh bằng máy đánh chữ khiến dân mạng phát sốt.

Phạm Minh Huyền

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN