Có những thú chơi không quá đắt tiền, có những thú chơi bạc tỷ, nhưng tựu trung lại, đều tốn tiền và nhất là tốn thời gian, bởi “nghề chơi cũng lắm công phu”.
Thậm chí, với nhiều người, chơi còn khó hơn làm, bởi làm còn có chuẩn mực nhất định, cứ đạt chuẩn là hoàn thành. Còn chơi là một cái gì đó rất khó đến đích, cũng chính vì thế mà nghề chơi luôn hấp dẫn.
|
Người chơi âm thanh tại triển lãm hi-end.
|
Có những thú chơi để thoả mãn mình và để khoe với người khác như thể chơi xe, chơi đồng hồ, chơi máy ảnh… Những thú chơi ấy thường có hội có nhóm, giao lưu có tranh cãi có. Nhưng có một thú chơi mà thầm lặng đến mức có những người chơi nhiều khi chơi trong cô độc, không muốn khoe khoang, bởi họ chơi cho riêng mình. Đó là hi-end.
Có rất nhiều định nghĩa về hi-end, và người ta luôn cho rằng hi-end là những thiết bị âm thanh đắt tiền, xa xỉ. Thật ra không hẳn như vậy, không phải bộ dàn hi-end nào cũng có giá trên trời, tất nhiên không rẻ như những sản phẩm đại chúng. Và những bộ dàn tiền tỷ ngày hôm nay, nói đến tiền tỷ thì có vẻ to tát, nhưng thực ra chưa bằng giá một căn hộ chung cư bình dân.
|
Thú chơi hi-end thầm lặng là thế, nhưng người chơi hi-end thì cứ thế nhiều lên theo năm tháng. |
Ngoảnh lại vài chục năm trước, khi kiếm đồng tiền còn khó khăn bởi đất nước vừa mới qua cơn khói lửa, người ta đã dám mua những cái đài radio cassette mà giá trị tính ra lúc ấy ngang ngửa một căn nhà.
Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng những thiết bị âm thanh ngày đó không thể so với thiết bị hi-end ngày nay nếu nói về cảm xúc âm nhạc.
Bởi khoa học kỹ thuật thì liên tục phát triển, mỗi một năm, các kỹ sư âm thanh đều có những cải tiến làm cho âm thanh trở nên chính xác hơn, và trên tất cả, là để đem lại cho người chơi nhiều cảm xúc hơn, đúng với một định nghĩa khác về hi-end, rằng hi-end chính là thiết bị biến mất và chỉ còn âm nhạc ở lại.
|
Chỉnh thiết bị hi-end. |
Có những người chơi hi-end bận rộn đến mức thời gian nghe nhạc chỉ vài lần trong tháng, thậm chí trong năm, nhưng đòi hỏi bộ dàn phải đem lại cho mình sự thư thái thực sự khiến mình đắm chìm vào thế giới âm nhạc, thưởng thức được cái hay trong sự trình diễn, phân biệt được tiếng của các nhạc cụ nổi tiếng thế giới, vị trí của từng nhạc công trong dàn nhạc.
Một người chơi hi-end nói với tôi, nếu như dàn nhạc họ chơi bằng nhạc cụ triệu đô, với những tay đàn cự phách, mà ta lại chỉ nghe bằng những thiết bị phổ thông, chẳng phải là phí hoài hay sao, chẳng phải là sự thiếu tôn trọng với nghệ thuật hay sao.
Thế nhưng, mỗi khi có triển lãm hi-end, người chơi hi-end lại sục sôi. Họ đến triển lãm để nghe và chiêm ngưỡng những bộ dàn mới nhất, những thiết bị phụ kiện như dây dẫn, lọc điện, mà với họ là rất quan trọng và góp phần làm thay đổi chất âm của bộ dàn.
Chính vì thế, mỗi lần triển lãm, các hãng sản xuất và phân phối thiết bị hi-end luôn phải làm việc rất cẩn trọng để chiều lòng những khách hàng có đôi tai khó tính đến mức cực đoan. Người chơi hi-end không lệ thuộc vào bất cứ thương hiệu nào, miễn là đáp ứng được đôi tai họ, không giống như người tiêu dùng thông thường.
Một thương hiệu mới với sản phẩm tốt, với người chơi hi-end, đôi khi lại dễ chấp nhận hơn một thương hiệu đã thành danh. Bởi với người chơi hi-end, một thương hiệu mới xuất hiện, ắt hẳn phải có cái gì lạ và mới, nếu không, chắc chắn sẽ không đủ sức tồn tại trên thị trường vốn khó tính và không lệ thuộc nhiều vào chiêu trò.
|
Một trong các thiết bị âm thanh hi-end.
|
Thú chơi hi-end thầm lặng là thế, nhưng người chơi hi-end thì cứ thế nhiều lên theo năm tháng. Âu cũng là tín hiệu đáng mừng, bởi khi bước chân vào thế giới hi-end, thì người ta cũng bắt đầu tiến đến sự chơi đầy tính nghệ thuật, chứ không còn là chơi để khoe mẽ, để thể hiện với người khác.
Bởi nếu cái xe còn mang ra khoe được, thì bộ dàn hi-end ở nhà mình đâu thể lúc nào cũng mang đi được. Chơi hi-end, tiếp xúc với âm nhạc, chẳng phải con người sẽ nhân văn hơn hay sao?