GS.TS Lê Thị Quý: Người không biết yêu gia đình thì không thể yêu ai

GS.TS Lê Thị Quý cho rằng, xây dựng các hệ giá trị phải bắt nguồn từ gia đình. Và một người nếu không biết yêu gia đình mình thì khó mà tin được có thể yêu người khác.
Xây dựng các hệ giá trị phải bắt đầu từ gia đình
GS.TS Lê Thị Quý sinh năm 1950 trong một gia đình có truyền thống hiếu học và yêu nước tại tỉnh Bắc Ninh. Bà được biết đến là một nhà khoa học dành trọn cuộc đời nghiên cứu của mình cho các vấn đề về gia đình, bình đẳng giới, bạo lực gia đình...
GS.TS Le Thi Quy: Nguoi khong biet yeu gia dinh thi khong the yeu ai
 GS.TS Lê Thị Quý, Chủ tịch Quỹ Văn hiến Việt Nam. Ảnh: Mai Loan.
Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống, GS.TS. Lê Thị Quý đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của gia đình. Bà cho rằng, để xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, thì phải bắt đầu từ hệ giá trị gia đình.
“Từ tình yêu con cái, yêu những người thân trong gia đình, chúng ta mới biết yêu người trong một nước, trong xã hội. Cho nên, xây dựng các hệ giá trị phải bắt nguồn từ gia đình. Tôi cho rằng, nếu người nào không có tình yêu với gia đình thì không thể tin tưởng được có tình yêu với người khác”, GS.TS Lê Thị Quý cho hay.
Theo GS.TS Lê Thị Quý, trong gia đình, con phải ra con, cha phải ra cha, vợ phải ra vợ, chồng phải ra chồng… Để có được những điều đó, thì cần phải được học. Tuy nhiên, đáng tiếc, hiện nay, chúng ta chưa có được điều này.
Nhiều thanh niên khi kết hôn vẫn chưa được học về hôn nhân, mới chỉ biết yêu thôi, chưa có những kiến thức về gia đình. Vì vậy, khi trở thành người chồng, người cha, người vợ, người mẹ… thì vẫn chưa biết về vai trò, chức năng của mình".
“Điều đó, tưởng là đơn giản, tựa như bản năng, nhưng thực tế không phải. Ví dụ, cùng là yêu con, nhưng vai trò của người cha đối với con nó sẽ khác của người mẹ. Rồi con cũng phải ra con, phải hiếu thảo với cha mẹ, chứ không phải đổ xăng đốt mẹ. Tôi đã khóc khi đọc những thông tin như thế, ngỡ ngàng trước tội ác man rợ, mất nhân tính. Những sự vô đạo này có thể bắt nguồn từ việc không được học về gia đình”, GS.TS Lê Thị Quý chia sẻ.
Theo GS.TS. Lê Thị Quý, giáo dục gia đình còn là nền tảng giúp cho giáo dục nhà trường tốt hơn. Một học sinh ngoan, được giáo dục tốt từ gia đình, thì thầy cô giáo sẽ đỡ vất vả, và có thể sẽ không để xảy ra những vụ việc đáng tiếc.
Bao vấn đề gần gũi nhưng phải học mới hiểu
GS.TS Lê Thị Quý chia sẻ, khi nghiên cứu về gia đình bà mới thấy, có bao nhiêu vấn đề quá hay, gần gũi với mình hằng ngày, nhưng nếu không nghiên cứu sẽ không thể hiểu, biết tường tận được.
Ngay trong mối quan hệ với gia đình, trước đây bà cứ nghĩ đơn giản, nhưng khi được học hành, mới thấy nó quan trọng, có ý nghĩa. Ví dụ, khi chơi với cháu, biết được tâm lý của cháu như thế nào. Hoặc tiếp xúc với bố mẹ chồng, bố mẹ mình... đều hiểu được tâm lý của các cụ ra sao... Nếu không học thì không thể biết được nhu cầu của người đối diện, mong muốn, tình cảm của người khác với mình. Từ đó, biết có những đòi hỏi không thể thực hiện được.
“Chẳng hạn, khi người vợ muốn được chiều chuộng, nhưng người bạn đời lại bận, thì người vợ phải thấu hiểu được điều đó. Sự thấu hiểu rất quan trọng. Và điều này phải được học”, bà Quý nhấn mạnh.
Là người đầu tiên nghiên cứu về bạo lực gia đình, bà Quý chia sẻ, “cơ duyên” của lĩnh vực này đến với bà bắt đầu từ khi bà làm thư ký tòa soạn Tạp chí Khoa học và Phụ nữ thuộc Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ (Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam). Bà ngạc nhiên khi thấy, có nhiều phụ nữ bị chồng đánh đập dã man, mà họ chỉ biết âm thầm chịu đựng. Cũng có nhiều phụ nữ bị buôn bán, bị bắt buộc làm mại dâm.
Lúc đó, những vấn đề này được coi là “nhạy cảm” không ai muốn làm, không dễ tiếp cận, khai thác từ chính các nạn nhân. Tuy nhiên, bà đã quyết định “dấn thân” nghiên cứu, bởi nhận thấy, đây là một cái vòng oan nghiệt trói buộc nhiều phụ nữ.
Bà nhiều lần đạp xe lên trại phục hồi nhân phẩm Lộc Hà ở Đông Anh, trực tiếp đến các khu vực là điểm nóng về tệ nạn mại dâm tại Hà Nội để phỏng vấn. Bà đã đưa nạn mại dâm thành vấn đề nghiên cứu khoa học với nhiều giải pháp với Ủy ban phòng chống AIDS quốc gia, Bộ Lao động Thương binh Xã hội.
Mô hình nghiên cứu ngăn chặn nạn bạo hành gia đình được thực hiện tại Hà Nội, Phú Thọ, Thái Bình, Nam Định, Thừa Thiên Huế và các tỉnh khác dựa vào cộng đồng, dùng sức mạnh của cộng đồng chống bạo lực gia đình sau này đã được nhân lên ở một số địa phương khác…
Bà Quý cho biết, có hai loại bạo lực gia đình: Loại bạo lực nhìn thấy và loại bạo lực không nhìn thấy được. Bạo lực không nhìn thấy được có thể diễn ra dưới nhiều hình thức, trong đó có việc đổ hết công việc, trách nhiệm cho người khác, trong khi người còn lại chỉ nhởn nhơ chơi. Đây là một dạng bạo lực mà chúng ta cũng cần phải đấu tranh loại bỏ.
Loại thứ hai là bạo lực nhìn thấy được, mà như chúng ta đã biết có những vụ việc rất tàn bạo.
“Vâỵ chúng ta càng cần phải có những chương trình giáo dục về vấn đề này. Đặc biệt, những người mà trước khi lập gia đình càng cần phải học”, GS.TS Lê Thị Quý cho hay.

GS.TS Lê Thị Quý cho rằng, giá trị gia đình sẽ là cơ sở đầu tiên để chúng ta xây dựng, tiến lên hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị quốc gia. Và xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam cũng phải bắt đầu từ trong gia đình. Bởi gia đình là một tổ chức, tế bào nhỏ. Nếu ta không xây dựng từ cái nhỏ thì sẽ không thể xây dựng cái rộng lớn hơn được.

Mời quý độc giả xem video: "Những bức ảnh gợi nhớ Tết xưa, chỉ nhìn thôi đã thấy nao lòng". Nguồn: Kiến Thức.

 
Mai Loan

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN