Thông tin về tình hình thực hiện công tác thuế tháng 9/2024, Tổng cục Thuế cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước lũy kế 9 tháng đầu năm do cơ quan Thuế quản lý ước đạt gần 1.230 nghìn tỷ đồng, bằng 82,7% so với dự toán pháp lệnh, bằng 117,1% so với cùng kỳ.
Trong đó: Thu từ dầu thô ước đạt hơn 44 nghìn tỷ đồng, bằng 96,6% so với dự toán, bằng 97,1% so với cùng kỳ; Thu nội địa ước đạt hơn 1.185 nghìn tỷ đồng, bằng 82,3% so với dự toán, bằng 118% so với cùng kỳ.
Có 16/20 khoản thu, sắc thuế đạt khá (trên 78%), trong đó một số khoản thu lớn như: Thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh ước đạt 85,5%; Thuế thu nhập cá nhân ước đạt 89,1%; Phí - lệ phí ước đạt 90,4%; Thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước ước đạt 114,7%; Thu từ hoạt động xổ số ước đạt 89,3%;..
Có 28/63 địa phương có tỷ lệ thực hiện dự toán cao hơn so với tỷ lệ chung toàn ngành (82,7%); Có 54/63 địa phương có số thu tăng so với cùng kỳ. 09/63 địa phương có số thu đạt thấp so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, công tác thanh tra, thu nợ thuế cùng đạt kết quả tích cực. Theo đó, số cuộc thanh tra, kiểm tra tuy mới đạt hơn 67% kế hoạch năm (44.670 doanh nghiệp/66.639 doanh nghiệp) và chỉ bằng 98,43% so với cùng kỳ năm 2023; kiểm tra được 365.344 hồ sơ bằng 82,44% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra tăng gần 4% so với cùng kỳ năm 2023 (gần 47 nghìn tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách hơn 7.867 tỷ đồng, bằng 69,06% số tăng thu qua thanh tra kiểm tra.
Đối với công tác quản lý nợ thuế, luỹ kế 9 tháng ước thu được 56.092 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ 2023, trong đó: thu bằng biện pháp quản lý nợ là 52.408 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 3.684 tỷ đồng.
1 tháng có thêm 5.795 trường hợp tạm xuất cảnh
9 tháng đầu năm, cơ quan thuế đã ban hành 23.747 thông báo tạm hoãn xuất cảnh với số tiền thuế nợ là 50.665 tỷ đồng. Tuy nhiên mới thu được 1.844 tỷ đồng của 2.873 người nộp thuế đang bị tạm hoãn xuất cảnh.
Như vậy, so với con số công bố tháng trước (17.952 trường hợp tạm hoãn xuất cảnh với số tiền thuế nợ là 30.388 tỷ đồng) thì chỉ trong vòng 1 tháng đã có thêm 5.795 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh với số tiền nợ tăng thêm là 20.227 tỷ đồng, chiếm gần 67% tổng số tiền nợ thuế của cả 8 tháng.
Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2024 do Bộ Tài chính tổ chức, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, quy định tạm hoãn xuất cảnh đối với người còn nợ thuế đã có từ nhiều năm trước. Gần đây nhất, Luật Quản lý thuế năm 2020 và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 (có hiệu lực từ tháng 7/2020) cũng có quy định về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế.
Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, theo pháp luật hiện hành, người nộp thuế có khoản nợ quá 90 ngày sẽ bị cưỡng chế, bất kể nợ thuế nhỏ hay lớn.
Ngoài ra, cũng theo các quy định, để phải áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, nghĩa là người nộp thuế (gồm cả cá nhân, doanh nghiệp) đã thuộc đối tượng bị cưỡng chế thuế. Đối với những pháp nhân đang bị cưỡng chế thuế, khi pháp nhân vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế thì người đại diện pháp nhân sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.