|
Nằm ở xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng là một trong những tượng đài có quy mô lớn nhất Việt Nam. Công trình được xây dựng dựa theo nguyên mẫu là hình ảnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ (1904 – 2010). |
|
Ngược dòng thời gian, mẹ Thứ sinh tại xóm Rừng,Thôn Thanh Quít, xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Vùng đất này là nơi có nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng. Riêng xã Điện Thắng Trung đã có 14 người. |
|
Lớn lên trong hoàn cảnh nước nhà bị giặc Pháp đô hộ, mẹ Thứ đã sớm có cảm tình với cách mạng. Sau khi lập gia đình, mẹ cũng chồng và các con bám trụ xóm làng, vừa sản xuất, vừa đào hầm nuôi giấu cán bộ. |
|
Vườn nhà mẹ rộng, có 5 căn hầm bí mật. Hằng đêm, mẹ để ngọn đèn sáng bên bàn thờ làm ám hiệu an toàn cho cán bộ, du kích đi về hoạt động. Quanh vườn có nhiều cây xanh và cỏ, nuôi nhiều bò để ngụy trang. |
|
Lúc an toàn, mẹ Thứ và các con mở hé cửa hầm để mọi người dễ thở và khi có động thì lại giả vờ trông coi bò để chỉnh sửa, ngụy trang lại miệng hầm. Hàng trăm cán bộ, bộ đội, du kích được gia đình mẹ Thứ chở che, chăm sóc... |
|
Vừa giúp đỡ cách mạng, vừa nuôi con cháu trong cảnh đói nghèo, nhưng khi đất nước lên tiếng gọi, mẹ Thứ lại động viên, tiễn các con ra chiến trường. Mẹ có 12 người con, 11 trai và 1 gái, thì 9 con trai hy sinh trong cuộc chiến chống thực dân đế quốc. |
|
Con đầu và cũng là con gái duy nhất của mẹ Thứ - bà Lê Thị Trị - là thương binh, cũng được trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng khi có chồng và hai con gái là liệt sĩ. Người chồng của mẹ Thứ cũng là liệt sĩ. Như vậy gia đình mẹ có đến 13 liệt sĩ. |
|
Mẹ Thứ chính là người mẹ có nhiều con cháu hy sinh nhất trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Có thể nói, hiếm có người mẹ nào trên thế giới này mang nhiều nỗi đau và sự hy sinh như mẹ Thứ. |
|
Năm 1998, trong lần trả lời phỏng vấn một nhà báo - cựu chiến binh Hàn Quốc, mẹ nói: "Ở nước tôi, Cụ Hồ đã dạy là 'Không có gì quý hơn độc lập tự do' nên cứ là người Việt Nam, trong đó có các con, các cháu tôi đều sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để giành lấy độc lập, tự do...". |
|
"...Nếu còn chiến tranh, các con tôi, rồi cháu tôi vẫn sẽ tiếp tục ra trận để giành độc lập, tự do, bình yên mà hôm nay chúng tôi đang hưởng”. |
|
Sau ngày đất nước thống nhất, mẹ Thứ sống với con gái ở quê nhà. Vào năm 1984, đôi mắt mẹ không còn nhìn được nữa. Vài năm cuối đời mẹ chuyển ra Đà Nẵng sống cùng con trai út. Người mẹ huyền thoại từ giã trần thế vào ngày 10/12/2010 ở tuổi 106. |
|
Trước đó, vào ngày 17/12/1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký quyết định tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng đợt đầu tiên cho 19.879 bà mẹ, trong đó có mẹ Thứ. |
|
Đến năm 2004, Đảng và Nhà nước đồng ý với chủ trương xây dựng một quần thể Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở tỉnh Quảng Nam. Ngày 27/7/2009, công trình được khởi công, hoàn thành ngày 24/3/2015. |
|
Công trình lấy nguyên mẫu từ mẹ Nguyễn Thị Thứ với ý tưởng: "Mẹ là suối nguồn bao la vô tận, là linh hồn đất nước. Mẹ sinh ra từ mảnh đất anh hùng, rồi sinh ra những người con anh hùng và sẽ lại hoá thân vào đất, vào non nước Việt Nam...". |
|
"...Mẹ sẽ sống mãi ngàn đời, vẫn tiếp thêm nguồn sức mạnh mẽ cho các thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". |
Mời quý độc giả xem video: Những Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình. Nguồn: Truyền hình Nhân Dân.