Suốt 45 năm được coi là một trong những nhà đầu tư đáng sợ nhất nước Mỹ, tỷ phú Carl Icahn mới đây đã chia sẻ về cuộc sống và những gì ông từng trải qua trong sự nghiệp của mình trong bộ phim tài liệu của HBO.
Một tuần sau sinh nhật lần thứ 86, “sói già phố Wall" Carl Icahn đã tái xuất với những gì mình giỏi nhất: khởi động một cuộc chiến ủy nhiệm. Mục tiêu mới nhất của ông là gã khổng lồ thức ăn nhanh McDonald’s. Hôm 27/2, McDonald’s xác nhận rằng Icahn đã đề cử hai thành viên vào hội đồng quản trị của tập đoàn này. Nguyên nhân được cho là Icahn muốn thay đổi cách đối xử với động vật của tập đoàn thức ăn nhanh nổi tiếng của Mỹ.
Trong một buổi phỏng vấn trực tuyến, tỷ phú đầu tư này cho biết những vấn đề về quyền động vật đã thu hút sự chú ý của ông sau khi con gái ông, Michelle, tham gia vào một hiệp hội nhân đạo. “Tôi không cố tỏ ra thánh thiện, tôi chỉ cảm thấy tồi tệ về điều đó", Icahn cho biết. Hiện, vị tỷ phú chỉ nắm giữ 200 cổ phiếu của McDonald's, có giá trị chưa tới 50.000 USD – một con số vô cùng nhỏ bé nếu so với 9 tỷ USD tổng giá trị các khoản đầu tư mà Icahn Enterprises đang nắm giữ.
Nhưng việc ngược đãi động vật trong trang trại không thực sự nằm trong chương trình nghị sự của Icahn. Sau hàng chục năm nổi danh với phong cách đầu tư “tàn bạo”, chuyên xé lẻ doanh nghiệp để thu lợi nhuận và hiện đã tích lũy được khối tài sản lên tới 16,6 tỷ USD, nhà đầu tư huyền thoại này đang hướng tới một mục tiêu lớn hơn, đó là giới thiệu về di sản của mình thông qua việc quảng bá bộ phim tài liệu mới của HBO: "Icahn: The Restless Billionaire".
“Nhà đầu tư chủ động thực hiện một mục đích rất quan trọng", ông nói, đề cập đến chiến lược mua cổ phiếu bị định giá thấp và gây áp lực buộc ban lãnh đạo phải thực hiện những thay đổi có lợi cho cổ đông. “Tuy nhiên, tất cả những cỗ máy PR này khiến họ trở thành kẻ xấu".
|
'Sói già phố Wall' Carl Icahn. Ảnh: HBO
|
Icahn không có dấu hiệu từ bỏ phong cách đầu tư của mình. Bên cạnh việc lạm phát đang ở mức tồi tệ nhất trong gần 40 năm, ông cho rằng nước Mỹ cũng đang phải trải qua cuộc khủng hoảng trong quản trị doanh nghiệp, điều mà theo ông đang bị phần lớn mọi người bỏ qua. “Thật khó để mọi người tìm hiểu về vấn đề này cho đến khi thị trường trở nên quá tồi tệ", ông khẳng định.
Icahn lập luận rằng một số hậu quả không mong muốn của vấn đề này đã góp phần dẫn tới tình trạng kinh tế khó khăn hiện nay. “Một phần nguyên nhân của lạm phát là do chúng ta không sản xuất đủ hàng hóa và thực sự, năng suất của chúng ta kém hơn nhiều nước khác trên thế giới”, tỷ phú Icahn khẳng định. “Nguyên nhân là vì một số CEO không thành công. Họ không thực sự quan tâm lắm đến việc lãnh đạo".
Nếu muốn tìm hiểu thêm về Carl Icahn cũng như những giao dịch khét tiếng của ông, cùng một số cảnh quay hậu trường vô giá tại nhà của vị tỷ phú thì bạn có thể xem "Icahn: The Restless Billionaire".
“Sói già phố Wall"
Carl Icahn sinh năm 1936, lớn lên ở Far Rockaway, Queens. Cha ông là người điều khiển ca đoàn của nhà thờ và mẹ là giáo viên. Sau khi tốt nghiệp triết học tại Princeton, ông theo học Trường Y Đại học New York trước khi bỏ học để thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Ông bắt đầu làm nhân viên môi giới chứng khoán tại Dreyfus vào năm 1961 trước khi làm việc ở Sàn giao dịch chứng khoán New York và hoạt động kiếm lời từ chênh lệch giá (arbitrage) cũng như giao dịch quyền chọn vào năm 1968.
“Tôi bắt đầu kinh doanh chênh lệch giá vì tôi khá giỏi toán và sau này, nó đã trở thành bản năng của tôi", tỷ phú Icahn nói. “Cuối cùng mọi thứ tự nhiên chuyển thành việc mua những công ty bị định giá thấp và theo một cách nào đó, đó cũng là một loại kinh doanh chênh lệch giá".
|
Carl Icahn thời trẻ. Ảnh: HBO
|
Một thập kỷ sau, ông thực hiện chiến dịch tiếp quản đầu tiên của mình với nhà sản xuất thiết bị Tappan vào năm 1978. Ông đã kiếm được gấp đôi khoản đầu tư ban đầu sau khi công ty này bị bán. Sự hồi hộp của cuộc đi săn đã gợi lên hứng thú của Carl Icahn. Từ đó, ông trở nên nổi tiếng với những vụ đầu tư bao gồm những tên tuổi lớn như Trans World Airlines (TWA), RJR Nabisco cho đến Marvel, Lionsgate, Time Warner, Yahoo, eBay và những công ty khác. Lợi nhuận mà ông tạo ra từ các giao dịch đó, cũng như việc tránh được các vụ bê bối giao dịch nội bộ đã mang lại cho ông biệt danh “sói già phố Wall”.
“Có một điều mà ít người nhận ra là Icahn đã cho thấy khả năng thành công trong rất nhiều lĩnh vực, qua hàng chục năm liền", Ken Squire, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch của 13D Monitor – một công ty nghiên cứu chuyên về phân tích hồ sơ SEC của các nhà đầu tư. “Tính chủ động đã ăn sâu vào máu ông ấy. Nếu ông ấy lựa chọn là một giáo viên, ông cũng sẽ là một người rất năng nổ".
Thập kỷ qua tiếp tục là quãng thời gian ghi dấu những thương vụ đầu tư lớn của Carl Icahn. Năm 2012, ông đã bán đi số cổ phần Netflix mình đang nắm giữ. Với mức tăng tới 457% sau 14 tháng, ông đã thu về khoản lợi nhuận 2 tỷ USD. (Tuy nhiên, nếu giữ số cổ phiếu này cho đến nay, ông có thể kiếm được tới 19 tỷ USD).
Tháng 8/2013, số cổ phần Apple trị giá 1 tỷ USD ông nắm giữ đã đạt mức vốn hóa thị trường tới 17 tỷ USD. Cuộc chiến của Icahn với nhà sản xuất thực phẩm bổ sung dinh dưỡng Herbalife, nổ ra trong mối thù không đội trời chung với quỹ đầu cơ đối thủ Bill Ackman cũng là vụ việc được nhắc tới rất nhiều. Cuối cùng, Icahn được cho là đã kiếm được 1,3 tỷ USD lợi nhuận sau khi bán số cổ phần mình nắm giữ vào tháng 5/2021.
Tất cả những điều này là một phần sự nghiệp của vị tỷ phú được mệnh danh là “kẻ thù” của các công ty Mỹ từ những năm 1970 và tạo ra một hiện tượng được gọi là “Icahn Lift”. Đó cũng là thứ khiến Giám đốc HBO, Bruce David Klein, chú ý tới Carl Icahn. “Tôi bị thu hút bởi những đối tượng có DNA độc đáo, đặc biệt là những người có tài năng bí ẩn một chút", Klein nói. “Mọi người đều biết Icahn là một kẻ phá đám đáng sợ, một nhà đàm phán cứng rắn, một tỷ phú cực kỳ thành công - nhưng tại sao? ... Đó chính là chất xúc tác cho câu chuyện".
|
Tỷ phú đầu tư chơi cờ cùng con trai, Brett Icahn. Ảnh: HBO
|
Mặc dù quỹ của Icahn đã đóng cửa với các nhà đầu tư bên ngoài từ năm 2011, nhưng công ty đầu tư Icahn Enterprises – nơi Icahn sở hữu 89% cổ phần - đã hoạt động được hơn 20 năm. Công ty này đầu tư vào quỹ đầu cơ của Icahn và các công ty như nhà máy lọc dầu CVR Energy và nhà bán lẻ phụ tùng ôtô Pep Boys. Icahn Enterprises hiện có tổng tài sản là 28 tỷ USD, giá trị tài sản ròng là 5,4 tỷ USD tính đến quý III năm ngoái, tăng từ 3,1 tỷ USD năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với con số 9,1 tỷ USD vào cuối năm 2013. Cổ phiếu của Icahn Enterprises hiện đang giao dịch ở mức 55 USD, giảm 6% trong 12 tháng qua so với mức lợi nhuận của S&P 500 là 12,6%.
Quỹ đầu cơ trị giá 4,6 tỷ USD của Icahn cũng gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây. Tính đến quý III năm ngoái, lợi nhuận của quỹ này tăng 8,8%, thấp hơn mức 14,7% của chỉ số S&P 500. Vào năm 2020, quỹ hoạt động kém hiệu quả, giảm 14% trong khi lợi nhuận thị trường tăng 18%. Do những khoản lỗ gần đây, lợi nhuận trung bình hàng năm của quỹ kể từ khi thành lập vào năm 2004 đã giảm xuống còn 3,8%, so với 10% của S&P 500.
Tuy nhiên, có vẻ như tỷ phú Icahn không bận tâm về quỹ đầu cơ của mình mà chú ý nhiều hơn tới Icahn Enterprises. Ông đã tính toán phân tích chi phí/lợi ích của riêng mình kể từ khi Icahn Enterprises thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2000 vào ngày 17/2 vừa qua. “Tôi đã thực hiện một số thống kê", ông nói. “Nếu bạn mua cổ phiếu của Icahn Enterprises khi công ty bắt đầu hoạt động hơn 20 năm trước, tái đầu tư cổ tức khi bạn nhận được, bạn đã thu được lợi tức đầu tư 2.041%". Sử dụng phép tính này trong cùng khoảng thời gian, Icahn tính toán rằng cổ phiếu S&P 500, Dow Jones Industrial và Berkshire Hathaway Class A sẽ cho mức lợi nhuận lần lượt là 354%, 403% và 739%.
Cho tới giờ, tỷ phú Icahn không có ý định nghỉ hưu sớm, mặc dù con trai, cũng là người kế nhiệm của ông, Brett Icahn, đã đảm nhiệm vai trò quản lý danh mục đầu tư và là thành viên hội đồng quản trị Icahn Enterprises từ tháng 10/2020. Trên thực tế, hoàn toàn ngược lại. Ông đã nói về việc tận dụng lợi thế sau một thời gian điều chỉnh: “Có một câu nói nổi tiếng thế này, hãy đi theo xu hướng thị trường cho đến khi nó kết thúc".