Năm 1977, khi tròn 19 tuổi, con trai của Warren Buffett, Peter, nhận được một khoản tài sản thừa kế. Đó là 90.000 USD thu được từ việc bán trang trại của ông nội và được Warren Buffett chuyển thành cổ phiếu của Berkshire Hathaway.
“Tôi hiểu rằng mình không nên mong đợi gì thêm”, Peter Buffett – nhà từ thiện và nhạc sĩ từng đoạt giải Emmy viết trong cuốn hồi ký phát hành năm 2010 của ông.
Trong một cuộc phỏng vấn, Peter từng tiết lộ rằng dù ông và anh chị em của mình được cha cho một khoản tiền khổng lồ để làm từ thiện, nhưng 90.000 USD đó lại là tài sản thừa kế duy nhất ông được sử dụng cá nhân.
Vậy một sinh viên đại học như Peter khi đó sẽ làm gì với số tiền này? Mua một chiếc xe hơi yêu thích, một căn hộ bên bờ biển hay đi du lịch với những chuyến bay hạng sang?
“Tôi từng chứng kiến 2 anh chị lớn của mình tiêu sạch số tiền họ có một cách nhanh chóng. Và tôi không muốn đi theo con đường đó”, con trai út của Warren Buffett viết.
|
Warren Buffett và con trai, Peter Buffett. Ảnh: Getty Images.
|
Theo đuổi ước mơ
Vào thời điểm Peter nhận được quyền thừa kế, ông quyết định sẽ theo đuổi ước mơ trở thành nhạc sĩ. Vì vậy, ông bán hết số cổ phiếu mình có và sử dụng số tiền này “mua khoảng thời gian cần thiết giúp tôi hiểu được mình có thể thành công trong lĩnh vực âm nhạc hay không", Peter viết.
Động thái đầu tiên của Peter là bỏ học tại Đại học Stanford. Dù thừa nhận không biết làm cách nào để trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp, nhưng ông hiểu rằng sẽ chẳng thể thành công nếu chỉ tham gia các lớp học.
Peter lập ra một ngân sách và chuyển đến San Francisco, sống rất đạm bạc trong một căn hộ nhỏ. Điều xa xỉ nhất ông làm là “nâng cấp và mua thêm thiết bị thu âm".
Ông không ngừng nỗ lực để nâng cao khả năng của mình, cả với tư cách là một nghệ sĩ piano và nhà sản xuất âm nhạc. Ông sáng tác, thử nghiệm với thanh âm và kỹ thuật thu âm. Peter cũng đặt quảng cáo trong mục rao vặt của tờ San Francisco Chronicle và chấp nhận làm việc không lương.
Cuối cùng, Peter đã đạt được thành công trong lĩnh vực âm nhạc mà ông luôn mong ước. Bước ngoặt lớn nhất của Peter không đến từ những mối quan hệ của người cha tỷ phú. Thậm chí, có lần đang rửa chiếc xe cũ nát của mình, một người hàng xóm hỏi Peter rằng ông làm gì để kiếm sống.
Tôi nói với ông ấy rằng tôi là một nhà soạn nhạc đang gặp khó khăn, Peter kể lại trong cuốn sách của ông. Người hàng xóm đã giới thiệu Peter với con rể của mình - một họa sĩ hoạt hình cần những giai điệu quảng cáo cho một kênh truyền hình cáp mới ra đời. Kênh truyền hình đó trở thành một hiện tượng văn hóa những năm 1980 và nó chính là MTV.
Thời gian có thể là khoản đầu tư giá trị nhất
Nhìn lại những gì đã trải qua, Peter nói rằng có một con đường khác mà có thể ông đã đi theo. Đó là tốt nghiệp đại học, tìm một công việc ổn định, lương cao – có thể là tại chính công ty của cha mình – cùng với đó tiếp tục nắm giữ khoản cổ phiếu được thừa kế năm xưa.
(Theo tính toán của CNBC, 90.000 USD cổ phiếu Berkshire Hathaway năm 1977 sẽ có giá trị hơn 200 triệu USD vào ngày 6/5/2020, với lợi nhuận hơn 250.000%).
“Tôi không hề hối tiếc về lựa chọn đó. Tôi đã dùng nó để mua một thứ còn quý hơn tiền, đó là thời gian”, Peter viết. Và chính khoảng thời gian đó đã giúp ông thành công với công việc mà mình yêu thích.
Ngay từ nhỏ, Peter đã học được bài học rất quan trọng về đạo đức làm việc. Điều Warren Buffett dạy cho con trai không phải là làm mọi cách để kiếm được nhiều tiền nhất có thể (được Peter gọi là đạo đức giàu có). Thay vào đó, hãy làm điều bạn yêu thích và khiến bạn muốn rời khỏi giường mỗi buổi sáng.
Sự khác biệt đó rất dễ bị bỏ qua trong trường hợp của Warren Buffett, bởi công việc yêu thích nhất của ông - đầu tư – liên quan rất lớn đến tiền bạc. Đó là một công việc nếu bạn làm tốt và bạn làm nó với niềm đam mê, bạn có thể trở nên rất, rất giàu có. Nhưng chủ tịch Berkshire không bao giờ làm việc chỉ vì tiền. Trên thực tế, ông khuyên các bạn trẻ ngày nay “Hãy chọn công việc giúp bạn độc lập về tài chính”.
Không chọn con đường dễ dàng nhất
Hầu hết chúng ta không có cơ hội làm những gì Peter làm. “Tôi nhận thức rõ ràng rằng số tiền thừa kế của tôi nhiều hơn hầu hết những gì các bạn trẻ khác được nhận để bắt đầu cuộc sống”, ông thừa nhận trong cuốn sách. “Có được số tiền đó là một đặc ân, một món quà tôi chưa kiếm được”.
“Có nhiều người sẽ có lợi thế hơn người khác, có thể về tiền bạc, sự động viên về tinh thần, một tài năng độc đáo hoặc cơ hội duy nhất nào đó. Nhưng họ không hiểu được giá trị của thời gian và cố gắng lao theo định mệnh của mình”, và kết quả là “họ có thể làm công việc phù hơp hoặc cũng có thể không, cảm thấy hạnh phúc hoặc cũng có thể không hài lòng”.
Theo Peter, nếu không có hàng trăm giờ nỗ lực cố gắng mà chẳng đòi hỏi trả lương, ông sẽ không có được thành công như hiện nay. Điều đó đòi hỏi sự kiên nhẫn và thời gian.
“Tôi đã học được nhiều điều về bản thân và sự kiên cường của mình trong giai đoạn khó khăn đó. Điều mà tôi sẽ không hiểu được nếu có một đống tiền và sống môt cách dễ dàng. Thật lòng tôi thấy rằng việc cha từ chối trao cho tôi một giải pháp đơn giản là hành động thể hiện tình yêu” – giống như ông ấy muốn nói rằng “Cha tin con và con không cần sự giúp đỡ của cha”.