Trước đây, Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei) – nhà sáng lập Huawei được biết đến là một người có cuộc sống khá kín tiếng. Ông chủ tập đoàn công nghệ viễn thông Trung Quốc hiếm khi trao đổi với truyền thông, thay vào đó ông chứng minh năng lực bằng sự phát triển nhanh chóng của Huawei trên khắp thế giới.
Tuy nhiên điều này đã thay đổi khi Huawei nhận hàng loạt chỉ trích và cáo buộc từ phía Mỹ về những hoạt động của công ty trên toàn cầu. Tỷ phú sinh năm 1944 dần chia sẻ nhiều hơn về công ty, gia đình và cuộc sống.
“Tôi biết cuộc sống của mình sẽ luôn có những khó khăn. Tôi chưa bao giờ thuận buồm xuôi gió vì khi còn trẻ, gia cảnh của tôi không tốt. Tôi phải làm việc rất chăm chỉ để có được một chút cơ hội công việc”, ông chủ Huawei nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2019.
Từng phục vụ trong quân đội
Nhậm Chính Phi sinh ra tại Quý Châu, Trung Quốc. Ông là con cả trong gia đình có 7 anh chị em và lớn lên trong hoàn cảnh túng thiếu bởi đồng lương giáo viên còm cõi của cha mẹ. Ông Nhậm từng theo học Học viện Xây dựng và Kiến trúc Trùng Khánh.
Năm 1974, Nhậm Chính Phi gia nhập Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) với tư cách là một kỹ sư. Thời điểm này Trung Quốc đang diễn ra cuộc Cách mạng Văn hóa trong bối cảnh đất nước bị thiếu hụt nghiêm trọng lương thực và quần áo.
“Vào thời điểm đó, sự hỗn loạn diễn ra ở khắp mọi nơi”, ông Nhậm nói và cho biết lượng vải may khan hiếm đến nỗi hầu hết mọi người không có đủ để vá hoặc sửa chữa quần áo.
Ông Nhậm được giao nhiệm vụ thành lập một nhà máy hóa chất để sản xuất sợi dệt ở đông bắc Trung Quốc. Đây là một phần trong kế hoạch của chính phủ nhằm đảm bảo mọi người dân có ít nhất một bộ quần áo tươm tất.
“Tôi đã học đại học và những người như tôi có thể đóng một vai trò nào đó”, ông nói.
Nhậm Chính Phi và các đồng đội của mình phải ngủ trong một căn nhà tồi tàn ở nhiệt độ 0 độ C và sống bằng cách ăn rau trong nhiều tháng liền. Tuy nhiên, Nhậm Chính Phi cho biết lúc đó ông rất vui vì trong khi những người khác tại Trung Quốc bị chỉ trích do đọc quá nhiều sách thì nhà máy “có lẽ là một trong số ít nơi mà mọi người có thể đọc”.
Vị doanh nhân tiết lộ bản thân từng mong muốn trở thành một trung tá phục vụ trong PLA. Tuy nhiên, điều này đã không thể trở thành hiện thực do nền tảng gia đình của ông không phù hợp. Công việc cuối cùng của ông tại PLA là phó giám đốc một viện nghiên cứu xây dựng.
Xây dựng tập đoàn công nghệ khổng lồ
Sau PLA, ông Nhậm làm việc cho một công ty dầu khí trước khi thành lập Huawei vào năm 1987. Thời điểm này, Trung Quốc đang trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế mạnh mẽ, cơ sở hạ tầng viễn thông nghèo nàn không kịp thích ứng và kìm hãm sự phát triển.
Chính vì vậy, phát triển ngành viễn thông trở thành một trong những ưu tiên của các nhà hoạch định chính sách. Ba doanh nghiệp nhà nước - Great Dragon, Datang và ZTE (ZTCOF) – thống trị thị trường khi đó.
Huawei lại đi theo một con đường khác. Công ty đăng ký hoạt động là một doanh nghiệp tư nhân ở Thâm Quyến, một làng chài vừa được chỉ định là đặc khu kinh tế ở Trung Quốc.
Theo cuốn sách "The Huawei Way" của tác giả Tian Tao, thời gian đầu công ty kinh doanh như một nhà cung cấp thiết bị và gặp rất nhiều khó khăn. Huawei phải vật lộn để giành thị phần và ông Nhậm đối mặt với “những lo lắng và trầm cảm nghiêm trọng trong những ngày đen tối nhất của công ty".
Nhà sáng lập Huawei yêu cầu nhân viên làm việc nhiều giờ và làm bất cứ điều gì cần thiết để đảm bảo công việc kinh doanh. Không thể cạnh tranh ở các thành phố lớn, Huawei ban đầu tập trung vào các thị trấn và làng mạc nhỏ của Trung Quốc. Trong thời gian đó, ông Nhậm đã đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy Huawei tạo ra công nghệ của riêng mình để có thể cạnh tranh với các đối thủ lớn hơn.
Công việc đặt trước gia đình
Nhậm Chính Phi dành nhiều thời gian cho công việc, vì vậy ông có rất ít thời gian để xây dựng mối quan hệ bền chặt với 3 con của mình.
Tỷ phú này cho biết, trong thời gian ở quân đội, mỗi năm ông chỉ dành một tháng cho gia đình của mình. Sau khi thành lập Huawei, "Tôi đã phải đấu tranh cho sự tồn tại của công ty này và dành 16 giờ mỗi ngày trong văn phòng", ông nói.
Bất chấp thời gian ở bên cha hạn chế, 2 người con của Nhậm Chính Phi đã chọn làm việc cùng ông tại Huawei. Con gái lớn của ông, Mạnh Vãn Chu, đã làm việc tại công ty nhiều năm, thăng tiến qua các cấp bậc để trở thành giám đốc tài chính. Bà bị bắt tại sân bay ở thành phố Vancouver, Canada, theo yêu cầu dẫn độ từ Mỹ vào tháng 12/2018. Mạnh Vãn Chu bị cáo buộc lừa dối ngân hàng HSBC và gian lận chuyển tiền, cố gắng che giấu hành vi vi phạm lệnh trừng phạt Iran của Mỹ thông qua công ty Hong Kong Skycom, được cho là chi nhánh của Huawei.
Hôm 25/9 vừa qua, bà Mạnh về nước sau khi được tòa án Canada trả tự do theo một thỏa thuận với các công tố viên Mỹ.
|
Bà Mạnh Vãn Chu, CFO Huawei. Ảnh:AFP |
Nhà sáng lập Huawei từng chia sẻ rằng, khi Mạnh Vãn Chu còn nhỏ, ông không thân thiết với con gái vì đang phục vụ trong quân đội. Bên cạnh đó, dù bà Mạnh là một trong những giám đốc cấp cao của Huawei, ông Nhậm không trực tiếp làm việc với con gái. Do đó, 2 người thậm chí còn không có mối quan hệ gắn kết trong công việc.
Nhậm Chính Phi còn có con trai Nhậm Bình cũng làm việc cho Huawei và cô con gái Diêu An Na tốt nghiệp Đại học Harvard. Ông Nhậm cho biết ông không có mối quan hệ thân thiết nào với cả 3 người con. Ông nhớ lại trong một lần hỏi họ rằng có muốn ông dành nhiều thời gian hơn cho gia đình hay tập trung làm việc để “xây dựng một nền tảng mà họ có thể phát triển”. Và cả 3 người con đều chọn vế thứ hai.
Huawei mất 30 tỷ USD doanh thu mỗi năm vì lệnh cấm của Mỹ
Theo SCMP, doanh thu của Huawei trong nửa đầu năm 2021 đạt 320 tỷ nhân dân tệ (49,5 tỷ USD), giảm 29,4% so với năm trước. Trong đó mảng kinh doanh tiêu dùng, chủ yếu là smartphone giảm gần một nửa, từ mức 255,8 xuống còn 135,7 tỷ nhân dân tệ.
Tại họp báo hôm 24/9, Eric Xu Zhijun - Chủ tịch luân phiên Huawei - cho biết công ty thiệt hại ít nhất 30 tỷ USD doanh thu hàng năm do lệnh cấm của Mỹ. Tuy nhiên, công ty này đang "học cách sống chung" với điều đó.
"Chúng tôi đã cố gắng làm quen với các lệnh trừng phạt của Mỹ kể từ tháng 5/2019. Cho dù các lệnh trừng phạt có leo thang hay không, chúng tôi cũng đã quen với chuyện sống và làm việc với Danh sách thực thể", Eric Xu nói.
"Danh sách thực thể" gồm hàng trăm công ty của Trung Quốc, Nga, Ukraine, Iran... bị hạn chế trong việc làm ăn với các công ty của Mỹ. Huawei nằm trong danh sách này từ tháng 5/2019.
Trước đó, ông Nhậm Chính Phi cho biết Huawei đang ráo riết tuyển dụng nhân tài toàn cầu nhằm quay lại vị thế dẫn đầu thị trường di động.
"Huawei đang ở trong giai đoạn chiến lược quan trọng để tồn tại và phát triển, vì vậy, chúng ta phải có đủ tài năng cần thiết để làm điều đó", ông Nhậm nói trong một cuộc họp nội bộ cuối tháng 8. "Chúng ta phải tuyển dụng người tài năng hơn mình. Các gói lương thưởng cũng phù hợp và cao hơn mặt bằng chung, như vậy mới có thể chọn được những tài năng tốt nhất".
Người đứng đầu Huawei khẳng định dù bị Mỹ cấm vận vào năm 2019, công ty chưa bao giờ thay đổi chính sách về lương thưởng cho nhân viên. Theo báo cáo thường niên năm 2020, hãng hiện có 197.000 nhân viên trên toàn thế giới.