Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho gia đình cố Giáo sư, Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng, nguyên Bí thư Đảng đoàn, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho Giáo sư Hoàng Chương, Viện trưởng Viện nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc, trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA).
Cố Giáo sư, Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng là một nhà nông nghiệp xuất sắc của Việt Nam, nhà di truyền học lớn của nước ta và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Ông Nguyên là Ủy viên BCH Trung ương Đảng các khóa V, VI, VII, VIII, đại biểu Quốc hội các khóa VIII, XI, XII, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam khóa VI và V, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Việt Nam.
|
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho gia đình cố Giáo sư, Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng và Giáo sư Hoàng Chương. |
Giáo sư Trương Hoàng Chương là Viện trưởng Viện nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Từ năm 2000 đến nay, ông được Viện Hàn lâm Sân khấu – Điện ảnh Rumani phong tặng hàm giáo sư danh dự.
Giáo sư Hoàng Chương đã không ngừng phấn đấu, nỗ lực học tập, giữ những vị trí công tác quan trọng như đạo diễn trưởng của Nhà hát Tuồng Liên khu 5, Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Trung ương, Viện trưởng Viện nghiên cứu Sân khấu Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Rumani.
Ông cũng là người sáng lập ra Trung tâm Bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc, nay là Viện nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc, thuyết phục tập hợp vào đội ngũ của Viện đông đảo các nhà văn hóa, khoa học, văn nghệ sĩ hàng đầu trong và ngoài nước tham gia.
Chủ tịch nước cũng trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho TS. Phan Tùng Mậu, nguyên Phó Bí thư Đảng đoàn, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra; TSKH. Nghiêm Vũ Khải, nguyên Uỷ viên Đảng đoàn, nguyên Phó Chủ tịch và TS. Phạm Văn Tân, nguyên Uỷ viên Đảng đoàn, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký.
|
Chủ tịch nước cũng đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho Tiến sỹ Phan Tùng Mậu; Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải và Tiến sỹ Phạm Văn Tân. |
TS. Phan Tùng Mậu sinh năm 1951 tại Quảng Bình. Ông tốt ngiệp đại học tại trường Đại học Kinh tế Kế hoạch Hà Nội (nay là trường Kinh tế Quốc dân Hà Nội) và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Kinh tế Quốc dân Kiep (Liên xô cũ).
TS. Phan Tùng Mậu từng giữ nhiều vị trí quan trọng như Trưởng ban Đại tại Viện nghiên cứu Phát triển giáo dục, Phó Vụ trưởng Vụ KH, CN&MT Ban Tuyên giáo TW... Tháng 6/2012, ông giữ chức Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban kiểu tra (UBKT) LHH Việt Nam. Đồng thời là người trực tiếp triển khai thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW. Một trong vấn đề quan trọng được Chỉ thị nhấn mạnh là: Xây dựng VUSTA thành một tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức KH&CN, có hệ thống từ Trung ương đến tỉnh thành phố Trung ương trở thành một tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh. Đến nay tổ chức liên hiệp hội được thành lập ở cả 63 tỉnh thành phố trong cả nước và đang hoạt động ổn định; số lượng thành viên của LHH Việt Nam tăng lên đến 152 thành viên, tập hợp được trên 3,8 triệu hội viên, trong đó có trên 2,2 triệu hội viên là trí thức KH&CN.
Được phân công phụ trách mảng truyền thông, phổ biến kiến thức và tư vấn, phản biện - giám định xã hội, TS. Phan Tùng Mậu đã có nhiều đóng góp lớn. Dưới sự chỉ đạo của ông, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của LHH Việt Nam trong những năm qua đã trở thành một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và đạt nhiều kết quả khả quan.
TS. Phan Tùng Mậu cũng có nhiều đóng góp và để lại những dấu ấn trong các hoạt động của UBKT của LHH Việt Nam. Trong thời gian qua UBKT và các hội thành viên có chuyển biến rất tích cực, từng bước đi vào chiều sâu.
TSKH. Nghiêm Vũ Khải sinh năm 1953, tại Thái Bình. Ông tốt nghiệp kỹ sư loại xuất sắc tại Đại học Quốc gia Baku (Cộng hòa Azerbaijan, Liên Xô cũ); và làm nghiên cứu sinh tại Nhật Bản. Tại đây ông được phong học vị tiến sĩ khoa học.
Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Phó Vụ trưởng Vụ Đối ngoại Văn phòng Quốc hội (10/1994 -7/2002), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy viên Đoàn thư ký Kỳ họp Quốc hội (7/2007 - 7/2011), Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (8/2011 - 9/2013)...
Từ 2002 đến 2011, ông là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XI và XII, XIV. Năm 2015, TSKH. Nghiêm Vũ Khải về công tác tại VUSTA và giữ chức Phó Chủ tịch.
|
Chủ tịch nước chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. |
TSKH. Nghiêm Vũ Khải là người chủ trì thẩm tra các luật Luật Bảo vệ Môi trường 2005, Luật Hóa chất, Luật công nghệ cao, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Bưu chính, tham gia thẩm tra nhiều dự thảo luật và pháp lệnh khác…Ông cũng chủ trì giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu làng nghề, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, thủy điện vừa và nhỏ.
Ngoài ra, ông chủ trì biên soạn Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020; Chủ trì biên soạn dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ 2013…Đặc biệt, TSKH. Nghiêm Vũ Khải ghi dấu ấn khi chủ trì xây dựng sáng kiến xây dựng Luật hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp. Ông cũng là chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước về Hội nhập quốc tế về KH&CN; Chủ nhiệm chương trình quốc gia hội nhập khoa học và công nghệ 2014-2020; Chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước về Hoàn thiện hệ thống pháp luật về hội và tổ chức phi chính phủ đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam (đã bảo vệ thành công). Ông cũng chủ trì nhiều nhiệm vụ nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao vai trò của đội ngũ trí thức trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Với những đóng góp to lớn, TSKH. Nghiêm Vũ Khải được Thủ tướng Chính phủ trao bằng khen 2012, Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Nhất (2013)…
TS. Phạm Văn Tân, nguyên Uỷ viên Đảng đoàn, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VUSTA.
Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên… trước khi chuyển về nhận nhiệm vụ tại LHH Việt Nam từ tháng 8/2005 và giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký LHH Việt Nam.
Trong 15 năm tại LHH Việt Nam, TS. Phạm Văn Tân để lại rất nhiều dấu ấn. Ông chủ trì/tham gia chủ trì nhiều đề án quan trọng của LHH Việt Nam như: Đề án về củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của LHH Việt Nam; Đề án về tổ chức, bộ máy và hoạt động của LHH Việt Nam trong tình hình mới; Đề án về cơ chế, chính sách về tài chính đối với LHH Việt Nam…
Ông cũng có nhiều đóng góp vào việc phát triển hệ thống tổ chức của LHH Việt Nam: tất cả các địa phương đã thành lập liên hiệp hội; số các hội chuyên ngành toàn quốc đã tăng nhanh từ 56 hội lên 88 hội; số lượng các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc tăng hơn gấp hơn 5 lần từ gần 100 tổ chức (2005) lên trên 500 tổ chức (năm 2020).
Với vai trò Phó Bí thư (2005-2010), Bí thư Đảng bộ (2010-2020), ông cũng có nhiều đóng góp trong việc củng cố và phát triển Đảng bộ LHH Việt Nam từ một Đảng bộ cơ sở với hơn 30 chi bộ năm 2005 lên 57 chi bộ năm 2020 và Đảng bộ đã trở thành hạt nhân chính trị nòng cốt cùng với Đảng đoàn làm tốt công tác vận động trí thức khoa học và công nghệ.
Trong các hoạt động chuyên môn, ông cùng với Ban lãnh đạo LHH Việt Nam tổ chức chỉ đạo, và điều hành thực hiện tốt các nhiệm vụ như tham mưu, đề xuất cho Đảng, Nhà nước những vấn đề liên quan đến chủ trương, đường lối, chính sách; trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; phổ biến kiến thức KH&CN; đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào cuộc sống, tôn vinh trí thức, thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo của quần chúng nhân dân.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bản tin tài chính - Lễ ký kết giữa GFS và VUSTA