Mua cây 1 tỷ đồng, sau ba năm bán kie 15 tỷ đồng
Thời gian gần đây, các giao dịch mua - bán hoa lan đột biến gen khá sôi động, khi các nhà vườn ở Vĩnh Phúc, Ba Vì, Hưng Yên, Bình Phước,... liên tục chuyển nhượng lan Bảo Duy 5 cánh trắng, lan Hiển Oanh hay lan Bạch Tuyết, với giá trị từ vài trăm nghìn đồng đến 5 tỷ đồng/chậu cây.
Tuy nhiên, hiếm có thương vụ nào mà giá trị của một kie (mầm non mọc ra từ mắt ngủ trên thân cây lan) lên tới 15 tỷ đồng như "Huyền thoại bướm đại ngàn" vừa được sang tay cách đây 2 hôm, gây xôn xao trong cộng đồng người chơi lan đột biến.
Anh Trương Quốc Chính (chủ vườn lan tại Ba Vì, chủ nhân cây Bướm đại ngàn) cho biết, anh vừa quyết định chuyển nhượng cây lan quý trong vườn cho anh Nguyễn Tấn Sơn, một người chơi lan thân quen tại Bình Phước. Hiện tại, hai bên đã gần như hoàn tất các thủ tục chuyển tiền đặt cọc và thanh toán cho kei lan, với giá trị 15 tỷ đồng.
|
Kei của Huyền thoại bướm đại ngàn được chốt giá 15 tỷ đồng.
|
|
Hai bên đã gần như hoàn tất giao dịch chuyển nhượng cây lan quý. |
Anh Quốc Chính cho biết, trước khi về tay chủ nhân mới, "Huyền thoại bướm đại ngàn" là chậu lan được anh mua từ một người sưu tầm lan ở thành phố Sơn La hồi tháng 6/2017. Khi ấy, cây được lấy về từ vùng Thuận Châu, Sơn La và được đặt tên là "Bướm đại ngàn".
"Khi cây bắt đầu nở hoa thì bị ong cắn vào 1 bên cánh nên nhìn vào cánh hoa khá vẹo vọ. Với người không chơi lan thì nhìn vào thấy bông hoa rất xấu. Nhưng lúc đó, tôi thấy đó là sự độc đáo và nhìn thấy các tố chất của một giống hoa đột biến đó là đẹp và dị, cũng tin rằng tương lai sẽ có giống lan đẹp, có giá trị nên đã quyết định mua", anh Chính chia sẻ.
Theo anh Chính, ở thời điểm đó, các giao dịch hoa lan chỉ có giá vài trăm triệu đồng, với những chậu lan dài tới vài mét nên rất hiếm có những chậu tiền tỷ. Ban đầu, cây lan được chủ nhân ở Sơn La phát giá 1,5 tỷ đồng, trong khi chỉ dài 20cm.
"Lúc đó, tôi đã quyết định mua nó với mức giá thực sự là không tưởng. Khi thỏa thuận mua được "Bướm đại ngàn" với giá 1 tỷ đồng, túi tôi lúc đó chỉ còn 50 triệu đồng, số tiền chỉ đủ để đặt cọc lần thứ nhất để mua cây. Sau đó 3 ngày, tôi phải chuyển thêm 350 triệu đồng nữa để chắc chân mua hoa. Số tiền 600 triệu đồng còn lại sẽ phải chuyển đủ vào hôm chuyển nhượng cây lan.
Nếu không đủ 600 triệu đồng hôm đó, tôi sẽ phải mất cọc 400 triệu đồng. Lúc đó, tôi có đúng 1 tuần để chuẩn bị đủ số tiền 1 tỷ đồng mua cây. Vừa xoay xở được đủ tiền thì cũng nghĩ mình thật sự liều lĩnh", anh Chính kể lại.
Vào ngày giao dịch hồi tháng 6/2017, anh Chính cho biết, lần đầu tiên anh phát livestream trên Facebook (trực tiếp) chia sẻ về cây lan và nhận được lượng theo dõi rất lớn.
"Nhiều người nói là điên, là ảo, nhưng thực tế đó là giao dịch thật. Ngay hôm sau, khi về tới Hòa Bình, đã có người trả thêm cho tôi 200 triệu đồng, cũng có khách ở Sài Gòn trả tôi 1,4 tỷ đồng cho cây Bướm đại ngàn nhưng tôi từ chối", anh Chính nhớ lại.
Chi tiết đặc biệt của cây lan 15 tỷ đồng
Là giống lan đột biến đẹp và giá trị lớn trong mắt người chơi, nhưng Bướm đại ngàn không dễ "hốt bạc" như nhiều người vẫn tưởng. Theo anh Chính, cây mẹ khi được anh đưa về trồng từng bị bệnh giống như bệnh khô vằn ở lúa. Khi nhân giống, có lúc bị thối thân, hỏng dần thân, còn rất ít giống.
|
Bông lan đột biến từng bị ong châm vào cánh nên cánh hoa bị biến dạng.
|
"Ban đầu, kie Bướm đại ngàn mà tôi vừa bán cho anh Sơn tôi định vào năm sau khi cây nở hoa lại mới bán. Nhưng khi đưa lên trang cá nhân, tôi định giá kie này là 15 tỷ đồng để xem ở thời điểm này, cây có thực sự được giá như vậy không. Vừa đăng bán được vài phút thì anh Sơn vào chốt giá mua cây.
Hiện giờ, kie của hoa lan tiền tỷ khá phổ biến, nhưng từ những năm 2017 thì đây là 1 trong những cây lan được định giá cao, giống lan lại còn ít và hiếm vì thế những người biết đến nó từ xưa sẵn sàng chi mức "khủng" như vậy để sở hữu", anh Chính chia sẻ.