Thời gian gần đây, chương trình truyền hình "Anh trai vượt ngàn chông gai" thu hút sự quan tâm của nhiều khán giả khi quy tụ nhiều ngôi sao từ ca sĩ, diễn viên, đến cầu thủ bóng đá,…nổi tiếng.
Theo tìm hiểu, doanh nghiệp đứng ra tổ chức chương trình là CTCP Tập đoàn Yeah1 (Mã: YEG).
|
Chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai được Yeah1 mua bản quyền và sản xuất. |
Từng được coi như kỳ lân, đến oằn mình bán nhiều tài sản để tồn tại
CTCP Tập đoàn Yeah 1 do ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống thành lập vào tháng 9/2006, ngành nghề chính là truyền hình truyền thống gồm các kênh truyền hình như Yeah1tv, Yeah1Family, Imovietv hay SCTV2… với định hướng trở thành mạng truyền thông đứng đầu Đông Nam Á.
Đến năm 2015, hoạt động kinh doanh của Yeah1 phất lên khi bắt đầu cung cấp dịch vụ giải trí kết hợp quảng cáo thông qua bắt tay với YouTube.
Tháng 6/2018, Yeah1 đưa hơn 27,3 triệu cổ phiếu YEG niêm yết trên HOSE với giá 250.000 đồng/cp.
Thời điểm đó,cổ đông lớn DFJ VinaCapital nhận định: “ Yeah1 đứng trên vai của những người khổng lồ như Google, Youtube và Facebook - những nền tảng có hàng tỷ người dùng, nhưng tạo ra hệ sinh thái riêng của mình và rất có thể Yeah1 sẽ là mảnh ghép hoàn hảo giúp giới thiệu Việt Nam ra thế giới".
Năm 2018, đại diện Tập đoàn cho biết: "Trong trung hạn 5 năm qua, Yeah1 liên tục có những bước phát triển gần như gấp đôi sau mỗi năm”.
Năm 2018 cũng là năm Yeah1 đạt đỉnh doanh thu với 1.684 tỷ đồng, lãi sau thuế 141 tỷ đồng, lần lượt tăng 97% và 72% so với năm liền trước. Trong đó, mảng quảng cáo trở thành trụ cột chính trong tổng doanh thu của tập đoàn với tỷ trọng 50% - 83% mỗi năm.
|
Kết quả kinh doanh của Yeah1. |
Song, chưa đầy một năm sau khi niêm yết, Yeah1 bất ngờ đối diện với vụ kiện với YouTube, điều này đẩy doanh nghiệp phải vùng vẫy trong cơn khủng hoảng.
Câu chuyện bắt đầu khi Yeah1 bị cáo buộc dung túng các kênh YouTube “không phù hợp” để kiếm tiền và vi phạm các tiêu chuẩn công đồng của kênh này. Tháng 3/2019, YouTube chính thức ngừng hợp tác với Yeah1 và sự kiện này đã khởi đầu cho bước trượt dài của đơn vị truyền thông nói trên.
Năm 2019, lỗ sau thuế của Yeah1 lên tới 383 tỷ đồng (chủ yếu do dự phòng khoản phải thu khó đòi), đã xóa bỏ mọi cố gắng từ trước, khiến số lỗ lũy kế của năm đó hơn 305 tỷ đồng. Tổng tài sản bốc hơi khoảng 400 tỷ về 1.515 tỷ đồng.
Sự kiện trên đã khiến cho vị Chủ tịch kiêm founder phải thốt lên: “Năm 2019 Yeah1 kỳ vọng rất nhiều nhưng không thể đỡ nổi cú sốc với YouTube”. Đồng thời, giá cổ phiếu cũng lao dốc từ trên 300.000 đồng/cp của năm 2019 về dưới mệnh giá (10.000 đồng/cp) như hiện tại.
Khó khăn nối tiếp khó khăn, Yeah1 đành phải có chiến lược tái cấu trúc để duy trì, trong đó bao gồm bán đứt 6 công ty thành viên với số tiền thu về 370 tỷ đồng. Nhờ đó mà năm 2021 công ty đã thoát lỗ, đồng nghĩa với việc không bị rời sàn. Theo lãnh đạo tập đoàn chia sẻ trong ĐHĐCĐ thường niên, “chúng tôi quyết định đau lòng khi phải bán một số tài sản có tính thanh khoản cao để tồn tại”.
Trong quá trình hồi phục, Yeah1 dễ bị chậm chân so với các đối thủ truyền hình lớn của nhà nước như VTV hay HTV vốn có thị phần lớn cùng nguồn vốn dồi dào.
Khủng hoảng này cũng khiến Yeah1 gặp phải biến động cổ đông lớn. Trong đó, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát đã giảm tỷ lệ sở hữu từ 14% xuống còn 0,8%. DFJ VinaCapital Venture Investment Ltd - cổ đông lớn gắn bó với Yeah1 hơn một thập kỷ - cũng dứt áo ra đi.
Đặc biệt, vị founder Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đã bán sạch cổ phiếu YEG trong tháng 6/2022, đồng thời chuyển giao vị trí Chủ tịch HĐQT cho người khác.
“Chiến lược của Yeah1 hiện nay là phải đi chậm, đi chắc trong giai đoạn 2022 - 2023 để hưởng thành công sắp tới. Còn cái gì đóng góp được cho Yeah1 tôi sẽ làm”, cha đẻ của Yeah1 chia sẻ.
Yeah1 và bước chuyển mình
|
Đội ngũ nhân sự của Yeah1. |
Sang năm 2023, Yeah1 công bố chiến lược dồn lực cho mảng truyền hình khi công ty nhận thấy thị hiếu của khán giả Việt Nam vẫn không ngừng tìm kiếm những nội dung cao cấp hay như các show truyền hình thực tế, các bộ phim truyền hình chất lượng cao.
Công ty Yeah1 đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng đội ngũ sáng tạo nội dung, sản xuất chương trình tài năng, song song việc tìm kiếm và hợp tác với các đối tác lớn nước ngoài về bản quyền nội dung.
Thành quả cho thấy chương trình được đầu tư kĩ lưỡng đã được Yeah1 cho ra mắt và thu hút được nhiều quan tâm của khán giả là show "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng". Và gần đây nhất, như đã đề cập ở trên, là show truyền hình "Anh trai vượt ngàn chông gai".
Để có nguồn lực để thực hiện các dự án lớn, Yeah1 đã chào bán riêng lẻ 45 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp trong tháng 9/2023. Số cổ phần chào bán riêng lẻ này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.
Danh sách nhà đầu tư tham gia đợt mua gồm 15 cá nhân. Trong đó, đáng chú ý, ông Đào Phúc Trí, Tổng Giám đốc đã mua 3,5 triệu cổ phiếu YEG; Chủ tịch Lê Phương Thảo đã mua 4,2 triệu cổ phiếu; ông Chế Đoàn Viên mua 3,7 triệu cổ phiếu; bà Nguyễn Thị Khánh Hoà mua 3,7 triệu cổ phiếu...
Còn trong năm nay, công ty đã công bố kế hoạch huy động nguồn lực để mở rộng bằng việc phát hành 54,8 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 40% (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu có quyền mua thêm 4 cổ phiếu mới). Vốn điều lệ dự kiến tăng từ 1.370 tỷ lên 1.918 tỷ đồng.
Nguồn tiền mới dùng để nâng cao năng lực vốn, thực hiện các kế hoạch góp vốn/hợp tác thành lập các mảng kinh doanh mới, M&A, cơ cấu nợ và bổ sung vốn lưu động.
Trong ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, đại diện Yeah1 cho biết 2024 là năm cần đầu tư nền tảng vào các nguồn lực để tiếp tục là tập đoàn truyền thông quảng hàng đầu hiện nay, bởi các đối thủ hiện nay không có đầu tư nền tảng.
Chủ tịch Yeah1 khẳng định để ngành giải trí truyền thông lên tầm cao mới thì việc đầu tư nền tảng như con người, hạ tầng, công nghệ... là rất quan trọng và sẽ mang lại kết quả trong thời gian tới. Tỷ suất lợi nhuận sẽ cải thiện trong các năm tiếp theo khi các khoản đầu tư mang lại hiệu quả.