Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa ra kết luận điều tra, đề nghị truy tố 13 bị can trong vụ án "Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", xảy ra tại Sở Y tế Bắc Ninh, CTCP Tiến bộ quốc tế (Công ty AIC) và CTCP Công nghệ và Truyền thông Sông Hồng (Công ty Sông Hồng) và các đơn vị liên quan.
Theo kết luận điều tra, ông Đặng Tuấn Phong, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng CTCP Sông Hồng (đã mất năm 2021) và Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn (đang bỏ trốn) đã đề xuất với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh về việc sẽ can thiệp các bộ, ngành để bố trí nguồn vốn cho các dự án ở Bắc Ninh, đổi lại được trúng các gói thầu thiết bị y tế tại 6 bệnh viện đa khoa huyện gồm: Gia Bình, Thuận Thành, Lương Tài, Quế Võ, Tiên Du, Yên Phong.
Đồng thời, để "tránh va chạm" các bị can trong vụ án tạo điều kiện phân chia các gói thầu cho 2 doanh nghiệp để trúng các gói thầu trái quy định, gây thiệt hại cho ngân sách hơn 48 tỷ đồng.
Nhờ người thân, cấp dưới đứng tên làm giám đốc
Bằng chiêu trò bố trí "quân xanh" dự thầu, nhóm công ty của ông Đặng Tuấn Phong gồm: CTCP Công nghệ Quốc gia, CTCP Công nghệ và Truyền thông Sông Hồng, liên danh Công ty Intop & Công ty Bông Sen Vàng trúng 3 gói thầu mua sắm thiết bị y tế tại các bệnh viện đa khoa huyện Tiên Du, Yên Phong, Quế Võ.
Cơ quan CSĐT xác định, sau khi thống nhất với Trần Văn Tuynh, cựu Giám đốc Ban Quản lý Dự án công trình xây dựng y tế thuộc Sở Y tế Bắc Ninh về phương án "sẽ thực hiện 3 gói và chia lại cho AIC thực hiện 3 gói", ông Đặng Tuấn Phong giao cho bị can Lã Tuấn Hưng, khi đó là Phó tổng giám đốc Tổng CTCP Sông Hồng làm việc với Tuynh và các nhân viên Ban QLDA.
Theo đó, trước khi tổ chức đấu thầu, Tuynh giao Nguyễn Đằng An, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của Ban QLDA chuyển danh mục cấu hình thiết bị, đơn giá thiết bị có trong hồ sơ mời thầu cho Lã Tuấn Hưng để Hưng có thông tin liên hệ với các nhà cung cấp, đề nghị được cấp giấy ủy quyền phân phối cho các gói thầu và đưa vào hồ sơ dự thầu theo đúng danh mục do An chuyển, đảm bảo đạt các tiêu chí cho nhóm công ty của Hưng trúng thầu.
Ngoài ra, để tránh việc bị phát hiện một công ty trúng nhiều gói thầu cùng một thời điểm, Tuynh và Hưng thống nhất phương án là Hưng sẽ sử dụng các pháp nhân công ty khác nhau tham gia đấu thầu, đảm bảo kết quả trúng thầu về hình thức là khách quan, nhiều công ty khác nhau tham gia và trúng thầu nhưng thực tế đều là các công ty của Hưng.
Do đó, sau khi Ban QLDA đăng tải thông báo và phát hành hồ sơ mời thầu, Hưng đã chỉ đạo các cá nhân là người thân quen và nhân viên cấp dưới, được Hưng nhờ đứng tên làm Giám đốc nhưng thực tế Hưng là người chỉ đạo, điều hành toàn bộ hoạt động của các công ty, gồm: Ông Lã Mạnh Hùng, Giám đốc CTCP Công nghệ Quốc gia; bà Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc CTCP Công nghệ và Truyền thông Sông Hồng; bà Nguyễn Hồng Phượng, Giám đốc Công ty Intop; bà Trần Thị Hoàng Ninh, Giám đốc Công ty Bông Sen Vàng để thực hiện mua hồ sơ mời thầu, hoàn thiện và nộp hồ sơ dự thầu.
Cụ thể, Hưng chỉ đạo CTCP Công nghệ Quốc gia tham gia đấu thầu gói thầu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quế Võ; liên danh Công ty Intop - Công ty Bông Sen Vàng tham gia đấu thầu gói thầu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tiên Du; CTCP Công nghệ và Truyền thông Sông Hồng tham gia đấu thầu gói thầu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Phong.
Để đảm bảo trúng thầu và có đủ thành phần các công ty dự thầu, Hưng liên hệ với một số công ty có mối quan hệ quen biết từ trước, gồm: Công ty TNHH Thiết bị y tế Nhật Nam, CTCP Vật tư và thiết bị khoa học kỹ thuật Vạn Xuân; Công ty TNHH Thiết bị y tế Danh; CTCP Việt Long để chuyển thông tin hồ sơ mời thầu, danh mục, cấu hình thiết bị, đơn giá thiết bị của các gói thầu và nhờ tham gia làm "quân xanh" cho đủ thành phần và sẽ bị loại khi chấm thầu.
Ngoài ra, quá trình tổ chức đấu thầu còn có các công ty: Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Tùng Bách, CTCP Thiết bị SISC Việt Nam; CTCP Xuất nhập khẩu thiết bị và hóa chất Việt Nam; Công ty TNHH Phát triển công nghệ số Hà Nội cùng tham gia đấu thầu các gói thầu nhưng không quen và liên quan với nhóm công ty của Hưng. Các công ty này bị loại khi chấm thầu do không đạt các yêu cầu về hồ sơ kỹ thuật.
Kết quả đấu thầu, các công ty của Hưng đã trúng 3 gói tại 3 bệnh viện đa khoa huyện: Quế Võ, Yên Phong, Tiên Du với tổng trị giá 126,292 tỷ đồng.
Dùng nhiều công ty khác đấu thầu, để đảm bảo khách quan
Sau đó, cùng với phương thức tương tự, nhóm của bà Nhàn cũng bố trí "quân xanh" dự thầu để tạo điều kiện cho Công ty AIC và CTCP Mopha trúng 3 gói thầu mua sắm thiết bị y tế tại các bệnh viện đa khoa huyện: Gia Bình, Thuận Thành và Lương Tài.
Cơ quan CSĐT xác định, do đã quen biết, làm việc từ trước với Phạm Thị Minh Tâm, Trưởng Ban 4 và Nguyễn Viết Toản, nhân viên thị trường Công ty AIC nên bị can Trần Văn Tuynh biết Công ty AIC là của Nguyễn Thị Thanh Nhàn, người có nhiều mối quan hệ với các lãnh đạo cấp trên, có khả năng tác động xin được nguồn vốn Trung ương và của tỉnh để thực hiện các dự án.
Đến năm 2014, Nguyễn Hồng Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty AIC, Trưởng Ban 3 là người thay cho Tâm phụ trách địa bàn tỉnh Bắc Ninh cùng với Toản tiếp tục phối hợp với Tuynh và Ban QLDA để thực hiện tiếp các dự án về xử lý rác thải, nước thải tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh mà Công ty AIC đã trúng thầu.
Vào khoảng tháng 7/2015, trước khi Ban QLDA thực hiện các thủ tục lập hồ sơ mời thầu để tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, Sơn đến gặp Tuynh ở phòng làm việc tại Sở Y tế và đặt vấn đề "Chị Nhàn bảo em sang nói với anh cho AIC tham gia 3 gói thầu thiết bị y tế tuyến huyện".
Do đã trao đổi, thỏa thuận từ trước với Nhàn nên Tuynh đồng ý theo đề nghị của Sơn và bảo Sơn liên hệ, trao đối với Nguyễn Đằng An để thống nhất các bước tiến hành giúp Công ty AIC và các công ty trong hệ sinh thái trúng thầu 3 gói thầu thiết bị y tế thuộc các huyện Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài.
Thực hiện chỉ đạo của Tuynh, An đã đưa cho Sơn, Toản và Nguyễn Đăng Linh, nhân viên Công ty AIC phụ trách địa bàn tỉnh Bắc Ninh xem trước danh mục, cấu hình kỹ thuật các thiết bị y tế dự kiến mua sắm, tổng mức đầu tư dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để Sơn làm việc với các đơn vị tư vấn thẩm định giá, liên hệ với các đơn vị cung cấp hàng hoá đầu vào để chuẩn bị hàng hoá, giá bán, tính toán lợi nhuận cho Công ty AIC khi tham gia 3 gói thầu trên.
Để hoàn tất các thủ tục đấu thầu, An giới thiệu và được Tuynh đồng ý cho Công ty BTCVALUE là công ty đã có mối quan hệ quen biết với An thực hiện thẩm định giá thiết bị tại 3 gói thầu để Sở Tài chính phê duyệt dự toán làm căn cứ cho Sở KH&ĐT thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu.
An giao Nguyễn Kim Huân, Phó phòng Kế hoạch trực tiếp phối hợp với Sơn, Toản, Linh phía Công ty AIC thực hiện các thủ tục thẩm định giá. Huân liên hệ với Nguyễn Thị Cẩm Tiên, nhân viên kinh doanh Công ty BTCVALUE để phối hợp, hoàn tất thủ tục thẩm định giá cho 3 gói thầu.
Tiên báo cáo lại Đặng Xuân Minh, Tổng Giám đốc Công ty BTCVALUE và được Minh yêu cầu liên hệ xin 3 báo giá của 3 đơn vị khác nhau để hợp thức thủ tục trong hồ sơ thẩm định giá.
Trên cơ sở đó, Tiên đã trao đổi với Huân để Huân báo cáo An nội dung này và được An chỉ đạo Toản, Linh là cán bộ của Công ty AIC chuẩn bị 3 báo giá của 3 đơn vị khác nhau để chuyển cho Công ty BTCVALUE, đảm bảo kết quả thẩm định giá đáp ứng mức giá theo danh mục, dự toán mà An, Huân đã chuyển cho Toản, Linh trước đó.
Toản, Linh báo cáo lại với Sơn để Sơn chỉ đạo các nhân viên Ban 3 Công ty AIC lập báo giá của các công ty trong hệ sinh thái: CTCP Tư vấn Công nghệ cao, CTCP Tư vấn và Giải pháp môi trường, CTCP Uy tín Toàn Cầu để Toản, Linh cung cấp cho phía An, Huân rồi chuyển lại cho Công ty BTCVALUE nhằm hợp thức hóa hồ sơ thẩm định giá, bảo vệ đơn giá theo danh mục đã được chủ đầu tư phê duyệt từ trước.
Sau khi nhận được đủ 3 báo giá trên, Tiên dự thảo chứng thư thẩm định giá gửi cho An, Huân để xem trước và rà soát, đối chiếu danh mục cũng như giá trị của các trang thiết bị đảm bảo theo danh mục, dự toán Công ty AIC và Ban QLDA đã thống nhất từ trước.
Sau khi được An và Huân thống nhất, Tiên báo cáo lại cho Minh về giá ký, phát hành chứng thư thẩm định giá chính thức để Ban QLDA làm căn cứ trình các Sở, ngành, UBND tỉnh phê duyệt dự toán các gói thầu trên.
Mặc dù, quá trình thẩm định thực tế, Công ty BTCVALUE không trực tiếp khảo sát, xác minh thông tin để đảm bảo độ tin cậy, chính xác khi đưa vào báo cáo phân tích, đánh giá giá trị của thiết bị mà căn cứ vào 3 báo giá do chủ đầu tư cung cấp.
Trước khi tổ chức đấu thầu, Sơn chỉ đạo Toản gặp Tuynh để thông báo Công ty AIC sẽ tham gia và sử dụng các pháp nhân công ty khác để đấu thầu, trúng thầu, đảm bảo kết quả đấu thầu về hình thức là khách quan, thể hiện không chỉ có duy nhất Công ty AIC mà còn có Công ty khác là đơn vị trúng thầu.
Quá trình tổ chức đầu thầu, Công ty AIC được Nguyễn Đằng An giao liên hệ Báo Đấu thầu, nộp tiền giúp chủ đầu tư để đăng báo kế hoạch tổ chức đấu thầu 3 gói thầu trên. Quá trình thực hiện, Sơn cử nhân viên Công ty AIC (Nguyễn Văn Sơn nộp tiền đăng bảo 2 gói thầu số 06, 15 và Nguyễn Đăng Linh nộp tiền đăng báo gói thầu số 16) và cử Nguyễn Đăng Linh, Nguyễn Viết Toản, Nguyễn Tiến Thịnh, Vũ Tiến Đại, Nguyễn Văn Hà, Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Duy Hà đều là nhân viên của Công ty AIC thực hiện mua toàn bộ hồ sơ mời thầu, nộp hồ sơ dự thầu theo thủ tục cho Công ty AIC, Công ty Mopha và các "duân xanh" thuộc hệ sinh thái.
Kết quả đấu thầu, Công ty AIC và Công ty Mopha trúng 3 gói thầu với tổng giá trị 126,16 tỷ đồng.