Xuất hiện trên thị trường chứng khoán từ khá sớm, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (Mã: HAG), CTCP Quốc Cường Gia Lai (Mã: QCG) và CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Mã: DLG) là 3 doanh nghiệp lớn, hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: nông, lâm nghiệp, bất động sản, cơ sở hạ tầng, năng lượng… và đều bắt đầu hình thành từ phố núi Gia Lai.
Cả ba tập đoàn này đều có điểm chung là đều có một thời vàng son, giá cổ phiếu cũng liên tục tăng giúp các ông chủ thu về hàng nghìn tỷ đồng và đưa họ trở thành một trong những người giàu nhất sàn chứng khoán lúc bấy giờ.
Hoàng Anh Gia Lai
Thời đó, năm 2008, ông Đoàn Nguyên Đức (hay bầu Đức) - Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG) trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt với 6.159 tỷ đồng nhờ sự tăng giá của cổ phiếu HAG.
Tậu máy bay, lấn sân sang làm bóng đá, bầu Đức xuất hiện ngày càng dày đặc trên các mặt báo như là một hình mẫu về doanh nhân táo bạo, dám nghĩ dám làm.
Thế nhưng không lâu sau, cổ phiếu HAG rời từ vùng 40.000 đồng/cp để rồi chật vật ở mức thấp dưới mệnh giá (10.000 đồng/cp) trong khoảng thời gian dài, không chỉ do nhu cầu khách quan của thị trường mà vấn đề nội tại của doanh nghiệp cũng cho thấy nhiều vấn đề.
|
Diễn biến giá cổ phiếu HAG. |
Vấn đề của HAGL nằm ở việc mất cân đối cơ cấu nguồn vốn, khi nợ đi vay quá nhiều. Dù cuối năm 2016, doanh nghiệp đã tái cơ cấu khoản nợ và được lùi các khoản nợ và khoản lãi với các thời gian khác nhau từ 3, 5 đến 10 năm nhưng khối nợ mà HAGL đang phải ôm là rất lớn.
Tổng số nợ vay tài chính của công ty ở mức 7.816 tỷ đồng tại ngày 31/3/2024, trong đó, doanh nghiệp này vẫn còn khoản nợ trái phiếu 4.528 tỷ đồng tại BIDV và ACBS. Tính đến hết quý I/2024, HAGL vẫn lỗ lũy kế 1.452 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu chỉ còn 7.032 tỷ đồng.
Thời gian qua, công ty đã tích cực bán hàng loạt tài sản như khách sạn, bệnh viện, thương hiệu thịt heo Bapi,…để ưu tiên trả nợ, làm đẹp báo cáo tài chính.
HAGL cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp tái cơ cấu tài chính nhằm giảm mạnh hơn nữa số dư nợ phải trả ngân hàng, giảm chi phí lãi vay và duy trì dòng tiền ổn định cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn.
|
HAGL nợ nhiều nhất vào giai đoạn 2015 - 2016, sau đó công ty đã nỗ lực cơ cấu các khoản vay để cân đối lại báo cáo tài chính. |
Quốc Cường Gia Lai
Với CTCP Quốc Cường Gia Lai, khởi điểm từ một xưởng buôn gỗ, dưới sự lèo lái của bà Nguyễn Thị Như Loan, công ty như diều gặp gió, phất lên nhanh chóng khi rẽ hướng kinh doanh bất động sản.
Quốc Cường Gia Lai nhanh chóng trở thành một trong những đại gia bất động sản nổi tiếng, mang về lợi nhuận đáng kể cho bà Nguyễn Thị Như Loan cũng như cho gia đình bà.
Từ lĩnh vực bất động sản đang nổi bật, Quốc Cường Gia Lai đã nhanh chóng mở rộng hoạt động sang nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng. Các chi nhánh đáng chú ý trong lĩnh vực này bao gồm Quốc Cường Đà Nẵng, Nhà Quốc Cường, cùng với các dự án liên kết với thương hiệu nổi tiếng như Sài Gòn Xanh (hợp tác với BIDV) và Giai Việt (hợp tác với Hoàng Anh Gia Lai).
Công ty cũng chủ đầu tư cho các dự án thủy điện tiêu biểu tại Tây Nguyên và khai thác nguồn lợi từ nước.
Vào năm 2012, Quốc Cường Gia Lai đã xây dựng thành công 3 tổ máy thủy điện Iagrai với công suất lên đến 10,8 MW. Ngoài ra, doanh nghiệp còn mở rộng sang lĩnh vực trồng cao su tại Tây Nguyên, sở hữu hơn 4.000 ha cao su tại huyện Chư PRông và hơn 3000 ha tại Campuchia.
Trên thị trường chứng khoán, sau một thời gian dài chật vật dưới mệnh giá, cổ phiếu QCG có đợt dậy sóng tăng nóng vào năm 2017. Cổ phiếu từ vùng 3.000 đồng/cp đã tăng dựng đứng lên 26.000 đồng/cp, tức tăng hơn 7 lần, giúp QCG trở thành một trong những cổ phiếu có mức tăng giá cao nhất năm.
|
Diễn biến giá cổ phiếu QCG trồi sụt liên tục. |
Những năm trở lại đây, tình hình kinh doanh của Quốc Cường Gia Lai đi lùi rõ trong thấy. Vấn đề của công ty nằm ở chỗ, một số dự án đã bàn giao không đúng kế hoạch như dự án Marina và một số dự án do chuyển đổi công năng loại hình, thủ tục pháp lý quá chậm nên kế hoạch kinh doanh bị ảnh hưởng. Đồng thời việc chưa đủ điều kiện chuyển nhượng dự án Phước Kiển cho đối tác cũng ảnh hưởng tới kế hoạch tài chính của doanh nghiệp.
Đặc thù của hoạt động kinh doanh bất động sản có chu kỳ sản xuất dài trong khi 65% doanh thu thuần của Quốc Cường Gia Lai đến từ lĩnh vực này. Kết quả kinh doanh hàng năm đến từ các dự án giao nhà cho khách ghi nhận kết quả doanh thu và lợi nhuận. Năm 2018 công ty chỉ giao nhà cho khách tại 2 dự án Marina và Da Capella.
Năm 2023, Quốc Cường Gia Lai ghi nhận 432 tỷ đồng doanh thu, giảm 66% so với cùng kỳ 2022. Lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 3,2 tỷ đồng, tương đương 1/10 kết quả đạt được năm trước đó. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2023 âm gần 33 tỷ đồng trong khi năm 2022 cũng âm hơn 121 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/3/2024, tổng tài sản của tập đoàn bà Loan đạt mức 9.515 tỷ, trong đó lượng tiền mặt chỉ còn khoảng 29 tỷ đồng. Chủ yếu tài sản nằm ở giá trị hàng tồn kho với hơn 7.033 tỷ đồng.
Công ty đang ghi nhận hơn 5.161 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó 4.300 tỷ đồng nằm ở dư nợ vay ngắn hạn. Trong số này có 2.882 tỷ đồng là khoản tiền đã nhận của Sunny Island cho dự án Phước Kiển (Nhà Bè, TP HCM).
Gần đây nhất, bà Nguyễn Thị Như Loan, nhà sáng lập cũng là Tổng Giám đốc của Quốc Cường Gia Lai đã vướng vào vòng lao lý, khi bà được cho là có liên quan đến vụ án hình sự "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa và các đơn vị liên quan.
|
Bà Nguyễn Thị Như Loan - người gầy dựng nên Quốc Cường Gia Lai đã vướng vào vòng lao lý. |
Đức Long Gia Lai
Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Mã: DLG) hoạt động đa ngành, từng tập trung vào các ngành mũi nhọn như sản xuất, chế biến gỗ, đá granite, kinh doanh lưu trú, khoáng sản….
Sang năm 2015, tập đoàn chủ yếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, năng lượng tái tạo, sản xuất điện tử và thiết bị điện tử, bất động sản và thực hiện các đợt mua bán sáp nhập M&A.
Đến tháng 5/1015, với việc mua lại một công ty sản xuất linh kiện điện tử Ansen của Mỹ, mảng này đã trở thành mảng đóng góp chính cho doanh thu, là con gà đẻ trứng vàng của DLG khi mỗi năm mang về trên nghìn tỷ đồng.
|
Mảng linh kiện điện tử mang về hàng nghìn tỷ đồng cho DLG mỗi năm nhưng mới đây công ty đã ra quyết định bán đứt đi "con gà đẻ trứng vàng" này. |
Nhìn chung trong năm 2016 – 2020 là giai đoạn vàng son của DLG, khi doanh thu thuần đều duy trì trên 2.000 tỷ đồng, có năm 2018 đạt đỉnh 2.918 tỷ đồng. Từ năm 2021 trở đi, nguồn thu lao dốc liên tục, để đến cả năm 2023, công ty chỉ thu về hơn 1.122 tỷ đồng, tức bằng 1/3 thời kỷ đỉnh cao. Nguyên nhân chính do nguồn thu từ mảng bán linh kiện gặp khó khăn.
Dù là thu về hàng nghìn tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế của DLG chỉ vài chục tỷ, và cũng trồi sụt thất thường. Riêng hai năm 2022 và 2023, mức lỗ cao chót vót với lần lượt 1.197 tỷ và 578 tỷ đồng, điều này khiến lỗ lũy kế của doanh nghiệp đến cuối năm ngoái lên đến 2.664 tỷ đồng.
Còn trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu DLG còn không ngoi lên nổi mệnh giá trong suốt 10 năm qua. Hiện tại giá cổ phiếu còn chưa bằng một cốc trà đá.
|
Giá cổ phiếu DLG duy trì dưới mệnh giá trong thời gian dài. |
Câu chuyện của Đức Long Gia Lai lại tương tự như HAGL. Điều khiến DLG sa cơ lỡ vận là vấn đề nợ đầm đìa với số dư nợ trên 2.700 tỷ đồng.
Số nợ này ngoài việc để tài trợ cho hoạt động kinh doanh chính, công ty còn "hào phóng" cho các bên liên quan vay mà không có tài sản đảm bảo. Để rồi, công ty phải trích lập khoản dự phòng 1.925 tỷ đồng nợ phải thu ngắn hạn khó đòi.
Chật vật trong nhiều năm khiến DLG gặp không ít khó khăn, áp lực từ các chủ nợ. Tháng 9/2022, DLG bị ngân hàng VietinBank siết nợ khi thông báo xử lý khoản nợ có tài sản đảm bảo của DLG là khu đất tại TP Đà Nẵng.
DLG cũng hai lần bị chủ nợ là Lilama 45.3 yêu cầu mở thủ tục phá sản về khoản nợ gần 15 tỷ và lãi chậm thanh toán hơn 2 tỷ cho hợp đồng cung cấp, lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công công trình Thủy điện Đăk Pô Cô.
Áp lực phải cơ cấu lại tài chính buộc DLG phải bán nhiều công ty con để có tiền trả nợ. Mới đây nhất, DLG chọn bán sạch công ty Mass Noble – công ty đang tạo ra hơn 50% doanh thu cho DLG. Nếu thành công, kết quả doanh nghiệp sẽ được cải thiện, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp nhất thời khi công ty còn ôm khoản nợ xấu hàng nghìn tỷ đồng và được hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp.
Tập đoàn còn cho biết đang đánh giá khả năng trả nợ thực tế của các khoản cho vay ngắn/dài hạn với số tiền hơn 200 tỷ đồng, đồng thời làm việc với các đối tác khách hàng để bổ sung tài sản đảm bảo, tăng cường thu hồi nợ trong năm 2024 để cung cấp hồ sơ cho kiểm toán gỡ bỏ ý kiến ngoại trừ.
Lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định sẽ tái cấu trúc lại tình hình tài chính để giảm tối đa chi phí lãi vay, tăng cường thu hồi công nợ, cắt giảm chi phí nhằm mục tiêu giảm nợ vay ngân hàng và các tổ chức khác.
Mục tiêu đến hết năm 2025 cơ bản ổn định về sản xuất kinh doanh và lành mạnh hóa tài chính doanh nghiệp, trả dứt điểm các khoản nợ vay từ các tổ chức tín dụng trên 1.000 tỷ đồng, đồng thời có nguồn tiền tích lũy để phát triển dự án mới.
Với các vấn đề như trên, thật khó để trả lời cho câu hỏi: Làm thế nào để 3 đại gia này có thể giải quyết được triệt để vấn đề nội tại và đưa cổ phiếu trở lại thời kỳ giao dịch vàng son?