Ái nữ thay mẹ Nguyễn Thị Nga nắm quyền ở SeABank, ghi dấu ấn vượt qua đại dịch

Ngân hàng của ái nữ nhà bà Nguyễn Thị Nga ghi dấu ấn với thành tích vượt trội trong 6 tháng đầu năm, vượt qua ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhiều “ông lớn” cũng ghi nhận kết quả ấn tượng.
 

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) của TGĐ Lê Thu Thủy (con gái bà Nguyễn Thị Nga chủ tịch Tập đoàn BRG) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020 với lợi nhuận trước thuế tăng vọt 72% so với cùng kỳ lên 754 tỷ đồng bất chấp dịch bệnh Covid-19 xảy ra tác động đến hoạt động ngành ngân hàng.
Hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh tăng mạnh, trong đó cho vay khách hàng tăng 11,2% so với cùng kỳ lên trên 98 nghìn tỷ đồng.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của SeABank đã thông qua kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín dụng 13,6%; huy động khách hàng và giấy tờ có giá tăng 13,8%. Tổng tài sản tăng 12% lên 175.600 tỷ đồng và lãi trước thuế 1.506 tỷ đồng, tăng 8% so với thực hiện năm 2019.
Cuối 2019, SeABank cùng một số ngân hàng đã báo sạch nợ, hoàn thành xong việc mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu đặc biệt tại Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong bối cảnh hệ thống ngân hàng vốn vừa trải qua một thập kỷ tái cấu trúc đau đớn và đầy mất mát.
Ai nu thay me Nguyen Thi Nga nam quyen o SeABank, ghi dau an vuot qua dai dich
Bà Nguyễn Thị Nga, chủ tịch Tập đoàn BRG. 
“Ông lớn” ngân hàng Vietcombank cũng vừa báo lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt gần 11 nghìn tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả này cũng khá ấn tượng khi một loạt các ngân hàng, trong đó có các nhà băng lớn như Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV,... đã giảm mạnh lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Trước đó, nhiều dự báo cho rằng, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán sẽ giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch. Không ít doanh nghiệp báo lợi nhuận giảm sâu trong quý I. Tuy nhiên, những diễn biến trong quý II cho thấy, tình hình đã cải thiện hơn khá nhiều. Nhiều doanh nghiệp báo lãi tăng vọt.
Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí-CTCP (DPM) vừa công bố báo cáo tài chính quý II với lợi nhuận cao gấp 8 lần so với cùng kỳ lên 308 tỷ đồng nhờ giá khí nguyên vật liệu đầu vào giảm và sản lượng hàng bán tăng.
Lũy kế 6 tháng, DPM ghi nhận lợi nhuận sau thuế cao gấp 4,6 lần so với cùng kỳ lên 415 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, có những doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận giảm sâu do Covid-19 và những ảnh hưởng khác trên thị trường.
Doanh nghiệp đầu ngành taxi Vinasun báo lỗ chưa từng có, trên 110 tỷ đồng trong quý II. Doanh nghiệp này cắt giảm 1.165 nhân sự so với hồi đầu năm.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 22/7, chỉ số VN-Index quanh quanh ngưỡng 860 điểm.
Nhiều công ty chứng khoán có các dự báo tích cực hơn.
Theo BVSC, VN-Index dự báo sẽ tăng điểm trở lại với sự hỗ trợ từ vùng 850-860 điểm trong phiên kế tiếp. Tuy nhiên, BVSC cũng lưu ý rằng, nếu vùng hỗ trợ trên bị xuyên thủng (xác suất thấp) thì chỉ số nhiều khả năng sẽ giảm về vùng hỗ trợ mạnh 800-820 điểm trong ngắn hạn.
Trong giai đoạn tương đối thiếu vắng thông tin hỗ trợ như hiện tại, thị trường sẽ chịu sự chi phối chính bởi yếu tố thông tin kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp và hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư tham chiếu theo các bộ chỉ số như VN30, VNDiamond, VNFinlead,... Diễn biến của các cổ phiếu trong các rổ chỉ số trên dự kiến sẽ có sự sôi động hơn trong những tuần cuối tháng 7. Ngoài ra, ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nhiều khả năng sẽ khiến cho lợi nhuận của các công ty không được tích cực trong quý II, qua đó có thể tạo ra áp lực giảm điểm với các nhóm cổ phiếu trên thị trường.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/7, VN-Index tăng 0,29 điểm lên 861,69 điểm; HNX-Index tăng 0,37 điểm lên 116,09 điểm. Upcom-Index tăng 0,07 điểm lên 57,36 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 5,1 ngàn tỷ đồng.
Theo V. Hà/Vietnamnet

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN