Vì sao Triều Tiên nổi giận?

Khi pháo binh Triều Tiên "sẵn sàng khai hỏa" và hai tuyến đường nối liền với Hàn Quốc bị phá hủy, căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Seoul lại dâng cao. Những động thái quyết liệt này không chỉ là phản ứng tức thời mà còn là đỉnh điểm của một chuỗi mâu thuẫn trong vài năm gần đây.

Hình ảnh được cho là chụp UAV bay trên bầu trời Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA

Nguyên nhân trực tiếp

Căng thẳng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc gần đây bùng phát khi Bình Nhưỡng cáo buộc Seoul phát tán các tờ rơi chỉ trích nhà lãnh đạo Kim Jong Un bằng máy bay không người lái (UAV). 

Theo báo cáo từ phía Triều Tiên, các UAV đã xuất hiện ít nhất 3 lần kể từ đầu tháng 10, tại khu vực gần thủ đô Bình Nhưỡng. Hãng thông tấn Triều Tiên (KCNA) cho biết những tờ rơi này chứa "những tin đồn xuyên tạc và vô lý" và được coi là hành động vi phạm "chủ quyền thiêng liêng", có thể dẫn đến xung đột quân sự.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Triều Tiên nhấn mạnh hành động này đe dọa an ninh và là một sự khiêu khích nghiêm trọng. Triều Tiên cũng tuyên bố đã chuẩn bị sẵn sàng cho các biện pháp khai hỏa ở biên giới nhằm đáp trả việc UAV "xâm nhập".

Hàn Quốc chưa xác nhận việc phát tán tờ rơi này và không có nhóm hoạt động nào tại Hàn Quốc đứng ra nhận trách nhiệm.

Pháo binh Triều Tiên tập trận vào tháng 3/2024. Ảnh: KCNA

Việc phát tán tờ rơi bằng UAV là điều mới mẻ, nhưng không phải lần đầu tiên Triều Tiên và Hàn Quốc "đối đầu" bằng hình thức này. Trước đây, một số nhóm hoạt động tại Hàn Quốc, trong đó có những người đào tẩu từ Triều Tiên, thường sử dụng bóng bay để gửi tờ rơi, USB chứa phim Hàn Quốc, nhạc K-pop và thông điệp chỉ trích lãnh đạo Triều Tiên. Đáp lại, Triều Tiên cũng đã thả hàng nghìn quả bóng bay chứa giấy và rác thải sang phía Hàn Quốc trong vài tháng gần đây.

Vấn đề xâm phạm không phận cũng từng khiến quan hệ 2 miền Triều Tiên căng thẳng. Năm 2022, truyền thông Hàn Quốc đưa tin quân đội nước này đã điều động máy bay chiến đấu sau khi phát hiện 5 UAV được cho là từ Triều Tiên xâm nhập khu vực Seoul. Chiến đấu cơ Hàn Quốc không bắn hạ UAV nào trong số đó.

Triều Tiên "nắn gân" Mỹ?

Việc Triều Tiên có lời lẽ cứng rắn thời gian gần đây có thể là một phần trong chiến lược lớn hơn nhằm tác động đến tình hình chính trị quốc tế, đặc biệt là bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới. 

Theo Guardian, kể từ khi cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với cựu Tổng thống Donald Trump đổ vỡ vào năm 2019, Triều Tiên đã tăng cường thử nghiệm tên lửa, hạt nhân và sử dụng ngôn từ cứng rắn để duy trì sự hiện diện của nước này trên trường quốc tế.

Một số quan sát viên phương Tây nhận định, Bình Nhưỡng đang muốn gửi đi thông điệp rằng họ có thể gây bất ổn trên bán đảo Triều Tiên, như một phép thử đối với các ứng cử viên tổng thống Mỹ, đặc biệt là gây bất lợi cho đảng Dân chủ.

RBC Ukraine dẫn nhận định của nhà khoa học chính trị Volodymyr Fesenko cho rằng Triều Tiên có thể đang cố gắng kích động một cuộc xung đột nhỏ tại biên giới liên Triều nhằm làm nổi bật sự yếu kém trong chính sách của đảng Dân chủ Mỹ.

Sự thay đổi lớn trong thái độ của Hàn Quốc

Dưới thời Tổng thống Moon Jae-in (2017-2022), Hàn Quốc tập trung vào đối thoại và hợp tác liên Triều. Chính quyền của ông đã nỗ lực xây dựng cuộc gặp thượng đỉnh và thúc đẩy các dự án hợp tác với Triều Tiên nhằm giảm căng thẳng quân sự, mở ra triển vọng phi hạt nhân hóa. 

Hàn Quốc khi đó loại bỏ việc coi Triều Tiên là “kẻ thù” trong Sách Trắng Quốc phòng và duy trì chính sách hòa bình, với hy vọng Bình Nhưỡng sẽ phản hồi tích cực. Tuy nhiên, chính sách hòa giải này không đạt được kết quả như kỳ vọng khi Triều Tiên không có động thái giảm thiểu chương trình hạt nhân và tiếp tục thử nghiệm tên lửa.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol có xu hướng cứng rắn với Triều Tiên. Ảnh: Bloomberg

Khi Yoon Suk-yeol lên nắm quyền vào năm 2022, ông đã thực hiện một sự chuyển đổi lớn trong chính sách với Triều Tiên, từ bỏ hoàn toàn cách tiếp cận mềm mỏng của người tiền nhiệm. 

Theo NK News, ông Yoon khôi phục việc coi Triều Tiên là “kẻ thù” trong các tài liệu quốc phòng và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự răn đe mạnh mẽ. Ông tuyên bố Hàn Quốc chỉ xem xét hợp tác nếu Bình Nhưỡng thực hiện các bước tiến cụ thể hướng đến phi hạt nhân hóa.

Ngoài ra, ông Yoon còn tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ và Nhật Bản, đặc biệt trong các cuộc tập trận quân sự chung, để xây dựng một hệ thống phòng thủ mạnh mẽ hơn. Theo trang Korea Pro, chính sách của Tổng thống Hàn Quốc đương nhiệm hướng tới việc phản ứng cứng rắn với bất kỳ hành động nào của Triều Tiên mà Hàn Quốc xem là khiêu khích. Phản ứng này bao gồm cả khả năng tấn công phủ đầu​.

Theo NK News, sự thay đổi này không chỉ làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên mà còn khiến tình hình an ninh khu vực thêm phức tạp. Mặc dù chính sách của ông Yoon giúp củng cố liên minh với Mỹ và Nhật Bản, nhưng nó cũng tạo ra nguy cơ về một cuộc đua vũ trang, khi cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều không ngừng phát triển khả năng quân sự​.

Các diễn biến căng thẳng mới nhất

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, Triều Tiên đã đưa quân đội vào trạng thái báo động. Theo thông tin từ Bình Nhưỡng, các đơn vị pháo binh gần khu phi quân sự (DMZ) đã sẵn sàng tấn công bất cứ lúc nào nếu phát hiện mục tiêu Hàn Quốc "xâm nhập". Tám lữ đoàn pháo binh đã được điều động trong tình trạng chiến đấu toàn diện kể từ tối 13/10.

Theo Yonhap News, ngày 15/10, Triều Tiên đã cho nổ 2 tuyến đường bộ Gyeongui và Donghae nối với Hàn Quốc. Quân đội Hàn Quốc không bị thiệt hại và đã bắn cảnh cáo về phía nam Đường Ranh giới Quân sự (MDL) để đáp trả. 

Hiện tại, Hàn Quốc đang theo dõi sát sao các hoạt động của Triều Tiên và duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Seoul cảnh báo, nếu Bình Nhưỡng gây nguy hiểm cho người dân Hàn Quốc, Seoul sẽ đáp trả quyết liệt.

Triều Tiên chưa đưa ra phản hồi về các vụ nổ 2 tuyến đường liên Triều cũng như cảnh báo từ phía Hàn Quốc.

Nguy cơ xung đột quy mô lớn?

Theo Guardian, mặc dù căng thẳng hiện tại đang gia tăng, nhưng các chuyên gia cho rằng khả năng xảy ra một cuộc xung đột quy mô lớn là rất thấp. Triều Tiên dường như đang thử thách giới hạn của cộng đồng quốc tế và đặc biệt là Trung Quốc, để hiểu rõ phản ứng của các nước đối với các hành động của nước này.

Nếu thực sự có nguy cơ xung đột quy mô lớn, truyền thông sẽ ghi nhận nhiều thông tin về sự tập trung quân sự lớn gần khu phi quân sự. Tuy nhiên, điều này chưa xảy ra. Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên có thể chỉ thực hiện một số hành động quân sự nhỏ lẻ như pháo kích ở các khu vực biên giới.

Ngoài ra, Nga và Trung Quốc có thể sẽ kiềm chế Bình Nhưỡng trong các động thái leo thang quân sự.

Tâm Hoa (tổng hợp)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN