Vì sao Hezbollah dọa tấn công quốc gia nhỏ bé ở châu Âu?

Theo giới chuyên gia, một khía cạnh mới của cuộc xung đột Israel - Hamas đã xuất hiện.

 Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah. Ảnh: Shutterstock

Trong bài phát biểu ngày 19/6, thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah đã nhắc đến Cộng hòa Síp, đe dọa tấn công nếu nước này hỗ trợ Israel đối đầu Hezbollah.

"Cộng hòa Síp cũng sẽ là một phần của cuộc xung đột nếu quốc gia này mở các sân bay và căn cứ cho quân đội Israel sử dụng", thủ lĩnh Hezbollah tuyên bố một ngày sau khi Israel cảnh báo viễn cảnh "xung đột toàn diện" với Hezbollah ở Lebanon "đang đến rất gần".

Phản ứng với tuyên bố của Hezbollah, Tổng thống Cộng hòa Síp Nikos Christodoulides phủ nhận có liên quan đến xung đột ở Gaza.

Trong khi các chuyên gia cho rằng xung đột toàn diện giữa Israel và Hezbollah khó xảy ra thì việc Cộng hòa Síp được nhắc tới sẽ tạo ra khía cạnh mới cho cuộc xung đột Israel - Hamas. Nguy cơ một quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) bị lôi kéo vào cuộc xung đột lan rộng ở Trung Đông đã rất rõ ràng, đồng thời mối quan hệ của Cộng hòa Síp và Israel cũng được chú ý hơn.

Vị trí quan trọng

Nằm trên đường đứt gãy địa chính trị giữa Trung Đông và Nam Âu, về mặt địa lý, đảo Síp nằm gần với các cuộc xung đột ở Trung Đông hơn các trung tâm quyền lực ở châu Âu.

Đảo được chia làm 2 phần. Phần phía nam nói tiếng Hy Lạp được gọi là Cộng hòa Síp (được hầu hết cộng đồng quốc tế công nhận chủ quyền). Phần phía bắc chủ yếu nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, gọi là Cộng hòa Bắc Síp Thổ Nhĩ Kỳ (tự xưng độc lập, tách khỏi Cộng hòa Síp và chỉ được Thổ Nhĩ Kỳ công nhận).

Năm 1974, với sự hậu thuẫn của Hy Lạp, người Síp gốc Hy Lạp tiến hành một cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Cộng hòa Síp, ông Makarios III.

Nhiều người Síp gốc Hy Lạp và các nhóm dân tộc cực đoan mong muốn sáp nhập Síp vào Hy Lạp. Ông Makarios III, dù là người Síp gốc Hy Lạp và từng ủng hộ việc sáp nhập, nhưng sau khi trở thành Tổng thống, ông chuyển sang ủng hộ một Cộng hòa Síp độc lập. Điều này gây ra sự bất mãn trong các nhóm cực đoan và chính quyền quân sự Hy Lạp.

Cuộc đảo chính năm 1974 bất thành. Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Bắc Síp với lý do bảo vệ người Síp gốc Thổ, ngăn Hy Lạp (đối thủ của Thổ Nhĩ Kỳ) sáp nhập Cộng hòa Síp.

Năm 1983, Cộng hòa Bắc Síp Thổ Nhĩ Kỳ đơn phương tuyên bố độc lập khỏi đảo Síp do người gốc Hy Lạp lãnh đạo.

Sự phân chia ở đảo Síp cho thấy sự đối địch giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. 

Cộng hòa Síp không thuộc NATO và là nơi sinh sống của khoảng 920.000 người.

Mối quan hệ của Cộng hòa Síp với Israel "thân" đến mức nào?

Mối quan hệ giữa Cộng hòa Síp và Israel bắt đầu vào năm 1960, sau khi đảo Síp giành độc lập từ tay thực dân Anh. Nhưng mãi tới năm 1994, Cộng hòa Síp mới mở đại sứ quán ở thành phố Tel Aviv của Israel.

Quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng trong thập niên 80 và 90 do nhiều yếu tố, bao gồm mối quan hệ thân thiết giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ và xung đột Ả Rập - Israel, trong đó Cộng hòa Síp đứng về phía các quốc gia Ả Rập cũng như ủng hộ nhà nước Palestine.

Mối quan hệ giữa 2 nước được khôi phục trở lại từ cuối thập niên 90 khi Israel bắt đầu chuyển sang phía đông Địa Trung Hải để hợp tác kinh tế, đặc biệt là sau khi khí đốt tự nhiên được phát hiện trong khu vực. Các chuyên gia cho biết, Israel cũng muốn hợp tác với Cộng hòa Síp để ngăn chặn các mối đe dọa trong khu vực, nhất là từ các nhóm có liên kết với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Những năm gần đây, Israel đã sử dụng lãnh thổ Cộng hòa Síp để huấn luyện quân đội về khả năng xảy ra xung đột toàn diện với Hezbollah. Theo truyền thông Israel, quân đội nước này nói rằng địa hình ở Cộng hòa Síp tương tự địa hình ở Lebanon, nơi Hezbollah kiểm soát nhiều khu vực.

Năm 2022, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã tham gia cuộc tập trận quân sự chung với quân đội Cộng hòa Síp. Cuộc tập trận gần nhất diễn ra vào tháng 5/2023.

Cộng hòa Síp liên quan gì đến cuộc xung đột ở Gaza?

Tổng thống Cộng hòa Síp Nikos Christodoulides. Ảnh: Armradio

Theo CNN, Cộng hòa Síp luôn bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng nước này có liên quan đến xung đột ở Gaza, đồng thời nhấn mạnh các nỗ lực nhân đạo của nước này.

"Cộng hòa Síp không phải là một phần gây ra vấn đề. Cộng hòa Síp là một phần của giải pháp giúp giải quyết vấn đề", Tổng thống Cộng hòa Síp khẳng định. "Vai trò của chúng tôi trong cuộc xung đột ở Gaza là các vấn đề nhân đạo và điều đó được cộng đồng quốc tế ghi nhận".

Hồi tháng 3/2024, Cộng hòa Síp cho phép các tàu viện trợ sử dụng các cảng của nước này để tạo nên tuyến đường viện trợ nhân đạo trên biển tới Gaza.

Một trung tâm hậu cần của EU cũng được thiết lập ở Cộng hòa Síp để tạo điều kiện thuận lợi cho dòng viện trợ đi vào Gaza.

Cộng hòa Síp đã chỉ trích một số hành động của Israel ở Gaza, đặc biệt là những hành động cản trở việc viện trợ nhân đạo. Quốc gia này cũng nhiều lần lên án Hamas vì vụ tấn công vào Israel ngày 7/10/2023 - sự kiện châm ngòi xung đột Israel - Hamas.

Tâm Hoa - CNN

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN