
Giáo hoàng Francis qua đời do đột quỵ và suy tim. Ảnh: Reuters.
Vatican ngày 21/4 công bố giấy chứng tử của Giáo hoàng Francis, trong đó bác sĩ Andrea Arcangeli – người phụ trách y tế của Vatican – cho biết nguyên nhân khiến Giáo hoàng qua đời là "đột quỵ não, hôn mê và suy sụp tuần hoàn tim không thể hồi phục".
Giáo hoàng Francis trút hơi thở cuối cùng vào lúc 7h35 sáng thứ Hai (05h35 GMT), trong căn hộ riêng tại nhà khách Santa Marta, Vatican – nơi ông sinh sống trong suốt 12 năm trị vì.
Chỉ một ngày trước khi qua đời, Giáo hoàng Francis vẫn xuất hiện lần cuối cùng trước công chúng khi di chuyển bằng xe mui trần quanh Quảng trường Thánh Phêrô để chúc phúc cho hàng ngàn tín hữu trong ngày lễ Phục sinh.
Giấy chứng tử cũng tiết lộ thêm rằng Giáo hoàng còn mắc các bệnh chưa từng được công khai trước đó, gồm tăng huyết áp động mạch, giãn phế quản nhiều ổ và tiểu đường tuýp 2.
Cùng ngày, Vatican cũng công bố bản di chúc của Giáo hoàng Francis, trong đó ông bày tỏ mong muốn được chôn cất tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả ở Rome – thay vì Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô như nhiều vị tiền nhiệm.
"Với cảm nhận rõ rệt về buổi hoàng hôn của cuộc đời trần thế, và với niềm hi vọng vững vàng vào sự sống vĩnh cửu, tôi muốn bày tỏ nguyện vọng cuối cùng liên quan đến nơi chôn cất của mình”, bản di chúc viết.
Ông mong được chôn "trong lòng đất, không trang trí đặc biệt", chỉ khắc tên bằng tiếng Latinh: Franciscus. "Nguyện xin Chúa ban phần thưởng xứng đáng cho những ai đã yêu thương tôi và tiếp tục cầu nguyện cho tôi”, ông viết trong di chúc.
Tối thứ Hai, Vatican tổ chức buổi cầu nguyện Mân côi tại Quảng trường Thánh Phêrô – nghi lễ tưởng niệm công khai đầu tiên kể từ khi Giáo hoàng qua đời. Đức Hồng y Mauro Gambetti, Tổng quản Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, chủ trì buổi lễ.
Vatican đã bước vào 9 ngày quốc tang, còn gọi là Novendiale. Thi hài Giáo hoàng sẽ được mặc phẩm phục giáo hoàng và quàn tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô để người dân vào viếng. Trong thời gian này, các nhà thờ Công giáo trên khắp thế giới sẽ tổ chức các buổi cầu nguyện và lễ an táng.
Tòa thánh cũng bước vào giai đoạn chuyển giao quyền lực được gọi là sede vacante (ghế trống giáo hoàng), trong đó mọi quyền điều hành được giao cho Hồng y đoàn nhưng không có quyết sách lớn nào được đưa ra cho đến khi có giáo hoàng mới.
Dự kiến trong khoảng 15 đến 20 ngày tới, các hồng y dưới 80 tuổi sẽ hội họp tại Nhà nguyện Sistine ở Vatican để bầu chọn tân giáo hoàng theo hình thức bỏ phiếu kín. Nhà nguyện sẽ được phong tỏa hoàn toàn trong suốt thời gian diễn ra mật nghị.
Tín hiệu báo hiệu giáo hoàng mới được chọn sẽ là làn khói trắng bốc lên từ ống khói Nhà nguyện Sistine – hình ảnh quen thuộc với hàng triệu tín hữu Công giáo trên toàn thế giới.