Ông Kim Jong Un trực tiếp chỉ đạo cuộc tập trận ngày 18/3. Ảnh: KCNA.
Cuộc tập trận diễn ra một ngày sau khi Nhật Bản và Hàn Quốc thông báo Triều Tiên đã phóng một số tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra biển. Đây là vụ thử tên lửa đầu tiên của Triều Tiên sau khoảng 2 tháng.
Theo KCNA, ông Kim đã chỉ đạo cuộc tập trận diễn ra ngày 18/3 nhằm mục đích kiểm tra "năng lực chiến đấu" của các hệ thống pháo phản lực đa nòng cỡ 600mm. Cuộc tập trận cũng nhằm cải thiện tinh thần chiến đấu và đánh giá năng lực sẵn sàng ứng phó.
Cuộc tập trận cũng bao gồm hoạt động mô phỏng vụ nổ trên không ở độ cao đã định ngay phía trên mục tiêu. Theo KCNA, đơn vị pháo binh Triều Tiên đã "thể hiện sự cơ động cao, năng lực tấn công chính xác và mạnh mẽ" khi thực hiện cuộc diễn tập mô phỏng nhiệm vụ chiến đấu bất ngờ và được ông Kim ca ngợi.
"Đơn vị đã thể hiện đầy đủ khả năng thiện xạ của pháo binh cũng như khả năng sẵn sàng chiến đấu nhanh chóng và chính xác”, KCNA cho biết.
Mỗi xe phóng KN-25 sử dụng khung gầm bánh lốp của Triều Tiên có thể mang theo 4 quả tên lửa. Ảnh: KCNA.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un yêu cầu quân đội tiếp tục hiện đại hóa và tăng cường sức mạnh cho lực lượng pháo binh. Ông Kim nhấn mạnh "nhiệm vụ chiến lược của các hệ thống pháo phản lực cỡ 600mm trở thành phương tiện tấn công cốt lõi trong các cuộc tấn công".
“Các phương tiện tấn công mà quân đội chúng ta sở hữu cần hoàn thành triệt để hơn nữa nhiệm vụ ngăn chặn xung đột và luôn sẵn sàng phá hủy thủ đô và cơ cấu lực lượng quân sự của đối phương”, ông Kim nói với đơn vị pháo binh, theo KCNA.
Theo các chuyên gia quân sự, hệ thống pháo phản lực được Triều Tiên sử dụng trong cuộc tập trận ngày 18/3 là mẫu KN-25. Đây là một trong 5 vũ khí mới được Triều Tiên thử nghiệm lần đầu vào năm 2019.
KN-25 vừa được thiết kế là bệ phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn, vừa là hệ thống pháo phản lực đa nòng với khả năng mang 6 quả tên lửa cỡ 600mm khi sử dụng khung gầm bánh xích. Nếu sử dụng khung gầm xe tải, hệ thống có thể mang theo 4 quả tên lửa.
Trong cuộc thử nghiệm năm 2019, Triều Tiên đã phóng hai tên lửa từ hệ thống KN-2, mỗi quả tên lửa bay xa 380km. Đạn tên lửa trang bị cho xe phóng KN-25 dài 8,2 mét và nặng khoảng 3 tấn. KN-25 được coi là hệ thống pháo phản lực đa nòng lớn nhất trên thế giới.
Tên lửa ban đầu được thiết kế để mang đầu đạn nổ phân mảnh. Tháng 10/2022, Triều Tiên thông báo tên lửa phóng từ hệ thống KN-25 có thể mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật.
Ông Kim quan sát cuộc tập trận của đơn vị pháo binh hôm 18/3: Ảnh KCNA.
Đạn tên lửa với thiết kế riêng được coi là bước phát triển về công nghệ và kỹ thuật quân sự của Triều Tiên. Triều Tiên mô tả hệ thống KN-25 là "vũ khí chưa từng có và không có đối thủ".
30 xe phóng bách xích và ít nhất 9 xe phóng bánh lốp của hệ thống KN-25 mà Triều Tiên sở hữu có thể phóng tổng cộng 216 quả tên lửa trong thời gian ngắn.
Đây được coi là chiến lược mới của Triều Tiên nhằm áp đảo các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc. So với các hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn truyền thống, KN-25 có thể mang nhiều đạn tên lửa hơn dù phạm vi tấn công bị thu hẹp.
Giới chuyên gia Hàn Quốc mô tả hệ thống KN-25 được Triều Tiên phát triển chuyên cho mục đích đe dọa Seoul. "Loại vũ khí này có thể phóng đồng thời từ nhiều nơi và dội xuống khu vực mục tiêu vào cùng một thời điểm", Ryu Sung-yeop, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quân sự Hàn Quốc, nhận định.
Khi được hỏi về mối đe dọa của các hệ thống pháo phản lực cỡ lớn của Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik nói, nếu Triều Tiên phóng loạt tên lửa nhằm vào Hàn Quốc thì nước này sẽ coi đây là hành động gây chiến và sẽ đáp trả mạnh mẽ.