Ung thư tinh hoàn: Các dấu hiệu và nguy cơ quý ông cần phòng tránh

Các dấu hiệu và triệu chứng có thể gợi ý bệnh ung thư tinh hoàn bao gồm: Có u cục và càng ngày càng lớn ở một trong hai tinh hoàn.

Theo BS Nguyễn Duy Hoàng, Khoa Giải phẫu bệnh lý, Trung tâm Xét nghiệm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, ung thư tinh hoàn là khối u ở bìu, thường không đau đớn hoặc đôi khi đau âm ỉ. Ung thư tinh hoàn là loại ung thư phổ biến ở nam giới tuổi từ 15 đến 35, có khả năng điều trị thành công cao ngay cả khi đã di căn ra ngoài tinh hoàn. Tùy thuộc vào loại và giai đoạn ung thư tinh hoàn, người bệnh sẽ được điều trị bằng các phương pháp khác nhau.

(Ảnh minh họa).

Các dấu hiệu gợi ý ung thư tinh hoàn

Các dấu hiệu và triệu chứng có thể gợi ý bệnh ung thư tinh hoàn bao gồm: Có u cục và càng ngày càng lớn ở một trong hai tinh hoàn; Cảm giác nặng nề ở bìu; Có cơn đau âm ỉ ở bụng hoặc háng; Có chất dịch lỏng trong bìu; Đau hoặc khó chịu ở tinh hoàn hoặc bìu; Vú to hoặc đau; Đau lưng; Ung thư thường chỉ ảnh hưởng đến một tinh hoàn.

Bạn nên gặp bác sĩ sớm nếu có bất kỳ triệu chứng đau, sưng hoặc vón cục ở tinh hoàn hay háng, đặc biệt là nếu các dấu hiệu và triệu chứng này kéo dài hơn 2 tuần.

Đối tượng nào dễ mắc bệnh ung thư tinh hoàn?

Các yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn:

- Tinh hoàn lạc chỗ;

- Tinh hoàn phát triển bất thường;

- Tiền sử gia đình: Nếu các thành viên gia đình đã bị ung thư tinh hoàn, bạn có thể tăng nguy cơ mắc bệnh này;

- Tuổi tác: Ung thư tinh hoàn ảnh hưởng đến thanh thiếu niên và nam giới trẻ tuổi, đặc biệt là những người trong độ tuổi từ 15 đến 35. Tuy nhiên, bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi;

- Dân tộc: Ung thư tinh hoàn thường gặp ở đàn ông da trắng hơn da đen.

Để phát hiện bệnh ung thư tinh hoàn cần làm các xét nghiệm:

- Siêu âm khối u vùng bìu.

- Thăm dò nếu có khối u ở bìu.

- Phân giai đoạn bằng CT bụng, khung chậu, và CT ngực cũng như giải phẫu bệnh.

- Các chất chỉ điểm khối u trong huyết thanh như là AFP (alpha-fetoprotein) và beta-HCG (chất hướng sinh dục màng đệm người).

Người bệnh có thể tự khám thấy khối u, khuyến khích nam giới trẻ tự kiểm tra hằng tháng.

Điều trị ung thư tinh hoàn

Tuỳ vào loại ung thư tinh hoàn, giai đoạn bệnh, các phương pháp điều trị bao gồm:

- Phẫu thuật cắt tinh hoàn nạo vét hạch bẹn triệt để: Phẫu thuật cắt tinh hoàn nạo vét hạch bẹn triệt để là nền tảng của điều trị và giúp cung cấp thông tin chẩn đoán quan trọng; giúp xây dựng kế hoạch điều trị tiếp theo. Đối với nam giới muốn duy trì khả năng sinh sản, trữ tinh trùng ở ngân hàng tinh trùng trước khi tiến hành liệu pháp xạ trị hoặc hóa trị liệu.

- Xạ trị hoặc hóa trị cho ung thư tuyến tinh.

- Hóa trị hoặc phẫu thuật lấy hạch bạch huyết sau phúc mạc cho ung thư không tuyến tinh.

TUẤN ANH

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN