Từ dầu mỏ đến mặt trời: Nơi đây đang trỗi dậy thành cường quốc năng lượng mặt trời

Từng được biết đến là cái nôi của dầu mỏ, khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA) đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành trung tâm năng lượng mặt trời toàn cầu. Với tiềm năng bức xạ mặt trời khổng lồ và những kế hoạch đầu tư đầy tham vọng, các quốc gia như Ả Rập Xê Út, UAE, Ai Cập và Morocco đang dẫn đầu cuộc cách mạng năng lượng tái tạo trong khu vực.

MENA có tiềm năng trở thành trung tâm năng lượng mặt trời của thế giới

Khu vực MENA được thiên nhiên ưu đãi với lượng bức xạ mặt trời cực lớn – trên 2.000 kilowatt-giờ mỗi mét vuông mỗi năm – thuộc hàng cao nhất thế giới. Điều này khiến mặt trời trở thành nguồn tài nguyên chiến lược mới thay thế dầu mỏ.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đến năm 2030, khu vực MENA dự kiến bổ sung 62 gigawatt (GW) công suất năng lượng tái tạo, trong đó hơn 85% đến từ điện mặt trời. Sự chuyển dịch này được thúc đẩy bởi chi phí giảm mạnh và nhu cầu cấp bách phải đa dạng hóa nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ.

Ông Raed Bkayrat, Giám đốc phát triển của Công ty Dự án Năng lượng Thay thế (AEPCo) tại Kuwait, nhận định: “Điện mặt trời giờ không chỉ là lựa chọn vì môi trường, mà đã trở thành một nhu cầu kinh tế cấp thiết”. Một số dự án tại Ả Rập Xê Út đã ghi nhận mức giá đấu thầu thấp kỷ lục, chỉ 10,4 USD cho mỗi megawatt-giờ, đặt ra chuẩn mực toàn cầu mới.

Chi phí cực thấp này giúp điện mặt trời rẻ hơn nhiên liệu hóa thạch tại nhiều nơi trong khu vực, mở ra cánh cửa mới cho phát triển năng lượng bền vững.

Các quốc gia trong khu vực đang thi nhau triển khai những siêu dự án năng lượng mặt trời. Morocco là một ví dụ tiêu biểu với tổ hợp năng lượng mặt trời Ouarzazate – nhà máy điện mặt trời tập trung lớn nhất thế giới. Trải dài trên diện tích 3.000 hecta, tương đương 3.500 sân bóng đá, dự án này cung cấp 580 MW điện sạch cho hơn 2 triệu hộ dân.

Tại Ai Cập, công viên điện mặt trời Benban ở Aswan với công suất 1,4 GW là một trong những dự án lớn nhất thế giới. Được tài trợ bởi hơn 2 tỷ USD vốn quốc tế, bao gồm cả Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu, Benban đã tạo ra khoảng 10.000 việc làm và góp phần chuyển đổi năng lượng cho đất nước.

Ả Rập Xê Út nổi bật với dự án Sudair – nhà máy điện mặt trời lớn nhất nước này với công suất 1,5 GW. Dự án trị giá 924 triệu USD này không chỉ cung cấp điện cho 185.000 hộ gia đình mà còn giúp cắt giảm 2,9 triệu tấn khí thải mỗi năm.

Tại UAE, dự án Al Dhafra khánh thành năm 2023 đã trở thành nhà máy điện mặt trời đơn lẻ lớn nhất thế giới với công suất 2 GW, phục vụ 200.000 hộ dân và giảm 2,4 triệu tấn khí thải CO₂ mỗi năm. Dự án này đạt mức giá điện thấp kỷ lục – chỉ 0,132 USD/kWh.

Tiềm năng năng lượng mặt trời của MENA rất đáng kinh ngạc.

Ai đang rót vốn cho làn sóng điện mặt trời ở MENA?

Để có được bước nhảy vọt này, tài chính đóng vai trò then chốt. Ả Rập Xê Út dự kiến đầu tư 235 tỷ USD vào năng lượng sạch đến năm 2030 – cao hơn nhiều so với mức 148 tỷ USD trước đó. UAE cũng cam kết chi 163,4 tỷ USD cho năng lượng tái tạo trong vòng 30 năm tới.

Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng có nguồn lực mạnh như vậy. Bà Hinde Liepmannsohn, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Mặt trời Trung Đông (MESIA), cảnh báo: “Sự tiếp cận vốn vẫn chưa đồng đều. Những nước giàu dầu như UAE hay Ả Rập Xê Út có thể tự tài trợ, nhưng Jordan hay Tunisia cần hỗ trợ quốc tế.”

Để khắc phục, các mô hình tài chính sáng tạo như trái phiếu xanh hay tài chính pha trộn đang được khuyến khích. Điều này giúp thu hút thêm vốn và giảm rủi ro cho các nhà đầu tư vào thị trường năng lượng tái tạo.

Dù công suất điện mặt trời tăng nhanh, hệ thống lưới điện tại MENA vẫn là điểm yếu lớn. Nhiều dự án nằm ở vùng sa mạc xa xôi, đòi hỏi chi phí lớn để xây dựng đường truyền dẫn điện. Bên cạnh đó, hạ tầng hiện tại chưa đủ linh hoạt để xử lý tính không ổn định của năng lượng mặt trời.

Theo ông Bkayrat, việc phát triển lưới điện thông minh và hệ thống lưu trữ là điều bắt buộc nếu khu vực muốn duy trì đà tăng trưởng năng lượng sạch. Ông nhấn mạnh: “Các trung tâm điều khiển hiện đại để giám sát và điều chỉnh cung-cầu điện theo thời gian thực là yếu tố sống còn. Nếu không đầu tư nhanh, tiến trình phát triển có thể bị nghẽn cổ chai.”

Không chỉ hướng tới an ninh năng lượng, các nước MENA còn kỳ vọng cuộc cách mạng mặt trời sẽ là bàn đạp cho chuyển đổi kinh tế. Theo báo cáo năm 2025 của MESIA, tổng công suất điện mặt trời của khu vực đã đạt 32 GW trong năm 2023 và có thể vượt 180 GW vào năm 2030.

Tiềm năng không dừng lại ở việc cung cấp điện nội địa. MENA đang hướng tới sản xuất nhiên liệu sạch như hydro xanh để xuất khẩu ra thế giới, tận dụng tối đa nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tuy vậy, thành công sẽ phụ thuộc vào cam kết chính sách lâu dài và đầu tư hạ tầng kịp thời. Bà Liepmannsohn nhấn mạnh: “Tham vọng thì không giới hạn, nhưng vấn đề là hành động và thực thi đến đâu.”

Ngọc Linh (Theo Forbes)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN