Trước nhiều ý kiến băn khoăn đề thi chưa đảm bảo sự phân hóa, không phù hợp lắm, từ dễ chuyển tiếp sang khó, không có mức độ trung bình. Điều này gây khó cho các trường đại học dùng môn toán để xét tuyển? Liệu quy trình làm đề thi, ngân hàng câu hỏi đã được chuẩn hoá hay chưa khi năm nào cũng có những vấn đề gây tranh cãi về đề dễ, đề khó cũng như sự cố lộ, lọt đề?
PGS Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng Ban đề thi cấp quốc gia. (Ảnh: Bộ GD-ĐT).
PGS Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng Ban đề thi cấp quốc gia nhấn mạnh: Việc ra đề thi luôn tập trung vào việc đảm bảo tính công bằng, phải phân hóa được học sinh.
Tổ đề thi đã thực hiện theo các nguyên tắc như tổ chức “trại đề” để đảm bảo quy trình bảo mật. Đề thi hướng tới mục tiêu có những kiến thức ở mức: thông hiểu, nhận biết, vận dụng, vận dụng cao. Đây là vấn đề được các thầy cô, chuyên gia trong tổ đề thảo luận rất nhiều.
Cấu trúc đề năm nay như năm ngoái, khoảng 50% câu hỏi ở mức độ 1 (mức thông hiểu), 25% mức độ 2 (nhận biết) và 25% còn lại cho hai mức cuối (vận dụng và vận dụng cao).
Ngoài ra, việc ra đề phải đảm bảo tính bảo mật. Vì thế, những người giới thiệu đề, soạn đề, lựa chọn câu hỏi vào ngân hàng đề phải là những người khác nhau
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, năm nào cũng có rất nhiều ý kiến. Đây là nội dung hết sức quan trọng thuộc trách nhiệm của Bộ. Chúng ta có nhiều kinh nghiệm, tích lũy nhiều năm và năm nay tiếp tục phát huy và củng cố, triển khai thêm.
Ban ra đề thi gần 100 cán bộ ở khắp các cùng miền thực hiện chuyên môn trong vòng gần 1 tháng. Đề thi được đánh giá độ tin cậy cao, đảm bảo về cấu trúc, phân hoá. Bộ cũng đã lắng nghe ý kiến từ dư luận và tiếp tục hoàn thiện hơn.
Trước câu hỏi, tại sao Bộ GD-ĐT không trả về các địa phương tự tổ chức thi, thay vì Bộ GD-ĐT “ôm”?, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, kỳ thi hiện đang thực hiện theo phương thức 3 chung: chung đề, chung đợt, chung kết quả với mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học (tỷ lệ 60%).
Tính chất kỳ thi như vậy, nếu giao về các tỉnh sẽ khó đảm bảo sự công bằng khi nơi ra đề thi dễ, tỉnh ra đề khó. Như vậy, sẽ rất khó để đánh giá được năng lực thí sinh và đảm bảo công bằng trong xét tuyển. Ngoài ra, còn cần tính toán tới vấn đề về kinh tế, xã hội….
Sẽ xem xét tình tiết tăng nặng, tăng nhẹ để xử lý 2 thí sinh làm lọt đề thi
Liên quan đến ảnh đề thi chuyển ra bên ngoài, Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an cho biết đã phối hợp xác minh và xác định được người kết nối.
“Chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, điều tra, xác định xem có lời giải chuyển vào bên trong phòng thi hay không” - Thiếu tướng Trần Đình Chung nói và cho biết, hiện chưa phát hiện thấy có việc này.
Theo Thiếu tướng Trần Đình Chung, trước kỳ thi, Bộ Công an đã triệt phá nhóm đối tượng mua bán sử dụng thiết bị công nghệ cao. Thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến thí sinh và nhân dân, hướng đến kỳ thi nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế.
Ngoài ra, cần nghiên cứu đề xuất thiết bị chống thiết bị sử dụng công nghệ cao được giấu ở trong người. Đồng thời chú trọng tập huấn nâng cao khả năng phát hiện sử dụng thiết bị công nghệ cho cán bộ coi thi.
Về khái niệm lộ, lọt, Thiếu tướng Trần Đình Chung cho biết hiện đã có Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước.
Liên quan đến 2 thí sinh chụp ảnh đề thi chuyển ra ngoài, Thiếu tướng Trần Đình Chung cho biết, sẽ xem xét tình tiết tăng nặng, tăng nhẹ để xử lý theo quy định. Trong trường hợp phải xử lý hình sự sẽ căn cứ vào quy định pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, trước khi xử lý cần tính đến yếu tố nhân văn.
“Chúng tôi tiếp tục thẩm tra xác minh việc thí sinh chụp ảnh đề thi chuyển ra bên ngoài. Khi có kết quả sẽ được thông tin tới báo chí” - Thiếu tướng Trần Đình Chung cho hay.
|