Hán Vũ Đế Lưu Triệt chủ trương đem quân đánh vương quốc Đại Uyên vì một giống ngựa quý
Ít người biết rằng, trước thời nhà Thanh, Trung Quốc đã có những sự tiếp xúc và va chạm với nền văn minh phương Tây. Kết quả những cuộc xung đột với phương Tây giai đoạn này cũng rất khác so với trong thời nhà Thanh. Loạt bài này sẽ tìm hiểu về những sự kiện như vậy.
|
Khoảng cách tính theo đường chim bay giữa Hy Lạp và Trung Quốc là khoảng 7.000km. Làm cách nào mà hai nền văn minh này chạm trán nhau?
Cách đây khoảng 2.200 năm, cha của Alexander Đại đế, vua Philipos II thống nhất các thành bang Hy Lạp cổ đại và gọi là vương quốc Macedonia. Sau khi lên nối ngôi, Alenxader Đại đế đã mở cuộc chinh phạt về phía đông, đánh bại đế chế Ba Tư, chinh phạt Tây Á, Trung Á, một phần Nam Á và Ai Cập.
Năm 323 TCN, Alexander Đại đế đột ngột qua đời ở tuổi 32. Sau cái chết của ông, những tướng lĩnh hàng đầu đã tự mình xưng vương, cai trị những vùng đất khác nhau, mở ra thời kỳ Hy Lạp hóa suốt 300 năm, cho đến năm 30 TCN.
Ở khu vực bồn địa Fergana thuộc Trung Á, vương quốc Đại Uyên là nơi xa nhất chịu ảnh hưởng của nền văn minh Hy Lạp ở châu Á. Người Đại Uyên được coi là hậu duệ của người Hy Lạp được Alexander Đại đế đưa tới định cư vào năm 329 TCN.
Vương quốc này được người Trung Quốc lần đầu phát hiện vào năm 130 TCN trong chuỗi các cuộc thám hiểm của Trương Khiên – người được Hán Vũ Đế Lưu Triệt phái đi sứ Tây Vực.
Dưới sự cai trị của Hán Vũ Đế Lưu Triệt – một trong những hoàng đế vĩ đại nhất Trung Hoa – nhà Hán không ngừng mở mang bờ cõi nhằm củng cố vị thế thống trị ở châu Á.
Khi sứ giả Trương Khiên trở về Trung Quốc sau 15 năm thám hiểm Tây Vực, ông đã đem theo những tin tức giá trị về vùng đất này, trong đó có một thứ rất được Hán Vũ Đế chú ý. Đó là giống ngựa "hãn huyết bảo mã" ở xứ Đại Uyên.
Đại Uyên là một trong những vương quốc xa nhất về phía Tây phái sứ đoàn đến triều đình nhà Hán. Một trong những sứ đoàn của Đại Uyên khi tới Trung Hoa đã tặng Hán Vũ Đế hãn huyết bảo mã của Đại Uyên.
Sử sách thời nhà Hán chép, Hán Vũ Đế rất thích con ngựa mà sứ đoàn Đại Uyên tặng, đặt tên là Thiên Mã (ngựa trời) vì nó thể hiện "tốc độ và sức chịu đựng vượt trội", là giống ngựa chiến hoàn hảo.
Không giống như sứ giả các nước khác, sứ giả Đại Uyên khi tới Trung Hoa tỏ ra không tuân thủ các lễ nghi của người Hán, cư xử rất kiêu ngạo và hống hách, cậy thế ở xa nên nghĩ là nhà Hán không làm gì được.
Ở trong nước, người Đại Uyên cũng tỏ ra coi thường người Hán. Theo sử sách thời Hán, mỗi năm nhà Hán lại gửi từ 5 -10 đoàn sứ giả đem theo vàng bạc, châu báu đi Trung Á để tìm mua hãn huyết bảo mã. Nhưng nhiều đoàn sứ giả trong số này không những phải ra về tay trắng mà còn bị người Đại Uyên phục kích, sát hại để cướp vàng.
Sử sách nhà Hán chép, một lần nọ, Hán Vũ đế sai sứ giả đem nghìn vàng và một bức tượng ngựa bằng vàng đến thành Nhị Sư ở Đại Uyên xin trao đổi ngựa. Tuy nhiên cuộc thương lượng sớm đổ vỡ.
Các vương quốc nằm ở cực đông gần Trung Quốc trong thời kỳ Hy Lạp hóa.
Người đứng đầu thành Nhị Sư chê lễ vật ít nên không chịu trao đổi. Sứ giả nhà Hán thấy vậy cũng lớn tiếng chê trách, đem đập tượng vàng rồi bỏ về.
Người Đại Uyên căm giận, chờ khi sứ đoàn đi đến Uất Thành – thành phố ở ranh giới phía đông vương quốc thì tấn công, giết sứ giả và cướp của cải.
Hán Vũ Đế ở kinh đô Trường An (nay là Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc) nghe tin hết sức tức giận. Hán Vũ Đế cử tướng Lý Quảng Lợi đem quân đánh Đại Uyên. Đội quân viễn chinh gồm 6.000 kỵ binh và 20.000 bộ binh, vượt ngàn dặm tấn công vương quốc Đại Uyên.
Tướng Lý Quảng Lợi vốn là anh trai của Lý phu nhân - phi tần rất được sủng ái của Hán Vũ Đế. Sau khi Lý phu nhân bệnh mất, Hán Vũ Đế muốn phong tước cho Lý Quảng Lợi nhưng vì vị tướng này chưa có công cán gì nên chưa có cơ hội.
Được Hán Vũ đế phong làm chỉ huy quân viễn chinh, Lý Quảng Lợi nhân cơ hội này lập công. Tuy nhiên, cuộc viễn chinh lần này không không được chuẩn bị kỹ càng và chu đáo do nhà Hán đánh giá thấp quân địch lẫn sự khó khăn của con đường từ Trung Quốc đến xứ Đại Uyên.
“Quân đội xứ Đại Uyên nổi tiếng yếu kém, chỉ cần 3.000 bộ binh trang bị cung nỏ đã đủ để chinh phục” - đây là nhận định của các tướng lĩnh nhà Hán, được sử gia Tư Mã Thiên chép lại trong cuốn Đại Uyên liệt truyện. Sử gia Tư Mã Thiên (135 TCN – 86 TCN) là người sống vào thời nhà Hán chinh phục Đại Uyên.
Cuộc viễn chinh đầu tiên kết thúc trong thất bại khi Lý Quảng Lợi đánh giá thấp ý chí chiến đấu của người Đại Uyên. Lý Quảng Lợi cũng không lường trước đường sá xa xôi, núi non hiểm trở và việc đội quân phải đi qua những vùng sa mạc rộng lớn.
Một lý do khác dẫn đến đại bại là vì các thành phố khác ở vùng Tây Vực khi đó đóng cửa, từ chối cung cấp lương thực cho quân Hán. Trong cuộc giao tranh đầu tiên ở lãnh thổ Đại Uyên, quân Hán ước tính chỉ còn 10.000 người, bị 2.000 quân Đại Uyên, trong đó phần lớn là kỵ binh đánh tan tác.
Tướng Lý Quảng Lợi rút quân về thành Đôn Hoàng nằm ở rìa sa mạc Gobi (nay thuộc tỉnh Cam Túc, Trung Quốc). Chuyến hành trình cả đi lẫn về của Lý Quảng Lợi mất hơn 2 năm. Ước tính chỉ có 10 – 20% quân Hán còn có thể trở về.
Ngựa Akhal-Teke ngày nay được cho là hãn huyết bảo mã của người Đại Uyên trong sách cổ Trung Quốc.
Hán Vũ đế nghe tin nổi giận, hạ lệnh sẽ chém đầu bất cứ ai trong đám tàn quân dám bước vào Nhạn Môn quan - cửa ải quan trọng để vượt qua Vạn Lý Trường Thành, nằm trên núi Nhạn Môn (thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc). Lý Quảng Lợi sau đó đành phải ở lại Đôn Hoàng.
Triều thần nhà Hán khi đó muốn Hán Vũ Đế bỏ qua Đại Uyên để tập trung chống lại mối đe dọa từ người Hung nô. Tuy nhiên, Hán Vũ Đế nói không khuất phục được xứ Đại Uyên sẽ khiến các vương quốc khác ở vùng Tây Vực coi thường nhà Hán.
Năm 102 TCN, Hán Vũ đế cấp cho tướng Lý Quảng Lợi 60.000 quân, hơn 30.000 ngựa, 100.000 con bò cùng hàng vạn gia súc để vận chuyển lương thực. Một bộ phận tân binh được Hán Vũ Đé điều đi đánh Đại Uyên là các phạm nhân bị giam giữ ở đại lao.
Lực lượng hùng hậu lần này của nhà Hán đã khiến các vương quốc ở Tây Vực mở cửa tiếp đón. Tuy vậy, điều kiện hành quân khắc nghiệt cũng khiến quân Hán mất tới một nửa quân số trước khi tới được Đại Uyên.
Lần này, Lý Quảng Lợi sử dụng kết hợp bộ binh, kỵ binh và lính bắn tên để đánh bại quân Đại Uyên nghênh chiến. Với mục đích đánh nhanh thắng nhanh, Lý Quảng Lợi đưa quân bao vây kinh đô Alexandria Eschate của Đại Uyên (nay là thành phố Khujand, Tajikistan). Tên gọi Alexandria Eschate là do Alexander Đại đế đặt sau khi kiểm soát thành phố này vào năm 329 TCN.
Tướng Lý Quảng Lợi một mặt cho quân công thành, mặt khác vây chặt suốt 40 ngày, cắt đứt nguồn nước và nguồn lương thực của thành phố.
Mũi tên màu tím biểu thị cuộc tiến công đánh Đại Uyên do tướng nhà Hán là Lý Quảng Lợi chỉ huy.
Theo Đại Uyên liệt truyện của sử gia Tư Mã Thiên, các quý tộc Đại Uyên đã làm phản, giết vua rồi đem đầu nộp cho quân Hán để chuộc lỗi và hứa sẽ giao hãn huyết bảo mã. Lý Quảng Lợi biết ở lại vùng Tây Vực lâu dài không phải là kế hay, dễ bị tứ bề thọ địch nên đã đồng ý. Người Đại Uyên nộp 3.000 hãn huyết bảo mã, đồng thời cấp lương thực cho quân Hán quay về.
Nghe tin Đại Uyên thất thủ, vua chúa các nước Tây Vực liền đem họ hàng thân thích đi cùng đoàn quân Hán về Trường An để bày tỏ sự tôn kính với Hán Vũ đế. Những hoàng thân quốc thích này bị giữ lại ở Trường An làm con tin.
Bất chấp chiến dịch chinh phạt thành công, nhiều binh lính người Hán từng là phạm nhân đã tận dụng cơ hội trong hành trình quay về để bỏ trốn, tìm nơi khác sinh sống.
Kết quả là khi về đến nơi, Lý Quảng Lợi chỉ còn hơn 10.000 quân cùng khoảng 1.000 ngựa chiến mà Đại Uyên giao nộp. Dù vậy, Hán Vũ Đế vẫn coi kết quả này là chấp nhận được và không ra lệnh truy cứu, trừng phạt những người có trách nhiệm. Tướng Lý Quảng Lợi được phong tước, trở thành Hải Tây hầu.
Thất bại trước nhà Hán càng khiến Đại Uyên suy yếu. Vương quốc này cùng với các quốc gia khác chịu ảnh hưởng của nền văn minh Hy Lạp ở Trung Á dần dần biến mất trước sự xâm lược của các bộ tộc du mục.
Tướng Lý Quảng Lợi sau này vướng phải một vụ án trong cung, xin Hán Vũ Đế binh mã để đánh Hung Nô nhằm lập công chuộc tội.
Trong một cuộc đụng độ với người Hung Nô, Lý Quảng Lợi thất bại và xin đầu hàng. Ở Trường An, Hán Vũ Đế ra lệnh xử tử gia tộc Lý Quảng Lợi.
Lý Quảng Lợi ban đầu được vua Hung Nô trọng dụng, còn gả con gái cho. Không lâu sau, Lý Quảng Lợi bị xử tử vì xích mích với Vệ Luật, người Hán từng được cử đi sứ Hung Nô nhưng sau này trở thành tay sai cho người Hung Nô.
_____________________________
Đầu thế kỷ 16, với sự phát triển của đại bác và tàu buồm, người Bồ Đào Nha là thế lực phương Tây đầu tiên đi thuyền sang Trung Quốc. Chuyện gì xảy ra sau đó? Mời độc giả đón đọc bài kỳ 2 xuất bản 10h ngày 30/6/2024