Trận địa pháo hoa trên nóc hầm vượt sông Sài Gòn trước giờ khai hoả

Hàng nghìn quả pháo tầm cao, tầm thấp được lắp đặt, bố trí thành “trận địa” trên nóc hầm vượt sông Sài Gòn, TP Thủ Đức sẽ khai hoả vào thời khắc giao thừa chào mừng Tết Giáp Thìn 2024.

Ngày 9/2 (30 Tết), hàng chục cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh TP.HCM đang triển khai lắp đặt các dàn pháo hoa được bố tại khu vực công viên nóc hầm vượt sông Sài Gòn, TP Thủ Đức.

“Trận địa” pháo hoa nằm đối diện trung tâm quận 1 này là địa điểm bắn pháo hoa quen thuộc của TP.HCM vào các dịp lễ, Tết hàng năm.

Có khoảng 1.500 quả pháo tầm cao cùng 30 giàn pháo tầm thấp được bố trí từng khu vực. Đây là điểm tập kết nhiều giàn pháo hoa nhất trong 11 điểm bắn của thành phố dịp Tết Giáp Thìn năm nay.

Nếu như các năm trước, TP.HCM chỉ bắn pháo hoa tại 2 điểm tầm cao và 4 điểm tầm thấp trong đêm giao thừa dịp Tết Nguyên đán thì Tết Giáp Thìn năm nay người dân thành phố sẽ được chiêm ngưỡng pháo hoa tại 11 điểm, bao gầm 2 điểm tầm cao và 9 điểm tầm thấp, trải đều ở khu vực nội và ngoại thành.

Ngoài điểm tầm cao trên nóc hầm vượt sông Sài Gòn, một điểm tầm cao khác được thực hiện tại khu tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi). Vào giữa trưa, các cán bộ, chiến sĩ vẫn đang khẩn trước lắp đặt những giàn pháo để đảm bảo tiến độ thời gian diễn ra thời điểm chuyển giao năm mới.

Những quả pháo tầm cao có nhiều loại và kích cỡ khác nhau. Sau khi đấu nối với dây mồi lửa điện, những quả pháo được cho vào ống pháo.

Sau khi cho quả pháo vào ống, những dây mồi lửa điện được đấu nối với thanh điều khiển. Đây là một trong những công đoạn cuối cùng khi lắp pháo hoa. Các chiến sĩ phải tuyệt đối tuân thủ các quy tắc an toàn khi lắp pháo như không hút thuốc, các vật dụng tạo ra lửa, điện, không sử dụng điện thoại.

Những giàn pháo tầm thấp bố trí trong thùng khung gỗ cũng được đấu nối dây. Mỗi giàn pháo có hình dạng, kích cỡ khác nhau để tạo hiệu ứng về hình ảnh, màu sắc và tầm bắt. Giàn bắn có tầm cao nhất lên đến hơn 200m.

Trung tâm điều khiển được bố trí ở khu vực trống trải, cách xa các giàn pháo. Bảng điều khiển được kết nối với các giàn pháo hiển thị số nút bấm.

Những quả pháo được bố trí thành từng giàn với nhiều hàng có số lượng khác nhau.

Những quả pháo sau khi được nạp đạn, nối dây mồi lửa được bọc kín bằng nilong, che bạt để tránh thời tiết ảnh hưởng đến chất lượng khi khai hoả.

Lãnh đạo đơn vị thực hiện kiểm tra các dàn pháo trong quá trình lắp đặt. Thời gian pháo khai hoả trong vòng 15 phút, từ 0h – 0h15 ngày 10/2 (mồng 1 Tết Giáp Thìn)

Tại điểm bắn nóc hầm vượt sông Sài Gòn, người dân và du khách có thể chiêm ngưỡng những màn pháo hoa chào năm mới Tết Giáp Thìn 2024 tại các khu vực công cộng như: Công viên bờ sông Sài Gòn, Khu đô thị Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), công viên Bến Bạch Đằng, đường hoa Nguyễn Huệ, đường Tôn Đức Thắng,…

11 điểm bắn pháo hoa chào đón năm mới Giáp Thìn 2024 tại TP.HCM

Điểm bắn pháo hoa tầm cao tại đầu đường hầm vượt sông Sài Gòn (TP Thủ Đức) và khu tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi).

Điểm bắn pháo hoa tầm thấp gồm: Công viên Văn hóa Đầm Sen (quận 11); Khu Truyền thống cách mạng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 (huyện Bình Chánh); Quảng trường Rừng Sác (huyện Cần Giờ); Đền Bến Nọc (TP Thủ Đức); Công viên văn hóa quận Gò Vấp; Khu di tích lịch sử Ngã ba Giồng (huyện Hóc Môn); Quảng trường trung tâm hành chính quận 7; Khu dân cư Bình Trị Đông (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân); Nhà văn hóa huyện Củ Chi (thị trấn Củ Chi).

Nghi Xuân

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN