Toàn cảnh vụ Ukraine ngăn khí đốt Nga chảy sang các nước EU

Ukraine đã từ chối gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt Nga bất chấp lời kêu gọi từ một số quốc gia EU chịu ảnh hưởng bởi động thái này.

Với các nước EU, khí đốt vận chuyển bằng đường ống qua Ukraine có giá rẻ hơn khí đốt nhập khẩu. Ảnh: Adobe

Nga chính thức ngừng cung cấp khí đốt cho EU thông qua Ukraine kể từ 8 giờ sáng giờ Moscow ngày 1/1/2025, sau nhiều tháng đàm phán gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt với Kiev thất bại. Dưới đây là toàn bộ diễn biến và tác động lớn của vụ việc tới EU, Nga và Ukraine.

Chuyện gì đã xảy ra?

Theo hợp đồng 5 năm được ký vào năm 2019 giữa tập đoàn năng lượng Nga Gazprom và công ty năng lượng nhà nước Ukraine Naftogaz, một số quốc gia EU nhận khí đốt Nga qua mạng lưới trung chuyển của Ukraine.

Hợp đồng này quy định Gazprom vận chuyển 65 tỷ mét khối khí đốt qua Ukraine trong năm 2020 và 40 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, trong giai đoạn 2021- 2024. Hợp đồng đã hết hạn vào ngày 31/12/2024.

Vì sao Ukraine không gia hạn?

Ukraine nhiều lần tuyên bố, nước này sẽ không gia hạn hợp đồng khi xung đột với Nga vẫn diễn ra, bất chấp lo ngại từ một số quốc gia châu Âu phụ thuộc vào năng lượng Nga. 

Thủ tướng Ukraine Denis Shmigal đầu tháng này tuyên bố, từ ngày 1/1/2025, Kiev sẽ ngừng trung chuyển khí đốt Nga và chỉ sử dụng hệ thống đường ống để cung cấp khí từ các nhà cung cấp thay thế Moscow. Bộ Năng lượng Ukraine cho biết việc ngừng dòng chảy khí đốt Nga qua Ukraine là “vì lợi ích an ninh quốc gia".

Hôm 19/12/2024, Tổng thống Ukraine Zelensky nói: “Chúng tôi sẽ không cho Nga có cơ hội để thu về hàng tỷ USD phục vụ quân sự”.

Phản ứng của Nga

Gazprom ngày 1/1 tuyên bố, tập đoàn này đã ngừng cung cấp khí đốt qua Ukraine, lưu ý rằng việc này là do Ukraine “liên tục từ chối” gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt. 

Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Ukraine đang “trừng phạt” EU bằng cách từ chối gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt Nga, dẫn đến giá năng lượng tăng cao. Trong buổi họp báo thường niên vào ngày 19/12/2025, ông Putin nói rằng ngay cả khi không còn hợp đồng trung chuyển, Nga và Gazprom sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Nước nào bị ảnh hưởng nặng nhất?

Thủ tướng Slovakia Robert Fico không ít lần cảnh báo Ukraine về hậu quả nếu Kiev ngừng gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt Nga. Ảnh: Reuters

Mạng lưới trung chuyển của Ukraine kết nối với các hệ thống đường ống của Moldova, Romania, Ba Lan, Hungary, và Slovakia, sau đó đến Áo và Ý. 

Slovakia sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất do việc ngừng dòng chảy khí đốt Nga qua Ukraine. Khoảng 60% nhu cầu khí đốt của nước này phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga qua Ukraine.

Moldova, một quốc gia thuộc Liên Xô cũ và đang là ứng viên EU, cũng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vì phần lớn điện năng của nước này được sản xuất tại một nhà máy điện chạy bằng khí đốt Nga.

Có phải toàn bộ khí đốt của Nga đều đi tới châu Âu qua Ukraine không?

Nga cũng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu bằng đường biển dưới dạng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và qua đường ống TurkStream. Đường ống này chạy từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ qua Biển Đen, sau đó tiếp tục đến biên giới với Hy Lạp (nước thành viên EU). TurkStream có 2 nhánh: một dành cho thị trường nội địa Thổ Nhĩ Kỳ và một dành cho các khách hàng châu Âu, bao gồm Hungary và Serbia.

EU còn có những nguồn cung thay thế nào khác?

Sau khi xung đột tại Ukraine leo thang vào tháng 2/2022, EU đã ưu tiên giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga. Khối này đã tăng cường nhập khẩu khí đốt qua đường ống từ Na Uy và tìm kiếm các nguồn thay thế LNG từ Qatar và Mỹ. 

Tuy nhiên, LNG nhập khẩu đắt hơn nhiều so với khí đốt Nga qua đường ống. Ngoài ra, nguồn cung LNG của EU đang gặp rủi ro do Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế lên nguồn cung LNG và Qatar đe dọa ngừng giao hàng vì luật mới của EU về phát thải carbon.

Giá khí đốt của EU có bị ảnh hưởng?

Nhiều chuyên gia đã cảnh báo, việc mất đi tuyến vận chuyển khí đốt qua Ukraine có thể dẫn đến một đợt tăng giá năng lượng mới trên toàn EU. 

Thủ tướng Slovakia Robert Fico tuần trước cảnh báo, việc dừng dòng chảy khí đốt Nga qua Ukraine có thể làm tăng giá khí đốt trên toàn khối khoảng 30%, tương đương với chi phí hàng năm bổ sung là 40 - 50 tỷ euro cho các hộ gia đình và cơ sở hạ tầng của châu Âu.

Cách nào để giải quyết?

Theo đài RT, Nga đã nhiều lần ra hiệu sẵn sàng gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt và tiếp tục cung cấp khí đốt qua Ukraine sau năm 2024, nhưng Kiev vẫn kiên quyết từ chối. 

Hãng tin Đức Handelsblatt trước đó đưa tin, EU đang cân nhắc ký hợp đồng giữa Gazprom Export và một công ty năng lượng châu Âu có thể mua khí đốt tại biên giới Nga-Ukraine, chuyển đến EU và trả tiền cho nhà điều hành hệ thống truyền tải khí đốt Ukraine để trung chuyển, nhằm loại bỏ nhu cầu về hợp đồng trực tiếp giữa Moscow và Kiev. Tuy nhiên, vẫn chưa có bất kỳ xác nhận chính thức nào về thông tin này.

Nguyễn Thái - RT

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN