Thuế quan của ông Trump xóa sổ 5 nghìn tỷ USD khỏi Phố Wall

Chỉ trong vòng hai ngày, chứng khoán Mỹ đã mất 5.000 tỷ USD giá trị vốn hóa, kéo theo lo ngại nền kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái. Nguyên nhân chính đến từ quyết định tăng thuế mạnh tay của Tổng thống Mỹ Donald Trump, khiến các nền kinh tế lớn phản ứng gay gắt, đẩy thị trường tài chính thế giới vào tình trạng hỗn loạn.

Thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc mạnh

Tuần qua đánh dấu một trong những giai đoạn hỗn loạn nhất của nền kinh tế toàn cầu trong nhiều năm qua. Đỉnh điểm là vào thứ Sáu, khi chỉ số Nasdaq chính thức rơi vào thị trường giá xuống (bear market), phản ánh tâm lý lo ngại sâu sắc của nhà đầu tư trước cuộc chiến thương mại đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.

Chỉ chưa đầy 48 giờ sau khi ông Donald Trump nâng thuế quan lên mức cao nhất trong hơn một thế kỷ, Trung Quốc đã lập tức đáp trả bằng việc áp mức thuế bổ sung 34% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Động thái này khiến xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trở nên gay gắt hơn bao giờ hết.

Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư kỳ vọng Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell sẽ phát tín hiệu hạ lãi suất để cứu thị trường. Tuy nhiên, ông Powell lại nhấn mạnh rủi ro đang tăng cao với cả tăng trưởng và lạm phát, cho thấy Fed vẫn đang "nghe ngóng" thay vì hành động ngay, khiến Phố Wall thêm phần lo lắng.

Chỉ số S&P 500 đã giảm tới 6% chỉ trong hai ngày, tương đương mức vốn hóa bị thổi bay tới 5.000 tỷ USD – một cú sốc nghiêm trọng với thị trường tài chính toàn cầu.

Fed đang đứng giữa hai làn đạn: một bên là nguy cơ suy thoái, bên còn lại là áp lực lạm phát tăng cao. Trong ngày thứ Sáu, trái phiếu chính phủ Mỹ bị kéo căng giữa hai xu hướng này, trong khi thị trường đặt cược mạnh vào khả năng Fed sẽ phải hạ lãi suất.

Các nhà giao dịch lãi suất hiện đã định giá hoàn toàn cho bốn lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, bắt đầu từ tháng Sáu. Thậm chí, nếu thị trường tiếp tục sụp đổ trong tuần tới, khả năng Fed cắt lãi suất ngay trong phiên họp giữa kỳ cũng không thể loại trừ.

Trong bối cảnh thị trường cổ phiếu lao dốc, niềm tin sụp đổ và triển vọng kinh tế quá nhiều bất định, việc Fed hành động sớm có thể là điều cần thiết để tránh một cú suy thoái sâu hơn.

Một màn hình theo dõi giao dịch trên sàn tại Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) sau tiếng chuông đóng cửa tại Thành phố New York, Hoa Kỳ, ngày 4 tháng 4 năm 2025.

Cuộc khủng hoảng này ảnh hưởng tới thế giới ra sao?

Theo nhiều chuyên gia, cú rơi lần này là đợt giảm mạnh nhất của thị trường chứng khoán toàn cầu kể từ đại dịch COVID-19 năm 2020. Tuy nhiên, điểm khác biệt là khủng hoảng hiện tại không đến từ một sự kiện bất ngờ hay thiên tai, mà do chính sách có tính toán kỹ lưỡng từ phía chính phủ Mỹ – mà theo họ, có thể đã lường trước được hậu quả.

Một số con số được đánh giá là “lịch sử” trong tuần này gồm: mức thuế cao nhất của Mỹ trong hơn 100 năm; mức tăng thuế hiệu quả lớn nhất kể từ năm 1968 (theo JP Morgan); và 5.000 tỷ USD giá trị vốn hóa bị xóa sổ chỉ trong hai ngày. Tính từ khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1, tổng thiệt hại trên thị trường chứng khoán Mỹ đã gần chạm ngưỡng 8.000 tỷ USD.

Dự báo mới từ Barclays cho rằng lạm phát Mỹ năm nay có thể vượt 4%, trong khi GDP sẽ sụt giảm trong quý IV – một kịch bản gần như chắc chắn dẫn đến suy thoái.

Không chỉ riêng Mỹ, các nền kinh tế khác cũng bắt đầu cảm nhận sức ép rõ rệt từ cuộc chiến thương mại. Các chuyên gia của Citi dự báo tăng trưởng của khu vực đồng euro sẽ bị kéo giảm 1 điểm phần trăm trong năm nay – đủ để đẩy khu vực này sát ngưỡng suy thoái.

Trung Quốc, dù đã có dấu hiệu chậm lại từ trước, cũng có thể chứng kiến GDP tăng trưởng dưới mức 5% – mức thấp đáng báo động đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Cùng lúc, nhu cầu toàn cầu suy giảm kéo giá dầu Brent giảm hơn 6% trong hai ngày liên tiếp, chạm mức thấp nhất trong 4 năm – chỉ còn gần 62 USD/thùng, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một tín hiệu đáng chú ý khác là lợi suất trái phiếu chính phủ Thụy Sĩ kỳ hạn 2 năm đã giảm xuống dưới 0 trong ngày thứ Sáu – cho thấy nhà đầu tư toàn cầu đang đổ xô tìm nơi trú ẩn an toàn và nỗi sợ hãi đang bao trùm khắp các thị trường.

Dù thị trường đóng cửa vào cuối tuần, các cuộc trao đổi giữa các nhà hoạch định chính sách vẫn tiếp tục diễn ra dồn dập. Mục tiêu là tìm cách “giảm nhiệt” cuộc chiến thương mại đang leo thang, đồng thời tính toán các biện pháp tiền tệ hợp lý để ổn định thị trường.

Trong bối cảnh bất ổn chưa có dấu hiệu dừng lại, phiên giao dịch đầu tuần tới hứa hẹn sẽ tiếp tục đầy biến động. Tất cả các con mắt sẽ dồn về những tuyên bố từ chính phủ các nước và phản ứng từ các ngân hàng trung ương, đặc biệt là từ phía Mỹ và Trung Quốc.

Ngọc Linh (Theo Reuters)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN