Binh sĩ Burkina Faso tuần tra biên giới (ảnh: Al Jazeera)
Hôm 17/6, Jama'at Nusrat al-Islam wal-Muslimin (JNIM) nhóm vũ trang có liên hệ với tổ chức al-Qaeda đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công hôm 11/6 khiến 107 binh sĩ Burkina Faso thiệt mạng. Vụ tấn công xảy ra ở khu vực Mansila, gần biên giới Burkina Faso – Niger.
Theo tuyên bố của JNIM, 6 ngày trước, các tay súng của JNIM đã đột kích một đồn quân sự ở Mansila, sát hại 107 binh sĩ Burkina Faso và kiểm soát địa điểm này.
Video do JNIM đăng tải trên mạng xã hội cho thấy, nhiều tiếng súng nổ dữ dội xung quanh tiền đồn quân sự ở Mansila. Ít nhất 7 binh sĩ Burkina Faso bị bắt sau vụ tấn công và JNIM thu được nhiều vũ khí, đạn dược.
Vụ tấn công hôm 11/6 là một trong những tổn thất lớn nhất mà quân đội Burkina Faso gặp phải, theo Al Jazeera.
Ông Ulf Laessing – người đứng đầu chương trình Sahel tại Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (trụ sở tại Đức) – cho rằng, chính quyền Burkina Faso cần thêm nhiều binh sĩ chuyên nghiệp để đối phó với các nhóm vũ trang có liên hệ với al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
“Họ đã tuyển thêm 50.000 lính tình nguyện. Nhiều người trong số này chỉ được đào tạo qua thời gian ngắn. Vì vậy, thật không may, họ dễ bị tổn thương và chiến đấu chưa được hiệu quả”, ông Laessing nói.
“Hiện tại, khoảng 50 – 60% lãnh thổ Burkina Faso nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền. Họ đang cố gắng hết sức, mua sắm thêm vũ khí và tăng cường quan hệ hợp tác quân sự với Nga”, ông Laessing nói thêm.
Ngoài Burkina Faso, Niger và Mali (2 nước vùng Tây Phi) cũng đang nỗ lực ngăn chặn các nhóm vũ trang có liên kết với al-Qaeda và IS.
Lực lượng Jama'at Nusrat al-Islam wal-Muslimin ở Burkina Faso (ảnh: Al Jazeera)
Theo ông Laessing, mặc dù Mali và Niger đối mặt với vấn đề tương tự Burkina Faso, nhưng lãnh thổ 2 nước này lại rộng lớn hơn.
“Burkina Faso là quốc gia nhỏ nhất trong 3 nước này và mật độ dân cư khá đông đúc. Khi giao tranh xảy ra, nhiều thường dân có thể bị vạ lây”, ông Laessing nói.
Trong vòng 10 năm qua, các nhóm vũ trang ở Burkina Faso đã giết hại hàng nghìn người và khiến hơn 2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Tháng 9/2022, Đại úy Ibrahim Traore lãnh đạo lực lượng đảo chính lật đổ Tổng thống lâm thời Paul Henri Sandaogo Damiba. Tháng 10 cùng năm, ông Traore được quân đội Burkina Faso chỉ định làm Tổng thống.
Sau khi ông Traore nắm quyền, Burkina Faso đã trục xuất quân đội Pháp đồn trú và tăng cường hợp tác quân sự với Nga.
Theo Reuters, nhiều đơn vị thuộc lực lượng đánh thuê Wagner (ở Nga) đồn trú ở Burkina Faso và hỗ trợ nước này trong cuộc chiến chống khủng bố.