Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp gỡ tại khu phi quân sự vào năm 2019.
Theo CNN, công dân Mỹ vượt biên giới sang Triều Tiên được xác định là binh nhì Travis King, một lính trinh sát nhập ngũ vào tháng 1/2021.
King vượt biên giới sau khi bị quân đội Mỹ kỷ luật vì hành vi hành hung, một quan chức quân đội Mỹ cho biết. King xuất hiện ở Khu An Chung (JSA) thuộc vùng phi quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc với tư cách là khách tham quan. Phát ngôn viên lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc, đại tá Isaac Taylor nói "King tự ý vượt biên giới và hành động này không được phép".
"Chúng tôi tin rằng anh ta đang bị bắt giữ ở Triều Tiên và chúng tôi đang làm việc với quân đội Triều Tiên để giải quyết vấn đề", đại tá Taylor nói.
Một quan chức Mỹ khác cho rằng, không có dấu hiệu cho thấy King muốn đào tẩu sang Triều Tiên trước khi sự việc xảy ra. Trước đó, King đã có 50 ngày bị giam ở Hàn Quốc tại một cơ sở không xác định.
Theo thỏa thuận giữa Mỹ và Hàn Quốc, binh sĩ Mỹ có thể bị giam ở cơ sở của Mỹ trước xét xử. Nhưng sau khi xét xử, binh sĩ sẽ bị giam ở nhà tù Hàn Quốc.
Sau khi hoàn thành 50 ngày giam giữ, King được ấn định áp giải lên máy bay để trở về Mỹ. Nhưng do người áp giải không thể đi cùng lên máy bay, King đã lợi dụng kẽ hở này để rời khỏi sân bay sau đó.
Không rõ bằng cách nào King tham gia một chương trình tham quan ở khu phi quân sự liên Triều với tư cách là du khách. Theo CNN, King là binh sĩ Mỹ được triển khai ở Hàn Quốc đến từ Trung đoàn Kỵ binh số 1 đóng quân ở bang Texas.
Matt Miller, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, nói Washington chưa liên lạc được với Bình Nhưỡng hoặc các chính phủ khác, bao gồm Bắc Kinh.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục liên lạc trong những giờ tới và nếu có các bước đi tích cực mà Bộ Ngoại giao có thể làm thì chúng tôi sẽ không ngần ngại", ông Miller nói.
King vượt biên giới sang Triều Tiên trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng vẫn đang hết sức căng thẳng.
Hôm 17/7, Kim Yo-jong, em gái lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, kêu gọi Mỹ chấm dứt những hành động có thể đe dọa an ninh của Washington.
"Các đề nghị đàm phán của Mỹ chỉ là thủ đoạn. Họ ảo tưởng khi nghĩ rằng có thể đạt được mục tiêu giải trừ quân bị. Việc Mỹ mở rộng hành động răn đe sẽ chỉ ngày càng đẩy Triều Tiên khỏi bàn đàm phán", bà Kim Yo-jong nói, theo hãng thông tấn Triều Tiên KCNA.
Bình luận được bà Kim đưa ra sau khi Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan Sullivan nhắc lại đề nghị đàm phán của Mỹ, sau khi Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-18. Hôm 19/7, Triều Tiên lại phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra biển, quân đội Hàn Quốc thông báo.