Thông điệp quan trọng của Triều Tiên sau khi cho nổ hai tuyến đường kết nối với Hàn Quốc

Thông điệp là lần đầu tiên Triều Tiên đề cập sự thay đổi hiến pháp và được đưa ra hai ngày sau vụ nổ hai tuyến đường liên Triều, hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap đưa tin.

Triều Tiên cho nổ tung hai tuyến đường Gyeongui (trên) và Donghae (dưới) vào ngày 15/10. Ảnh: Yonhap.

Theo Yonhap, truyền thông Triều Tiên hôm 17/10 đưa tin, hiến pháp Triều Tiên định nghĩa rõ Hàn Quốc là một quốc gia "thù địch". Đây là lần đầu tiên nội dung sửa đổi hiến pháp Triều Tiên được đề cập.

Thông điệp do hãng thông tấn Triều Tiên (KCNA) đăng tải bằng tiếng Anh, hai ngày sau vụ nổ hai tuyến đường liên Triều.

"Đây là biện pháp hợp pháp và tất yếu được thực hiện phù hợp với yêu cầu của hiến pháp Triều Tiên, trong đó xác định rõ Hàn Quốc là một quốc gia thù địch và do tình hình an ninh nghiêm trọng dẫn đến bờ vực chiến tranh khó lường bởi các hành động khiêu khích chính trị và quân sự nghiêm trọng của các thế lực thù địch", KCNA đưa tin.

Tất cả các tuyến đường bộ, đường sắt nối Triều Tiên và Hàn Quốc hiện tại đã bị chặn hoàn toàn, KCNA cho biết.

Hôm 15/10, Triều Tiên cho nổ tung hai tuyến đường Gyeongui và Donghae ở phía bắc Đường ranh giới quân sự (MDL). Đây là hai tuyến đường bộ quan trọng kết nối Triều Tiên với Hàn Quốc và từng là biểu tượng của sự hòa giải và hợp tác giữa hai nước.

Theo các chuyên gia, động thái của Triều Tiên được coi là nhấn mạnh cam kết "cắt đứt hoàn toàn" với Hàn Quốc.

Tuần trước, quân đội Triều Tiên tuyên bố sẽ cắt đứt tất cả các tuyến đường kết nối với Hàn Quốc và đẩy mạnh xây dựng các công trình phòng thủ ở biên giới với mục đích cắt đứt liên hệ giữa hai nước.

Tháng 12/2023, trong một cuộc họp của đảng Lao động Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong Un xác định mối quan hệ với Hàn Quốc là mối quan hệ giữa "2 quốc gia thù địch" và cho biết Triều Tiên không còn tìm kiếm sự hòa giải và thống nhất hòa bình với Hàn Quốc.

Tháng 1/2024, ông Kim yêu cầu thực hiện các bước để "cắt đứt hoàn toàn về mặt vật lý" các tuyến đường xuyên biên giới đến mức "không thể cứu vãn".

Nhật Minh - Yonhap

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN