Theo bác sĩ Hà Hải Nam - Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K (Hà Nội), nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh lý dạ dày là vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP), theo đó 70-80% dân số có vi khuẩn HP trong dạ dày. Vi khuẩn này gây loét dạ dày, hành tá tràng và là tác nhân nguy cơ ung thư dạ dày. HP vào cơ thể con người theo ba đường: từ động vật sang người, từ ô nhiễm môi trường đặc biệt là nguồn nước, từ người sang người.
HP có thể bị lây nhiễm qua đường nước bọt nên việc dùng chung đũa bát hoàn toàn có nguy cơ. Đây cũng là con đường lây nhiễm phổ biến nhất của vi khuẩn này. Ngoài ra, chấm chung đĩa gia vị cũng có thể nhiễm HP.
Thói quen chấm chung gia vị. Ảnh minh họa
Con đường khác là dùng chung bàn chải đánh răng, cốc nước hoặc qua việc tiếp xúc gần như hôn, trò chuyện khiến nước bọt bắn ra. Trường hợp sử dụng cụ y tế không được vệ sinh, khử trùng sạch khi thăm khám có tiếp xúc răng miệng của người bệnh cũng có thể lây bệnh.
Theo thống kê, khoảng 1% bệnh nhân nhiễm vi khuẩn HP có nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Người bệnh nhiễm khuẩn HP diễn tiến đau dạ dày thường có một số triệu chứng như ợ hơi, đau bụng nhiều lần, thường xuyên có cảm giác no, đầy hơi, buồn nôn...
Để phát hiện có vi khuẩn HP hay không, người nghi ngờ cần xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, test qua hơi thở hoặc làm sinh thiết.
Theo GS.TS Đào Văn Long – nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nhiễm HP là một trong những nhiễm trùng mạn tính phổ biến nhất thế giới. Hiện khoảng một nửa dân số toàn cầu bị nhiễm HP. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nhiễm HP cao nhất: Khoảng 70% dân số.
Tại các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, trẻ em (đặc biệt là các cháu dưới 10 tuổi) thường là đối tượng dễ nhiễm HP nhất. Nguyên nhân là do chất lượng vệ sinh môi trường sống, thói quen ăn uống, hoặc quen tiếp xúc gần gũi, hôn hít của người lớn với trẻ nhỏ.
Ngoài ra, do hệ miễn dịch của các bé chưa thực sự hoàn chỉnh, nên nguy cơ lây nhiễm thường sẽ cao. Vì vi khuẩn HP có thể vào cơ thể con người theo 3 con đường từ động vật sang người, từ ô nhiễm môi trường đặc biệt là nguồn nước sang người và nguồn lây từ người sang người là đường lây rất phổ biến, nhất là với trẻ em.
Trẻ em nhiễm HP cũng có thể bị các biến chứng khó tiêu, viêm dạ dày cấp và mạn. Một số trường hợp trẻ nhiễm HP bị loét dạ dày tá tràng. Một số khác, HP có thể gây ra một dạng U mô lympho trên lớp niêm mạc dạ dày (u MALT) khi lớn lên. Tuy nhiên, để tiến triển thành các bệnh ung thư dạ dày thì phải đòi hỏi một quá trình viêm teo lâu dài. Vì vậy biến chứng này ít xuất hiện ở trẻ em.
Triệu chứng biểu hiện của các bệnh trên có những đặc trưng riêng, nhưng thường là đầy bụng, ợ chua, ợ hơi, hoặc đau quanh rốn hay ở vùng thượng vị, trẻ bé có thể chán ăn, buồn nôn, chậm lớn… Một số trẻ bị loét dạ dày tá tràng có thể vào viện vì nôn ra máu hoặc đi tiêu phân đen hôi. Đôi khi trẻ không biểu hiện gì nhiều ngoài việc ngày càng xanh xao, thiếu máu mà không giải thích được.
Tuy nhiên, việc điều trị vi khuẩn HP ở mỗi nước sẽ có những khuyến cáo khác nhau, tuy nhiên ở Việt Nam nếu chưa có triệu chứng thì trước mắt chưa cần phải điều trị.
Chuyên gia khuyến cáo khi điều trị vi khuẩn HP nên để bác sĩ khám, tư vấn và quyết định để tránh những tốn kém không đáng có cũng như những hoang mang lo lắng khi test dương tính mà chưa được điều trị.