Trong phiên giao dịch ngày 3/5, chỉ số VN-Index ghi nhận tăng gần 5 điểm. Chỉ số này giữ sắc xanh cả ngày, có lúc đi trên tham chiếu hơn 9 điểm. Tuy nhiên gần cuối phiên, áp lực bán dần xuất hiện nhiều hơn đã đẩy chỉ số đại diện sàn HoSE đóng cửa ở 1.221,03 điểm. Tổng giá trị giao dịch chốt trên 17.000 tỷ đồng, tăng 2.600 tỷ so với phiên giao dịch liền trước.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index tăng nhẹ 0,73 điểm để đóng cửa ở mức 228,22 điểm. Chỉ số Upcom-Index tăng 0,08 điểm để đóng cửa ở mức 89,78 điểm.
Sau những rung lắc của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhận định về xu hướng phiên giao dịch tới chuyên gia công ty chứng khoán Vietcap dự báo ngưỡng kháng cự MA50 tại vùng 1.256 điểm sẽ tiếp tục thúc đẩy lực bán chốt lãi tại nhóm cổ phiếu VN30. Chỉ số theo đó có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh giảm để kiểm định lại đường MA20 vừa vượt qua tại 1.242 điểm. Nếu áp lực bán không mạnh và khiến hỗ trợ này chưa bị vi phạm, VN30 vẫn còn khả năng kéo dài đà hồi phục sau đó. Ngược lại, nếu vi phạm hỗ trợ này, tín hiệu đảo chiều giảm có thể sẽ hình thành.
Chuyên gia công ty chứng khoán SHS nhận định thị trường vận động theo kịch bản tích cực và VN-Index vẫn đang có xu hướng tiệm cận trở lại ngưỡng cản trung hạn tại vùng 1.250 điểm, tuy nhiên sau 5 phiên tăng điểm liên tiếp VN-Index rất có thể sẽ có các nhịp rung lắc do đó cơ hội giải ngân ngắn hạn khá hạn chế và SHS không khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn giải ngân ở trạng thái vận động hiện tại, nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ đợi nhịp rung lắc điều chỉnh. Với nhà đầu tư trung - dài hạn, thị trường đang vận động trở lại kênh tích lũy rộng 1.150 điểm - 1.250 điểm nhưng đang trong nhịp tăng ngắn hạn nên mặt bằng giá hiện tại không còn quá hấp dẫn khi Vn-Index đang vận động ở nửa trên của kênh tích lũy, nếu muốn giải ngân thêm nhà đầu tư trung hạn nên chờ nhịp rung lắc mới.
Chuyên gia công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá trong phiên giao dịch ngày 3/5, thị trường tiếp tục diễn biến hồi phục và tiến vào vùng cản 1.220 – 1.230 điểm, trước đường MA(20). Thanh khoản tăng so với phiên trước nhưng vẫn ở mức thấp bất chấp có hoạt động cơ cấu ETF, cho thấy nguồn cung tạm thời vẫn ở mức thấp và trong trạng thái chờ đợi, nhờ vậy thị trường vẫn còn tăng điểm với dòng tiền thấp. Tuy nhiên, thị trường vẫn trong trạng thái thận trọng và có diễn biến tranh chấp với nến Star khi tiến vào vùng cản 1.220 – 1.230 điểm. Khả năng bị cản tại vùng này vẫn hiện hữu và rủi ro lùi bước vẫn còn tiềm ẩn do dòng tiền hỗ trợ vẫn còn thấp. Do vậy, nhà đầu tư cần tránh mua đuổi và giữ tỷ trọng danh mục ở mức hợp lý, đồng thời quan sát diễn biến cung cầu tại vùng cản để đánh giá lại trạng thái của thị trường. Hiện tại vẫn nên cân nhắc các đợt hồi phục để chốt lời hoặc cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.