Anh Đào Phước Xoàn (34 tuổi, ngụ tại xã An Thạnh, Thạnh Phú, Bến Tre) là giáo viên tin học tại một trường tiểu học ở địa phương. Anh cũng được biết đến như một nhà sáng chế khi đã nghiên cứu, tạo ra được nhiều máy nông cụ, đặc biệt là máy cho tôm ăn tự động đã được bán khắp miền Tây.
Năm 2020, anh Xoàn vinh dự nhận được giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn tổ chức khi nghiên cứu thành công đề tài "ao tôm thông minh", cho ra đời cách nuôi tôm an toàn, hiệu quả. Cùng thời điểm, anh cũng đạt được thành công với mô hình nuôi cua chất lượng cao.
Anh chia sẻ cua biển ở Bến Tre rất nhiều nhưng cũng vì vậy mà giá không cao. Khi người dân bắt được cua tự nhiên, dù chất lượng tốt nhưng còn nhỏ cũng đành phải bán rẻ. Ngược lại, những loại cua giá trị cao như cua cốm vừa lột hay cua hai da (chuẩn bị lột) lại hầu như không bắt được.
Anh Xoàn đã có bí quyết nuôi cua bán được giá, mỗi năm thu về cả tỷ đồng.
“Vì thế, tôi mới nghĩ cần tìm cách nuôi để kiểm soát, thu hoạch được con cua đúng ngày lột, từ đó mới mong bán được giá cao, thay đổi đời sống”, anh Xoàn nói. Năm 2019, anh bắt đầu nghiên cứu cách nuôi cua mới với “ngân sách” 30 triệu đồng được vợ cấp.
Số vốn ít ỏi, anh mua 60 thùng sơn cũ sắp xếp ở một góc nhà, bố trí thêm hệ thống ống nước thành một khu nuôi. Anh cũng cất công bơi xuồng ra biển lấy nước về để cua nuôi có môi trường sống gần với tự nhiên nhất. Mỗi thùng sơn anh thả nuôi 4 con cua loại nhỏ.
Thế nhưng, con đường tìm cách nuôi cua của anh Xoàn chẳng dễ dàng, cua chết hết lần này đến lượt khác. Mỗi lần cua chết, anh có thêm một kinh nghiệm nhưng mỗi kinh nghiệm đó đều phải trả giá bằng rất nhiều tiền.
Anh nuôi cua trong những chiếc thùng sơn cũ.
“Lứa cua đầu tiên nuôi được khoảng một tuần thì chết rất nhiều. Khi kiểm tra, tôi thấy những con chết đều mang thương tích, xác định đã bị tác động mạnh trong quá trình đánh bắt. Chục triệu đồng mất gần hết để rút ra bài học chọn cua giống sao cho đúng.
Lứa thứ 2, chỉ sau thời gian ngắn cua lại chết hàng loạt, lần này là do thức ăn cho cua được mua từ chợ không đảm bảo chất lượng. Chi phí lại thành học phí.
Tiếp tục lứa thứ 3, lần này sau hơn 1 tháng toàn bộ cua chết đồng loạt chỉ trong một đêm. Hết sức chán nản, tôi từng nghĩ đến việc dừng lại. Thế nhưng sau khi trấn tĩnh, nghĩ về lý do bắt đầu, tôi lại kiểm tra tỉ mỉ từng khâu, từng bước để tìm nguyên nhân. Cuối cùng, tôi cũng hiểu được là hệ thống nước tuần hoàn đã đưa mầm bệnh từ một con cua lây lan ra cả đàn", anh chia sẻ.
Sau nhiều lần thất bại, anh cũng đã có thành quả nhất định.
Mất hơn một năm ròng với số tiền gấp nhiều lần 30 triệu đồng vốn dự kiến ban đầu anh mới được thu hoạch lứa cua đầu tiên như ý. Thêm vài lứa nuôi thành công, nắm trong tay một quy trình nuôi cua hiệu quả, anh tự tin nhân rộng mô hình lên thành 1.000 thùng.
Anh cũng liên kết với nông dân khác để tăng vốn. Không chỉ vậy, anh còn bán kỹ thuật nuôi cho những trang trại trong và ngoài tỉnh.
Mỗi vụ nuôi chỉ kéo dài không quá 2 tháng nhưng giá trị con cua có thể tăng đến 4 lần. Cua thịt anh mua để nuôi có giá 120.000 đồng/kg, cua cốm bán ra có giá trên 400.000 đồng/kg. Do môi trường nuôi được kiểm soát, anh có thể nuôi xoay vòng quanh năm.
Anh hiện đang bán cua cốm với giá 400.000 đồng/kg.
Cứ 2 tháng, anh bán cua ra thị trường và thu về 200 triệu đồng.
Cầm trên tay con cua, anh thuyết minh kỹ thuật nuôi của mình rành mạch, khoa học không thua kém một kỹ sư nông nghiệp thực thụ.
"Cua sắp thay vỏ sẽ bỏ ăn, mu cũ nhô lên, ở càng nổi vân. Thường từ khi xuất hiện dấu hiệu đến khi lột là khoảng 4 ngày, thời gian này cần để cua sống riêng, kiểm soát môi trường nghiêm ngặt.
Khi mình có quy trình rồi thì nuôi dễ lắm, gần như chẳng tốn thời gian gì. Thay nước, kiểm tra nước cho cua đã có máy tính theo dõi, thức ăn thì bỏ mồi sống vào, cua đói sẽ tự bắt ăn”, anh Xoàn nói.
Anh chia sẻ mỗi lứa cua nuôi 2 tháng bán được khoảng 200 triệu đồng, trừ chi phí anh còn lãi trên 60%. Do cua cốm là hàng hiếm trên thị trường nên hàng luôn có khách đặt trước, vì vậy anh rất tự tin sản xuất và liên tiếp mở rộng quy mô trang trại.