Thanh Phong Bùi Khắc Sáng: “Thư pháp Việt ngày càng được giới trẻ quan tâm”

Tết đang cận kề, người người nhà nhà cũng đã bắt đầu bận rộn hơn trong việc chuẩn bị đón chào năm mới, xuân Ất Tỵ 2025.

Bên cạnh những hối hả, lo toan cho dịp Tết cổ truyền của dân tộc, vẫn có những người trẻ tìm tới các lớp học thư pháp với mong muốn được trải nghiệm thêm về vẻ đẹp văn hoá, cảm giác của một thời kỳ cha ông còn cầm bút lông viết chữ luyện tâm, rèn tính. Để biết thêm về sở thích thú vị này, đặc biệt là những người đang nghiên cứu về bộ môn nghệ thuật thư pháp Việt, dưới đây là những chia sẻ của anh Bùi Khắc Sáng (bút danh: Thanh Phong) một người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc thực hành và giảng dạy thư pháp Việt tại Hà Nội.

“Đối với Thư pháp Thanh Phong đây là thời gian anh cảm nhận được lớp trẻ đang ngày một quan tâm tới thư pháp nhiều hơn.

So với các năm trước, năm nay số lượng các bạn trẻ đăng ký lớp học thư pháp có phần tăng lên nhiều.

Tuy nhiên, nhận thức của các bạn về nghệ thuật thư pháp còn hạn chế do chưa hiểu đúng về bản chất của thư pháp là bộ môn cần sự rèn luyện kiên trì và lâu dài.

Mặc dù những buổi học cơ bản chỉ giúp cho các bạn phần nào có thể sử dụng bút lông, mực tàu để viết nên những con chữ ngô nghê, song cũng là cơ hội, là mối duyên lành cho những ai thực sự có niềm đam mê tìm hiểu sâu về nó”.

Thư pháp Việt là bộ môn nghệ thuật mới phát triển cách đây không lâu, kế thừa các kỹ thuật sử dụng bút lông, mực tàu của người xưa truyền lại cùng việc thể hiện nội dung là hệ chữ quốc ngữ hiện tại của Việt Nam. Đứng cùng với nền thư pháp Hán Nôm đã có sự phát triển từ ngàn đời của dân tộc, thư pháp Việt đã dần có được “chỗ đứng riêng” thông qua nhiều cuộc triển lãm, nhiều cuộc thi và các nhiều buổi gặp gỡ giao lưu giữa các câu lạc bộ trên khắp các tỉnh thành do tính chất gần gũi, dễ học, dễ ứng dụng của hệ chữ Quốc Ngữ, người học không cần phải biết chữ Hán, có thể trực tiếp nhập môn với các nét cơ bản đơn giản để tự mình thể hiện những nội dung bằng hệ chữ Latinh và dùng nó trong việc trang trí nhà cửa cho dịp Lễ, Tết. Việc tự tay mình tạo ra những câu đối, hoành phi để treo trong những ngày đầu năm mới tạo nên cảm giác vừa thân quen mà rất đỗi gần gũi.

Không chỉ các bạn trẻ người Việt chúng ta mới có nhu cầu tìm hiểu về thư pháp mà còn có cả những bạn trẻ nước ngoài đặc biệt tìm tới Việt Nam để tham khảo, học tập bộ môn này.

“Do thư pháp Việt mới được biết đến và còn đang trong thời kỳ phát triển, còn nhiều thiếu xót trong hệ thống lý luận và thực hành nên rất nhiều người đã có tư duy lệch lạc, tạo ra những lớp học kém chất lượng. Điển hình như có một số lớp học thư pháp cấp tốc, các lớp học có giáo trình lạ lẫm như hướng dẫn học viên viết nét “khúc xương”!?!, nét “xoắn quẩy”, hay không giải thích kỹ cho học viên những nguyên tắc chung nhất của thư pháp về kỹ thuật cầm bút, chọn bút, các luật lệ về chương pháp, đóng ấn…” - Anh Sáng chia sẻ thêm.

“Với những kiến thức được kế thừa từ bộ môn thư pháp Hán, người Việt Nam cũng cần phải tìm hiểu thêm khá nhiều những kiến thức về lịch sử phát triển của hệ chữ Latinh để biết cách hoà trộn và dung hợp cho đúng đắn”.

Chính vì vậy, anh hy vọng rằng việc mình tổ chức các lớp học thư pháp cho người trẻ hiện nay sẽ ngày càng được lan toả rộng rãi, và các bạn trẻ cũng sẽ ngày càng có góc nhìn đúng đắn hơn, kiên trì, và nỗ lực hơn, có sự tìm hiểu sâu hơn và kỹ hơn để có được sự cảm nhận rõ nét các giá trị truyền thống, thông qua đó góp phần đưa thư pháp Việt trở thành bộ môn có nền tảng vững chắc, có sự tiếp nối đúng đắn, và chất lượng.

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN