Thảm bại bất ngờ, choáng váng của quân đội Mỹ trong lần đầu đụng độ phát xít Đức

Tháng 2/1943, quân đội Mỹ bị phát xít Đức đánh bại hoàn toàn trong trận chiến kéo dài nhiều ngày ở vùng sa mạc Bắc Phi. Đây là cuộc đụng độ quy mô lớn đầu tiên giữa Mỹ và Đức trong Thế chiến 2.

Thống chế Đức Erwin Rommel thị sát tình hình ở tiền tuyến bên cạnh xác xe tăng đồng minh.

Mùa đông năm 1942 - 1943, quân Đồng minh có mọi lý do để tin rằng họ sắp giành được chiến thắng hoàn toàn ở Bắc Phi. Mọi chuyện bắt đầu vào tháng 11/1942, khi quân Đức ở Bắc Phi do thống chế Erwin Rommel chỉ huy bị Tập đoàn quân số 8 của Anh đánh bại trong trận El Alamein lần hai.

Thất bại này khiến tàn quân Đức và Italia phải rút lui dài ngày qua vùng sa mạc nóng bỏng ở phía bắc Libya. Tình hình càng tồi tệ hơn vói quân phát xít khi Mỹ phát động chiến dịch ở Bắc Phi nhằm phối hợp với Anh.

Đến tháng 1/1943, quân Đức do Rommel chỉ huy đã rút lui khoảng 2.200km. Tinh thần binh sĩ xuống thấp cũng như thương vong rất cao. Tình hình càng tồi tệ hơn khi Tập đoàn quân số 8 của Nguyên soái Anh Bernard Law Montgomery đã chiếm được Tripoli - căn cứ tiếp tế chính của Rommel - vào ngày 23/1.

Quân Đức và Italia khi đó chỉ còn hiện diện ở Tunisia. Cuộc truy đuổi của quân Đồng minh lúc này có dấu hiệu sa lầy, với những cơn mưa mùa đông biến vùng đất ở Tunisia thành những bãi bùn.

Ở Tunisia, thống chế Rommel liên kết với quân của tướng von Arnim. Rommel đề ra chiến lược rút lui một cách có trật tự khỏi Bắc Phi để bảo toàn lực lượng.

Nhưng để làm được như vậy, Rommel tin rằng cần phải giáng một đòn mạnh vào lực lượng Đồng minh đang ngày càng khép vòng vây. 

Xe tăng Đồng minh chiến đấu trong trận ĐèoKasserine ở Tunisia năm 1943.

Lúc này, Rommel được tin cấp lãnh đạo ở Berlin gọi ông ta về nghỉ ngơi. Nhưng Rommel không muốn rời châu Phi một cách cay đắng như vậy.

Rommel muốn tổ chức một cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào phòng tuyến của quân Đồng minh, đặc biệt là vị trí của quân Mỹ ở Đèo Kasserine vì lực lượng Mỹ tỏ ra thiếu kinh nghiệm chiến đấu.

Rommel đặt mục tiêu vượt qua phòng tuyến của quân Mỹ ở đèo Kasserine. Nếu thành công, quân Đức có thể tiến tới Tebessa và giáng đòn gây tổn thất cho mạng lưới hậu cần của phe Đồng minh.

Giao tranh bắt đầu vào ngày 14/2/1943 ở một số khu vực thuộc phòng tuyến của phe Đồng minh phía trước đèo Kasserine. Quân Đức tiến công theo hai mũi nhọn, một do đích thân Rommel chỉ huy. Mũi tiến công còn lại do tướng von Arnium cầm quân.

Toàn bộ lực lượng phòng thủ của Mỹ ước tính vào khoảng 30.000 người, còn lực lượng tiến công của Đức chỉ có khoảng 22.000 người.

Các binh sĩ Mỹ đóng quân ở thành phố Sidi bou Zid không phải là đối thủ của lực lượng Đức thiện chiến. Quân Đức tỏ ra dày dạn kinh nghiệm khi đã chiến đấu ở Bắc Phi trong gần hai năm. Sau vài ngày giao tranh, lực lượng Mỹ tỏ ra yếu thế và buộc phải rút lui

Trong loạt các cuộc đụng độ, xe tăng Panzer và Tiger của Đức chứng minh sự vượt trội hoàn toàn so với xe tăng Mỹ. Sự kết hợp giữa hỏa lực từ pháo binh và hỏa lực tầm xa của xe tăng giúp quân Đức dễ dàng chiếm ưu thế. Xe tăng Đức khi đó có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách xa gấp đôi xe tăng Mỹ.

Ở trên bầu trời, các máy bay ném bom bổ nhào Stuka của Đức gây ra thiệt hại vô vùng lớn, đặc biệt đối với các lực lượng Mỹ chi viện. Riêng một đơn vị chiến đấu của Mỹ mất 40 trong tổng số 47 xe tăng.

Quân Đức sau đó tiến đến thị trấn Sbeitla, phía đông Đèo Kasserine. Sau mỗi lần đạt bước tiến, quân Đức lại chuyển sang trạng thái phòng thủ để đối phó lực lượng Mỹ phản công.

Bản đồ hai mũi nhọn tiến công của quân Đức trong trận Đèo Kasserine.

Trong một cuộc phản công như vậy vào ngày 15/2, 58 xe tăng Sherman của Mỹ được lệnh di chuyển với tốc độ cao nhằm đột phá các vị trí Đức mới kiểm soát. Rommel đối phó bằng cách bố trí trận địa phục kích với hàng loạt pháo chống tăng cỡ 88mm.

"Xe tăng Mỹ tiến thẳng vào trận địa pháo 88 mm giăng sẵn của Đức. Các xe trúng đạn lần lượt bị nổ tung, bốc cháy hoặc khựng lại vì đứt xích. Những chiếc phía sau cố gắng quay đầu, nhưng dường như Đức có các khẩu pháo chống tăng ở khắp nơi", Ewin V. Westrate, một người trực tiếp chứng kiến trận đánh, nói.

55 trong số 58 xe tăng Mỹ tung vào cuộc phản công bị phá hủy hoàn toàn. Quân Đức cũng bắt sống trung tá Mỹ James Alger, chỉ huy nhóm xe tăng.

Rommel sau đó phát động đợt tiến công thứ hai nhằm vào thành phố Gafsa với khoảng 160 xe tăng. Quân Đức cũng chiếm chiếm thị trấn Feriana nằm giữa Gafsa và Đèo Kasserine.

Với phòng tuyến ban đầu bị phá vỡ và lực lượng phòng thủ bị tổn thất, lực lượng Mỹ rút về Đèo Kasserine. Ngày 19/2, hai cánh quân Đức đụng độ với lực lượng phòng thủ Mỹ trong trận đánh quyết định ở Đèo Kasserine. Nắm giữ lợi thế về địa hình, quân Mỹ đã kháng cự quyết liệt nhưng không thể giữ phòng tuyến. Pháo chống tăng cỡ 37mm của Mỹ lắp trên xe jeep và xe tăng M3 Stuart có hỏa lực yếu và tỏ ra kém hiệu quả.

Đến tối ngày 19/2, quân Đức tràn qua cứ điểm của Mỹ trên các ngọn đồi ở cả hai bên đèo Kasserine. Trưa ngày hôm sau, tuyến phòng thủ của Mỹ bị chọc thủng hoàn toàn, để lại chiến trường ngổn ngang xác xe tăng và xe quân sự Mỹ. 

Quân Đức sau đó thừa thắng xông lên, đẩy lùi các lực lượng Mỹ thêm 80km. Đà tiến quân của quân Đức tiếp tục diễn ra trong ngày 20-21/2, bất chấp nỗ lực ngăn chặn của lực lượng Đồng minh.

Đạt được mục tiêu ban đầu là bẻ gãy phòng tuyến và giáng đòn khiến quân Mỹ choáng váng, đồng thời hoạt động hậu cần của quân Đức lúc này bị kéo giãn bị kéo giãn, Rommel ra lệnh rút quân vào ngày 23/2.

Xe tăng M3 của quân đội Mỹ di chuyển trên địa hình sa mạc ở Tunisia.

Kết thúc giao tranh, Rommel đã gây tổn hại đáng kể cho lực lượng Mỹ. Ước tính khoảng 300 binh sĩ Mỹ thiệt mạng, 3.000 người khác bị thương và hơn 3.000 người bị bắt làm tù binh. Quân Mỹ mất 183 xe tăng, 104 xe quân sự, 208 khẩu pháo và hơn 500 phương tiện khác.Tổn thất lớn đến mức quân đội Mỹ phải huy động 7.000 quân bổ sung để khôi phục năng lực chiến đấu của các đơn vị ở tiền tuyến.

Phía Đức mất 201 binh sĩ, 536 người bị thương và 252 người mất tích. Về mặt khí tài, quân Đức tổn thất 20 xe tăng, 67 xe quân sự và 14 khẩu pháo.

Tổng số thương vong và bị bắt làm tù binh hoặc mất tích của quân Mỹ lên tới gần 10.000 người trong khi con số này bên phía Đức là gần 1.000 người.

Hàng thập kỷ sau sự kiện này, tướng Mỹ Omar Bradley mô tả đây là trận đánh "thảm họa hoàn toàn". Tướng Bradley viết trong cuốn tự truyện xuất bản vào những năm 1980: “Thậm chí nhiều năm về sau, tôi vẫn đau lòng khi nghĩ về thảm họa đó. Đây là một trong những trận đánh tồi tệ nhất của quân đội Mỹ". Ông Bradley là chỉ huy lực lượng Mỹ chiến đấu ở Bắc Phi kể từ tháng 4/1943, sau thất bại trong trận Đèo Kasserine.

Sau thất bại, quân đội Mỹ đã rút ra những bài học sâu sắc. Mỹ cải tổ hoàn toàn quân đội, thay thế các chỉ huy yếu kém về năng lực, đào tạo chuyên sâu hơn nhằm đối phó xe tăng và cải thiện chiến thuật pháo binh. Quân đội Mỹ cũng tập trung đào tạo các hoạt động tác chiến phối hợp để đảm bảo các đơn vị trên không và trên bộ liên lạc với nhau một cách hiệu quả.

Mỹ sau đó đã loại bỏ các vũ khí được xem là lỗi thời như xe tăng M3 Stuart, thay bằng các xe tăng và vũ khí chống tăng khác hiệu quả hơn.

Thất bại trong trận Đèo Kasserine khiến tướng Lloyd Fredendall, chỉ huy lực lượng Mỹ ở Bắc Phi mất chức. Tuy không bị kỷ luật nhưng tướng Fredendall được rút về Mỹ và không tham gia bất cứ vai trò chiến đấu nào trong suốt phần còn lại của Thế chiến 2.

Nhật Minh - Tổng hợp

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN