Tài liệu mật rò rỉ của Mỹ tiết lộ những điều Ukraine chưa từng công bố.
Theo nội dung trong tài liệu được đánh dấu "mật", hệ thống phòng không S-300 của Ukraine sẽ cạn kiệt đạn tên lửa vào ngày 2/5 với tần suất sử dụng như hiện nay, trước những cuộc tập kích tên lửa của Nga.
New York Times trích dẫn nội dung tài liệu mật rò rỉ cho biết, toàn bộ hệ thống phòng không Ukraine ở tiền tuyến sẽ "tê liệt" vào ngày 23/5.
Theo đánh giá của Lầu Năm Góc, bộ binh Nga hứng chịu tổn thất lớn sau một năm xung đột ở Ukraine. Nhưng không quân Nga thì vẫn bảo toàn lực lượng với ít nhất 485 máy bay sẵn sàng chiến đấu ở Ukraine, gấp nhiều lần so với 85 máy bay mà Ukraine có.
Nga cũng sở hữu các tiêm kích hiện đại nhất, gồm Su-35 hay tiêm kích tàng hình Su-57. Không quân Ukraine hiện vẫn chỉ có thể sử dụng tiêm kích MiG-29 có tuổi đời từ những năm 1980.
Một ảnh chụp tài liệu mật rò rỉ mô tả tình hình chiến sự ở Ukraine.
Nếu Ukraine không còn có thể bảo vệ bầu trời, Nga sẽ gia tăng tần suất tập kích quân đội Ukraine, khiến cục diện chiến sự sau 15 tháng hoàn toàn nghiêng về phía Nga.
Ở giai đoạn đầu của cuộc xung đột, Ukraine tích cực sử dụng các hệ thống phòng không chủ chốt như S-300 và hệ thống phòng không Buk để đánh chặn máy bay, tên lửa hành trình của Nga.
Nhưng tình hình giao tranh hiện nay đã khác biệt rất nhiều do chiến sự trải dài trên nhiều mặt trận và Ukraine vẫn cần đặt một số hệ thống phòng không ở các thành phố lớn như Kiev để đề phòng Nga tập kích tên lửa tầm xa.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, bổ sung thêm hệ thống phòng không cho Ukraine là một trong những yếu tố quan trọng đối với Kiev trong đợt phản công sắp tới.
Thông tin mật bị rò rỉ nêu trên được coi là có giá trị với Nga, trong khi đây được coi là điều mà Ukraine không muốn bị công khai trên truyền thông. Hôm 7/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã triệu tập cuộc họp khẩn với các quan chức an ninh, bàn về vấn đề tăng cường bảo mật thông tin để tránh nguy cơ bị rò rỉ như Lầu Năm Góc.
Tuần trước, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo gửi thêm hệ thống phòng không và đạn tên lửa cho Ukraine thông qua gói hỗ trợ quân sự trị giá 2,6 tỷ USD. Nhưng như vậy có lẽ vẫn là chưa đủ, Daily Mail nhận định.
Thông tin được tiết lộ hôm 9/4 đặt ra câu hỏi về việc Mỹ dường như nắm rõ các kế hoạch quân sự của Nga hơn những gì Ukraine được biết, theo New York Times. Ngược lại, Mỹ cũng phải dùng đến những biện pháp gián điệp để nắm được các kế hoạch quân sự mà Ukraine không tiết lộ cho đồng minh.
Thông tin cũng lý giải phần nào việc Ukraine liên tục hối thúc Mỹ và đồng minh cung cấp chiến đấu cơ F-16 nhằm làm giảm sức ép cho các hệ thống phòng không.
Đã nhiều ngày trôi qua nhưng Lầu Năm Góc và Bộ Tư pháp Mỹ hiện vẫn chưa xác định được cụ thể ai là người đã chụp ảnh các tài liệu mật và công khai lên mạng internet, cũng như động cơ thực sự của người này.