Singapore treo cổ người đàn ông tham gia vận chuyển 1kg cần sa

Một người đàn ông Singapore ngày 26/4 đã bị xử tử bằng hình thức treo cổ sau bản án gây tranh cãi về việc người này có thực sự tham gia vận chuyển hơn 1kg cần sa hay không.

Tangaraju Suppiah, 46 tuổi, đã bị xử tử vào sáng sớm ngày 26/4.

Tangaraju Suppiah, 46 tuổi, người Singapore, bị treo cổ vào sáng sớm ngày 26/4 ở nha tù Changi. Gia đình Suppiah đã nhận được giấy báo tử, chị gái của Tangaraju, Leelavathy Suppiah xác nhận trên đài CNN.

Vài ngày trước thời điểm Tangaraju bị xử tử, gia đình và các nhà hoạt động ở Singapore đã nỗ lực kêu gọi sự khoan hồng và đặt dấu hỏi về bản án. Đây là vụ xử tử hình đầu tiên ở Singapore sau 6 tháng.

Tangaraju lần đầu bị tuyên án tử hình vào năm 2018. Bị cáo bị kết tội tham gia vận chuyển hơn 1kg (1.017,9 gram) cần sa, theo tuyên bố của Cục chống ma túy trung ương Singapore (CNB).

Theo tài liệu của tòa án, Tangaraju có liên lạc qua điện thoại với hai người đàn ông khác - hai người này tìm cách vận chuyển trái phép cần sa vào Singapore.

Nỗ lực kháng cáo của Tangaraju vào năm 2019 đã thất bại trong khi đơn xin được hưởng khoan hồng gửi tới Tổng thống cũng bị bác, CNB cho biết.

Tangaraju không bị bắt cùng hơn 1kg cần sa. Nhưng các công tố viên khẳng định bị cáo chịu trách nhiệm điều phối và có liên quan tới hai số điện thoại được sử dụng trong đường dây vận chuyển ma túy.

"Quá trình xét xử Tangaraju diễn ra theo đúng các quy trình tố tụng và bị cáo cũng có luật sư bào chữa trong suốt quá trình xét xử", tuyên bố của CNB cho biết.

Singapore là quốc gia có luật chống ma túy khắt khe bậc nhất thế giới. Hành vi tàng trữ, vận chuyển ma túy đều có thể bị xử với khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Gia đình Suppiah và các tổ chức nhân quyền cho rằng, án tử mà Tangaraju phải nhận là quá nặng."Việc kết tội Tangaraju chủ yếu dựa vào lời khai từ cuộc thẩm vấn của cảnh sát và lời khai của các đồng phạm", Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết, theo CNN.

Leelavathy, chị gái của Tangaraju, nói rằng anh trai vẫn nỗ lực đấu tranh để chứng minh mình vô tội đến cuối cùng. “Ở trong tù, Tangaraju,vẫn muốn đấu tranh cho sự vô tội. Tangaraju tin rằng sẽ có một phiên tòa công bằng để chứng minh rằng mình vô tội", Leelavathy nói.

Transformative Justice Collective (TJC), tổ chức đấu tranh cho việc bãi bỏ án tử hình ở Singapore, nói việc kết tội Tangaraju chủ yếu dựa trên suy luận mà các nhà điều tra không có bằng chứng trực tiếp.

"Anh ta chưa từng chạm vào số cần sa bị cáo buộc tham gia vận chuyển. Anh ta bị kết tội chỉ vì có liên lạc qua số điện thoại của hai người bị cáo buộc vận chuyển cần sa. Một trong hai số điện thoại này được sử dụng để điều phối hoạt đông vận chuyển", TJC cho biết.

Năm ngoái, Thái Lan là quốc gia đầu tiên ở châu Á phi hình sự hóa cần sa sau nhiều năm đấu tranh của các nhà hoạt động.

Malaysia, quốc gia lán giềng Singapore, đã thông qua các cải cách pháp lý sâu rộng vào đầu tháng này để loại bỏ án một số án tử hình và giảm số lượng tội phạm, bao gồm tội phạm ma túy có thể bị tử hình. Động thái này đã được các nhà hoạt động hoan nghênh, theo CNN.

Phản ứng về bản án tử hình đối với Tangaraju, chính phủ Singapore khẳng định chính sách không khoan nhượng với tội phạm ma túy. "Singapore không khoan nhượng đối với tội phạm ma túy và áp dụng cách tiếp cận đa hướng để chống ma túy”, Bộ Nội vụ Singapore cho biết. “Án tử hình là thành phần thiết yếu của hệ thống tư pháp hình sự của Singapore và đã có hiệu quả trong việc giữ cho đất nước an toàn".

Bộ Nội vụ Singapore bác bỏ những chỉ trích của các tổ chức nhân quyền, khẳng định rằng "có bằng chứng rõ ràng về việc Tangaraju là người tham gia điều phối hoạt động vận chuyển ma túy".

Nhật Minh - CNN

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN